Gieo yêu thương trên miền đá lạnh

Nhiều ngôi trường mới được dựng lên nơi rẻo cao heo hút nhờ vào những tấm lòng thiện từ khắp mọi miền đất nước. Tin rằng, những đứa trẻ được lớn lên trong sự giáo dục và chăm sóc ấy, rồi sẽ đến ngày như những cánh én tỏa đi khắp nơi để tiếp nối hành trình - gieo con chữ, gặt những cơ hội thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn.

Gieo yêu thương trên miền đá lạnh

Mùa xuân đến sớm

Ðặt chân đến điểm trường Ngải Thầu (phân hiệu của Trường mầm non Dền Thàng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) những ngày này, tận thấy những đứa trẻ nô đùa, chơi bập bênh, xích đu trong ngôi trường mới khang trang, thấy như mùa xuân ấm áp đã cận kề. Ngôi trường mới khánh thành cách đây không lâu với hai phòng học, hai nhà vệ sinh, phòng giáo vụ, nhà bếp... Nhưng với các em nhỏ nơi núi rừng heo hút này điều hấp dẫn hơn cả vẫn là sân chơi với cầu trượt, xích đu nhiều
mầu sắc.

Anh Ngô Anh Tuấn - người sáng lập CLB Mùa đông ấm, hiện công tác ở một cơ quan tại Hà Nội cho biết, điểm trường Ngải Thầu trước đây dựng tạm bằng gỗ, trận lũ tháng 6-2018 khiến một phần mái của trường bị sập. 51 học sinh hằng ngày phải học trong phòng học chật chội, không an toàn, nhất là những ngày giá rét xuống dưới 0oC mà cô và trò vẫn phải học tập trong phòng học với nhiều khe hở, gió lùa. Trường lại không có điện, phòng giáo vụ vừa làm nhà kho, vừa là nơi chốn để ba cô giáo cắm bản ở tạm. Sân chơi là khoảng đất trống gồ ghề trước mặt... Trước cảnh trường khó khăn đến không thể cầm lòng, nhóm bạn trẻ thuộc CLB Mùa đông ấm kết nối với Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Bát Xát quyết tâm vận động, trong một thời gian thu được hơn 370 triệu đồng với mong muốn xây dựng ngôi trường mới cho các em nhỏ.

Khởi công từ tháng 7 năm ngoái, song mưa lũ kéo dài, đường sá sạt lở khiến việc vận chuyển nguyên vật liệu rất gian nan. Từ trung tâm xã lên bản chừng mười km, 300 lượt thanh niên phải vượt qua ba điểm sạt lở, nhiều con dốc như dựng đứng, những đoạn cua "tay áo" một bên vực, một bên vách núi… Sau rất nhiều nỗ lực, gần đây ngôi trường xây dựng bằng 100% nguồn kinh phí xã hội hóa đã hoàn thành, mở cửa đón lớp học sinh đầu tiên. "Ngôi trường mới sẽ là động lực để các cô giáo bám bản, động lực để học sinh tới trường, nhất là với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng cao Ngải Thầu, nơi có 83 hộ gia đình và tỷ lệ hộ nghèo tới 93%, vượt qua những khó khăn", cô giáo Trần Thị Vân - Hiệu trưởng Trường mầm non Dền Thàng chia sẻ. Giờ đây, ngày nào ngôi trường cũng nhộn nhịp bởi các em nhỏ đến vui chơi cả khi đến lớp lẫn thời gian nghỉ.

Gieo yêu thương trên miền đá lạnh ảnh 1

Toàn cảnh điểm trường mới.

Mùa đông ấm là quỹ từ thiện, xã hội hoạt động phi lợi nhuận tập trung vào mục đích hỗ trợ cải thiện điều kiện học tập và sinh hoạt cho học sinh các trường học tại khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Anh Ngô Anh Tuấn nhớ lại, 13 năm trước khi lần đầu đặt chân đến vùng núi phía bắc xa xôi, anh bị ám ảnh khi bắt gặp một đứa trẻ địu em nhỏ trên lưng, ăn mặc phong phanh, bàn chân nhỏ xíu bị rách da, vậy mà cô bé vẫn hồn nhiên địu em chạy nhảy. Cô bé ấy đã thành một thiếu nữ, nhưng hình ảnh đó theo anh mãi đến bây giờ. Lúc đó, trở về Hà Nội, anh đã bắt tay vào việc lập nhóm để quyên góp quần áo, sách vở và xây trường mới, xây cả nhà tắm ấm áp cho các em. Một mình không đủ nguồn lực gây quỹ hoạt động, anh kêu gọi thêm bạn bè chung sức. Một người bạn nghe câu chuyện của nhóm đã giới thiệu đến những người bạn khác, dần dần lan tỏa hoạt động ý nghĩa trong cộng đồng. Tính đến nay, Mùa đông ấm đã chia sẻ cùng 13 nghìn đối tượng khó khăn tại 23 địa phương nghèo tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Bình... Riêng dự án điển hình Nhà tắm ấm đã triển khai tại bảy trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú, nhằm hỗ trợ điều kiện vệ sinh của học sinh vùng cao và giảm thiểu ảnh hưởng tới tâm, sinh lý bé gái do không được tắm trong điều kiện kín đáo.

