Gỡ rào cản, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

“Đổi mới sáng tạo” (ĐMST) là từ khóa không chỉ được tìm kiếm nhiều trên internet mà còn được các nhà đầu tư, các quỹ hỗ trợ, và hơn cả là các nhà khoa học đang nỗ lực “tìm kiếm” để ứng dụng hiệu quả trong thực tế.

Ấp ủ nghiên cứu nhiều đề tài, song hai sản phẩm tâm đắc của kỹ sư Cao Thị Vân Điểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhà máy thiết bị y học và vật liệu sinh học (MEDEP), là thủy tinh thể nhân tạo và chỉ khâu phẫu thuật chỉ được hoàn thành khi nhận sự hỗ trợ tích cực của FIRST. FIRST là một Dự án hỗ trợ đầu tư cho các sản phẩm ĐMST được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ và do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) quản lý. “Với FIRST, các dự án để được đầu tư phải lập hồ sơ kỹ lưỡng, đề tài có tính khả thi cao; và phải được thông qua hai vòng, sau thẩm định của các chuyên gia Việt Nam là vòng thẩm định của các chuyên gia nước ngoài. Trong thời gian thực hiện còn phải báo cáo tiến độ hằng tuần, hằng tháng”, kỹ sư Vân Điểm chia sẻ.

Không phân biệt dự án ĐMST thuộc khu vực công hay tư, FIRST đặc biệt chú trọng tính khả thi và ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường. Nhờ đó, thời gian qua, Viện Vật lý địa cầu đã thiết lập được hệ thống quan trắc tăng cường và hệ thống dự báo, cảnh báo độ phân giải cao hạn ngắn, cực ngắn dông, mưa lớn và ngập lụt đô thị cho TP Hà Nội. Một số cán bộ của Viện đã được cử sang Đài Loan (Trung Quốc) học tập, nghiên cứu. Các chuyên gia tại Ô-xtrây-li-a cũng được mời đến Việt Nam để đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm trong các khóa học ngắn hạn nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu vật lý khí quyển cho đội ngũ cán bộ của Viện...

Nhờ phát huy cơ chế tự chủ trong nghiên cứu khoa học, ĐMST gắn với bảo vệ môi trường, năm 2019, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã thành công trong một dự án độc lập, sản xuất gạch không nung từ xúc tác FCC thải. Việc sử dụng xúc tác FCC thải của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất làm nguyên liệu để sản xuất gạch không nung đã mở ra hướng đi mới trong việc xử lý loại chất thải này, góp phần giải quyết được các vấn đề về môi trường. Đây là thành quả sau hơn một năm nghiên cứu của VPI cùng Công ty TNHH Gạch ống không nung Ngôi sao Bình Dương. Ông Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng VPI, cho biết: VPI đang sử dụng xúc tác FCC thải là nguyên vật liệu có giá trị âm, nếu như không sử dụng để sản xuất gạch không nung, sẽ phải tốn chi phí để xử lý chất thải. Việc sử dụng xúc tác FCC thải sản xuất gạch không nung vừa đỡ tốn chi phí xử lý, vừa tạo ra sản phẩm, sẵn sàng cạnh tranh về giá thành. Theo kế hoạch, khi có đầu ra ổn định, sản xuất với số lượng lớn, VPI sẽ kết hợp với đối tác để xây dựng một phân xưởng ngay bên cạnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Mặc dù sử dụng gạch không nung sẽ tốt hơn cho môi trường, song do đây là sản phẩm mới, khó khăn lớn nhất lúc này là phải thay đổi thói quen tiêu dùng.

Trên đây chỉ là một số thí dụ về các dự án ĐMST thành công, được sự hỗ trợ cụ thể hoặc tự vận động của doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Thực tế cho thấy, không ít dự án ĐMST đã thất bại, mà một trong những nguyên nhân là bởi còn những “rào cản” trong cơ chế, chính sách dành cho KH-CN nói chung, các dự án ĐMST nói riêng, vẫn chưa được kịp thời tháo gỡ.

Rõ ràng, ĐMST trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp KH-CN đang là đòi hỏi bức thiết. Để thúc đẩy ĐMST ở doanh nghiệp nhất thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt của các bên, mà trước hết là sự vận động của bản thân doanh nghiệp với vai trò trung tâm, tiếp đến là các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (trường đại học, cao đẳng, trung học nghề) cùng các thiết chế hỗ trợ khác (ngân hàng thương mại, các quỹ hỗ trợ),…

Cùng đó, doanh nghiệp cũng phải chủ động nắm bắt các tín hiệu của thị trường, năng động và sáng tạo, hiểu rõ được tầm quan trọng của chuỗi giá trị sản phẩm; từ đó chủ động thu hút, huy động sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tín dụng để hình thành sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả hướng đến tạo ra và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa thiết thực, có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Nhà nước cần sớm ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động KH-CN và ĐMST, tạo hấp lực hơn nữa cho hoạt động này, góp phần tăng sức cạnh tranh cho những sản phẩm nội.