Gỡ khó để phát triển mạng lưới xe buýt hiện đại

Đầu tư, nâng cấp hạ tầng, đa dạng hóa các loại hình xe buýt và nâng cao chất lượng phục vụ, đó là những giải pháp quan trọng mà TP Hà Nội đã, đang tập trung thực hiện để phát triển mạng lưới xe buýt đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô.

Còn nhiều trở ngại

Việc hạ tầng không bảo đảm, thiếu tính kết nối, khiến hành khách phải đi bộ khá xa là một trong những nguyên nhân chính khiến không ít người dân khu vực ngoại thành đã không lựa chọn xe buýt làm phương tiện ưu tiên. Bởi TP Hà Nội hiện có 71 tuyến buýt đi qua địa bàn 17 huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây với hơn 2.100 điểm dừng, nhưng mới chỉ có 23 điểm dừng có nhà chờ. Bên cạnh đó, do chỉ hoạt động trên các đường trục chính, người dân thường phải di chuyển khá xa để đến các điểm dừng, nên việc chờ xe buýt không thuận lợi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng này.

Ngoại thành có cái khó của ngoại thành, trong khi khu vực nội thành cũng lại có những trở ngại riêng, nhất là tình trạng xe buýt "rùa bò" hay phải quay đầu vì ùn tắc giao thông. Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải phân tích, lâu nay xe buýt chưa hấp dẫn người dân do tốc độ trung bình xe chạy ngày càng giảm. Do áp lực giao thông tăng cao nên năm 2019 tốc độ trung bình xe buýt Hà Nội chỉ còn dưới 20 km/giờ, trong khi năm 2010, tốc độ này khoảng 23 km/giờ, và mỗi năm có khoảng 180.000 lượt bỏ chuyến, quay đầu, hủy cung cấp dịch vụ. Theo thống kê, sáu tháng đầu năm 2019, tăng trưởng hành khách của xe buýt ở Hà Nội không cao, chưa đến 1% so năm 2018, do tỷ lệ chậm chuyến từ 10-20 phút/lượt vẫn còn chiếm tới 50 - 60%/tổng số chuyến, dẫn đến biểu đồ chạy xe bị phá vỡ, thời gian chuyến đi kéo dài.

Khó khăn như vậy, nhưng không thể phủ nhận nỗ lực của Hà Nội trong việc phát triển mạng lưới xe buýt để nâng cao chất lượng, số lượng vận tải hành khách công cộng để tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân. Ðến thời điểm này, toàn thành phố có 123 tuyến buýt với gần 2.000 phương tiện, bao phủ 100% số các quận, huyện, thị xã; 100% số các trường đại học, cao đẳng; 86% số khu công nghiệp và 90% số khu đô thị. Tuy nhiên, hiện xe buýt cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 14% nhu cầu vận tải hành khách của Thủ đô, còn khá xa so với mục tiêu 17-20% Hà Nội đưa ra đến năm 2020.

Ða dạng hóa loại hình

Ðể thật sự tạo được "cú huých" cho xe buýt phát triển, nhiều chuyên gia giao thông chỉ rõ những thách thức mà thành phố phải đối mặt. Ông Lê Ðỗ Mười, Phó Viện trưởng Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho rằng, Hà Nội từng có 5,6 km đường dành riêng cho xe buýt ở đường Nguyễn Trãi nhưng nay đã bị "xóa sổ"; và hiện chỉ còn 1,3 km ở đường Yên Phụ nhưng cũng chưa thật sự là đường dành riêng đúng nghĩa. Trong khi quỹ đất xây dựng hạ tầng phục vụ xe buýt rất thiếu nên hành khách khó tiếp cận và phương tiện không thể di chuyển dễ dàng. "Ðể phát triển được xe buýt trước hết cần tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng, với những giải pháp cương quyết, từ lãnh đạo thành phố xuống đến các sở, ngành và địa phương", ông Mười kiến nghị.

Nhằm nâng cao chất lượng mạng lưới xe buýt để thu hút hành khách, vừa qua tại kỳ họp thứ chín, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quan trọng, trong đó, có nhiều cơ chế chính sách ưu tiên cho xe buýt phát triển, miễn phí sử dụng xe buýt với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới sáu tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo... Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ mở mới 21 tuyến buýt, trong đó có bốn tuyến buýt sử dụng nguyên liệu sạch, kết nối, thu gom hành khách từ khu dân cư, khu đô thị ra trục chính tại các quận, huyện.

Cùng với việc đầu tư cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng phương tiện, theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, Hà Nội sẽ nỗ lực để người dân có thể tiếp cận hệ thống giao thông công cộng dễ dàng hơn với thời gian chờ đợi không quá 5-10 phút kể cả chuyển tuyến. Có như vậy, việc phát triển mạng lưới xe buýt của Thủ đô mới đạt hiệu quả như kỳ vọng và tiến tới giảm dần phương tiện giao thông cá nhân, từ đó kéo giảm tình trạng ách tắc giao thông.