Giúp người lao động vượt khó

Khó khăn của hàng triệu lao động, hộ kinh doanh cá thể… sẽ vơi đi phần nào khi nhận được "gói hỗ trợ đặc biệt" mà Chính phủ đang đề xuất. Tuy nhiên, phải bảo đảm việc hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để bị lợi dụng, trục lợi chính sách... là nhiệm vụ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương.

Người lao động gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh đang mong mỏi gói hỗ trợ của Nhà nước sớm được thực thi.
Người lao động gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh đang mong mỏi gói hỗ trợ của Nhà nước sớm được thực thi.

"Không để ai bị bỏ lại phía sau"

Ðó là tinh thần chính mà người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh với các bộ, ngành khi xây dựng dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Phải nói rằng, chưa bao giờ chúng ta xây dựng một gói hỗ trợ lớn, được huy động tổng lực đến như vậy. Bảo đảm cho những người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh có được mức sống tối thiểu, không để "đói cơm lạt muối" cũng như dưỡng sức người lao động (NLÐ) để họ tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trở thành mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng chính sách và điều hành của Chính phủ. Ðể bảo đảm được mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Nhà nước và doanh nghiệp (DN) cùng chia sẻ trách nhiệm triển khai nhanh gói hỗ trợ này vì "cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn nữa".

Gói hỗ trợ này đã được người đứng đầu các bộ, ngành đồng lòng ủng hộ. Theo ông Ðào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc, quyết định đúng thời điểm của Ðảng, Nhà nước, của Chính phủ. Còn điều khiến ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tâm đắc, chính là tính nhân văn, cho thấy Ðảng, Nhà nước quan tâm phát triển đồng đều kinh tế và xã hội.

Ở góc độ DN, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam mong muốn, gói chính sách hỗ trợ DN nhanh chóng được đưa vào thực thi để gỡ khó cho các DN. Theo thống kê của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, tháng 4 sẽ có hơn 30% số NLÐ của ngành thiếu việc làm. Trong tháng 5 và tháng 6, việc cam kết nhận hàng của các khách hàng chưa rõ ràng nên có thể số NLÐ sẽ gặp khó khăn lên tới hơn 50%.

Sự đồng hành kịp thời, đúng lúc và hiệu quả của Chính phủ qua các chính sách đang thực thi đã tiếp sức rất lớn cho NLÐ, đặc biệt là những người không có tích lũy, kiếm sống qua ngày, nhiều đối tượng khó khăn khác do dịch bệnh. Ðiều đó còn giúp người dân thêm vững tin và quyết tâm cùng Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Ðình Quảng cho rằng, đại dịch Covid-19 khiến DN và NLÐ vô cùng khó khăn. Hiện con số DN chịu ảnh hưởng vì dịch của 30 tỉnh, thành phố do Bộ LÐ-TB&XH đưa ra gồm: 553 đơn vị giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh, 322 DN dừng hoạt động, 30 hợp tác xã và gần 300 nghìn hộ kinh doanh phải dừng hoạt động. Riêng Hà Nội có khoảng 3.000 hộ kinh doanh các mặt hàng phải đóng cửa.

Làm sao để hỗ trợ trúng và đúng?

Câu hỏi này được đặt ra ngay từ khâu xây dựng chính sách, tuy nhiên để giải được bài toán này không hề đơn giản. Nói về cách thức thực hiện hỗ trợ, từ góc độ đại diện cho NLÐ, ông Lê Ðình Quảng băn khoăn: "Ðối với NLÐ có hợp đồng lao động (HÐLÐ), việc kê khai danh sách tương đối dễ bởi cơ quan Nhà nước, bảo hiểm xã hội đều nắm được con số. Nhưng hiện nay, khó đưa ra được con số NLÐ bị mất việc cần được hỗ trợ bởi có những DN không ký HÐLÐ với NLÐ cũng như có rất nhiều lao động tự do, hiện đã về địa phương… Muốn không bỏ sót ai, sẽ cần phải có cách điều tra, thống kê phù hợp. Thực tế này đòi hỏi cần phải được tính toán và có giải pháp sớm".

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu: Tổng số có khoảng 20 triệu lao động ở khu vực phi chính thức. Trong quá trình thống kê hỗ trợ, có khả năng bỏ sót nhóm hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công. Ðể tránh xảy ra trường hợp này, ông Lợi lưu ý, cần tiếp tục rà soát kỹ. Bên cạnh đó, ông Lợi đưa ra gợi ý "có thể xã hội hóa việc hỗ trợ đối với những trường hợp như thế này. Chẳng hạn như đã xuất hiện những câu chuyện các chủ sử dụng lao động, chủ hộ kinh doanh, chủ cơ sở bán vé số… chủ động đứng ra tổ chức những hoạt động chia sẻ, hỗ trợ đầy nghĩa tình cho NLÐ vượt qua khó khăn trước mắt".

Một điều quan trọng nữa, đó là cần minh bạch, cụ thể hóa chính sách để người dân giám sát. Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, các ngành, các cấp, các địa phương phải kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện; thống kê, tổng hợp công khai, minh bạch. Ðặc biệt, là phải tổng hợp đúng đối tượng, tránh trùng lắp, hoặc bỏ sót; phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị để bảo đảm chính xác, công bằng, tạo sự đồng thuận cao và thực hiện đúng mục tiêu an sinh xã hội mà Chính phủ đã đặt ra.