Hà Nội triển khai thí điểm vé điện tử cho buýt nhanh

Sáng 10-10, liên danh Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) và Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) đã chính thức triển khai thí điểm hệ thống vé điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT 01. Theo đó, liên danh Viettel-Transerco đầu tư lắp đặt cổng kiểm soát ra vào, hệ thống ca-mê-ra giám sát, thiết bị bán vé và đường truyền in-tơ-nét tại 23 nhà chờ dọc tuyến; xây dựng phần mềm phát hành thẻ, nạp tiền, quản trị dữ liệu khách hàng tại liên danh và Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông vận tải - GTVT Hà Nội).

Trao đổi với Phó Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Công Nhật, được biết, vé điện tử sẽ được áp dụng đối với khách vé lượt và khách vé tháng sử dụng một tuyến (khoảng 3.000 khách). Riêng vé tháng liên tuyến (chiếm 70% khách vé tháng), do chưa áp dụng trên toàn mạng buýt nên khách vẫn mua tem vé tháng như bình thường. Khi khách hàng mua tem, Transerco sẽ dán vào mặt sau của vé một QR code và khách sẽ dùng QR code đó để sử dụng khi ra vào nhà chờ. Trước mắt, giá vé sẽ được giữ nguyên như hiện nay.

Trước đó, liên danh Transerco - Viettel đã triển khai thử từ ngày 25-9, áp dụng chủ yếu trong khung giờ thấp điểm để khách làm quen với loại hình thẻ vé mới. Cầm trên tay chiếc thẻ vé điện tử mới, anh Nguyễn Văn Hưng ở La Khê, Hà Đông tỏ ra khá hào hứng. Anh Hưng cho biết, anh thường xuyên đi buýt nhanh BRT nhưng chủ yếu vẫn mua vé lượt, có khi không chuẩn bị tiền lẻ, chờ nhân viên bán vé trả lại tiền nên lỡ cả chuyến xe. Giờ nếu có vé điện tử, anh sẽ mua vé tháng, quẹt thẻ là xong. Nhanh hơn, tiện hơn lại không phải mất thời gian mua vé, trả tiền theo lượt.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, việc triển khai thẻ vé điện tử là xu hướng tất yếu, cả người dân, quản lý nhà nước và DN đều được hưởng lợi từ việc triển khai dịch vụ này. Nhất là, khi có hệ thống hoàn chỉnh, người dân sẽ không mất thời gian đến các điểm nạp thẻ như hiện nay mà có thể tự động nạp tiền qua Internet banking. Với cơ quan quản lý và DN, khi đưa công nghệ hiện đại vào áp dụng, cái được dễ nhận thấy nhất là giải quyết được tất các bài toán về xử lý dữ liệu thông tin. Cụ thể, với hệ thống vé giấy hiện nay, việc thống kê chính xác dữ liệu đi lại của hành khách theo không gian, thời gian là không làm được. Điều đó dẫn đến không có dữ liệu để phân tích, đánh giá chính xác lưu lượng hành khách ở các thời điểm khác nhau, để điều hành cho phù hợp.

Ngoài lợi ích trên thì việc áp dụng thẻ vé điện tử có thể giúp thay đổi chính sách giá vé, cụ thể là điều chỉnh giá phù hợp với cự ly. Cũng nhờ công nghệ mới này, DN có thể áp dụng các chương trình giảm giá, khuyến mại với khách đi nhiều. “Thành phố giao chúng tôi triển khai thí điểm hệ thống này. Khoảng sáu tháng - một năm sẽ có báo cáo đánh giá trước khi triển khai nhân rộng trên toàn mạng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất để triển khai nhân rộng sang xe buýt thường là thời gian xe buýt dừng ở điểm đỗ chỉ vài chục giây. Vào giờ cao điểm, mật độ, lưu lượng người đông và việc kiểm soát khách có quẹt thẻ hay không sẽ rất khó khăn...”, ông Nguyễn Công Nhật cho biết.

Rõ ràng, việc triển khai thẻ vé điện tử sẽ tạo điều kiện cho quản lý nhà nước trong việc xây dựng chính sách giá vé để thu hút khách đi xe buýt, đồng thời mang lại lợi ích cho cả khách hàng, cụ thể là giá có thể rẻ hơn, bình đẳng hơn.