Sống là trao đi...

Người sáng lập CLB Mùa đông ấm cho rằng, thực tế những năm qua, ngành giáo dục, chính quyền địa phương đã đầu tư nhiều cho vùng cao trong xây dựng trường lớp, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm trường còn thiếu kinh phí, cơ sở vật chất còn thiếu thốn đang cần sự chung tay góp sức của cộng đồng. Và trên cả nước hiện nay, khó có thể đếm nổi có bao nhiêu câu lạc bộ thiện, quỹ tình thương đang hoạt động, do họ làm một cách lặng lẽ, âm thầm. Cứ như thế, với mong muốn giúp trẻ em vùng cao có điều kiện để học cái chữ, những thiện nguyện viên vẫn miệt mài "cõng" những ngôi trường kiên cố lên những vùng núi xa xôi để các em nhỏ học cái chữ đỡ vất vả hơn, như CLB từ thiện Dép tổ ong, Cầu Giấy yêu thương (Hà Nội), CLB Chung tay (Bắc Ninh), CLB từ thiện "Vì trẻ em vùng cao" (Thanh Hóa), CLB Bạn thương nhau (Ðà Nẵng)...

Gieo yêu thương trên miền đá lạnh ảnh 2

Nắng xuân trong mùa đông ấm.

Như chia sẻ của anh Nguyễn Bình Nam - CLB Bạn thương nhau, CLB ra đời từ tháng 6-2010 với 15 thành viên đầu tiên là những cán bộ Ðoàn, tình cờ gặp nhau tại Liên hoan Thanh niên tiên tiến khu vực miền trung và Tây Nguyên lần thứ X tại Nghệ An. Từ đây họ kết bạn với một đề xuất "Nên tổ chức một hoạt động từ thiện nào đó để gắn kết nhau". Thấy rằng, chỉ có giáo dục tốt mới có thể giúp các em nhỏ nhận thức phải thay đổi cuộc sống khó khăn này bằng chính nỗ lực của các em, họ tập trung kêu gọi xây trường. Với phương châm "Ði thật xa, nơi thật khó, đến tận nơi, trao tận tay", chỉ qua hơn tám năm hoạt động, dấu chân từ thiện của "những người trung chuyển những tấm lòng đến với những hoàn cảnh khó" đã đi đến những vùng núi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum... Thế rồi, từ điểm trường đầu tiên với kinh phí chỉ hơn trăm triệu đồng, đến nay các anh chị đã kêu gọi xây dựng được những điểm trường lớn với kinh phí lên tới 500 - 600 triệu đồng, cùng với triển khai các chương trình như "Bữa ăn miền núi", "Én nhỏ vùng cao"... để hỗ trợ thêm cho việc học tập của các em. Như đại diện CLB chia sẻ, động lực để anh tiếp tục trên con đường gieo lòng nhân ái chính là tấm gương và nghị lực của các thầy giáo, cô giáo cắm bản nơi núi rừng heo hút. Bởi những con người ấy, họ đã, đang hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì hành trình gieo chữ ở vùng cao.

Mỗi mái trường dựng lên đã cho con trẻ những mùa đông bớt lạnh giá, mùa xuân ấm áp hơn. "Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình" - câu khẩu hiệu của nhóm từ thiện được in sau lưng áo, trên những chiếc cặp sách đi học tặng cho các em nhỏ vùng cao, cũng đồng nghĩa với mong muốn rồi mai sau lớn lên, các em sẽ mang thông điệp sống sẻ chia lan tỏa và truyền cảm hứng này cho nhiều người. Hành trình gieo yêu thương nơi gian khó ấy sẽ khiến mỗi thành viên từ thiện biết quý trọng những gì mình đang có và trân trọng mọi giá trị để sống tốt và ý nghĩa hơn.