Giảm "sốc" trong tinh giản giáo viên

Ngay trước thềm năm học mới 2018-2019, nhiều giáo viên trên cả nước như "ngồi trên đống lửa" với hàng loạt quyết định chấm dứt hợp đồng giảng dạy. Một chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ đang vướng mắc trong thực thi bởi những sai trái trong tuyển dụng ở các địa phương và sự thiếu giám sát của các cơ quan quản lý ngành dọc.

Giờ học của học sinh Trường PTDT Nội trú Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Ảnh: BĂNG THANH
Giờ học của học sinh Trường PTDT Nội trú Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Ảnh: BĂNG THANH

Trăm dâu đổ đầu… giáo viên

Mới đây nhất, lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) tỉnh Cà Mau chính thức thông báo sẽ cắt hợp đồng với hơn 1.400 giáo viên trên địa bàn tỉnh trước ngày 1-9. Một lần nữa, vấn đề này lại gây bức xúc và nhức nhối dư luận xã hội khi trước đó không lâu, câu chuyện 278 giáo viên ở huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) và hơn 550 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk (Ðác Lắc) có nguy cơ mất việc khi năm học mới đã cận kề.

Trước tình hình cắt giảm biên chế giáo viên tại nhiều tỉnh, thành gây bức xúc cho đội ngũ giáo viên, mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 được Bộ GD-ÐT tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam đã chỉ đạo, việc cắt giảm biên chế giáo viên "không được thực hiện máy móc" mà phải căn cứ thực tế, cắt ở nơi thừa và tuyển thêm giáo viên cho nơi thiếu. Thực hiện ý kiến chỉ đạo này, Thứ trưởng Bộ GD-ÐT Nguyễn Hữu Ðộ đã ký văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành không được "cắt giảm cơ học" chỉ tiêu biên chế giao hằng năm để thực hiện tinh giản biên chế.

Tuy nhiên, trên thực tế, các địa phương lại không thể không cắt giảm ồ ạt khi tình hình giáo viên tại địa phương quá dôi dư. Tại Cà Mau, hơn 1.400 giáo viên bị đề nghị cắt biên chế là vì "số lượng giáo viên này được các địa phương, các trường "tự ý ký hợp đồng" mà chưa có chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau". Tương tự, tại huyện Krông Pắk (Ðác Lắc), sau 5 tháng tạm dừng quyết định chấm dứt hợp đồng với giáo viên dôi dư (từ tháng 3 đến tháng 8-2018) để "tìm giải pháp nhân văn hơn", UBND tỉnh Ðác Lắc vừa quyết định sẽ chấm dứt hợp đồng với hơn 550 giáo viên dôi dư vì không thể bố trí lượng giáo viên này vào vị trí phù hợp.

Còn số phận của 278 giáo viên ở huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) thì sẽ chờ thành phố phê duyệt kế hoạch và có thể sẽ tổ chức thi chung để xét tuyển lại bởi nhu cầu của UBND huyện Thanh Oai hiện tại chỉ là 110-120 giáo viên. Như vậy, dự kiến sẽ có khoảng hơn một nửa trong số 278 giáo viên này sẽ phải nghỉ việc nếu không trúng tuyển.

Cần xem xét trách nhiệm cá nhân

Nói về câu chuyện hàng nghìn giáo viên trên cả nước đang có nguy cơ bị sa thải, TS Ðặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP Hồ Chí Minh - một trường có đào tạo ngành giáo viên tại TP Hồ Chí Minh, phân tích nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương, các trường đã ký hợp đồng chưa đúng với quy định của Nhà nước, không thông qua kế hoạch tuyển dụng của UBND các tỉnh, thành dẫn đến những hệ lụy, hệ quả rất lớn như hiện nay. Bên cạnh đó, không thể không nói tới trách nhiệm của cơ quan quản lý khi đã không kịp thời kiểm tra, xử lý, dẫn đến số lượng giáo viên có nguy cơ mất việc ngày một tăng, lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tại các địa phương.

"Theo tôi, vấn đề bây giờ khi năm học mới bắt đầu, ngành giáo dục các địa phương cần làm trước mắt là phải bảo đảm quyền lợi cho những giáo viên hợp đồng để các thầy cô yên tâm giảng dạy, bởi xét cho cùng thì giáo viên không phải là người có lỗi. Lỗi này thuộc về các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, lãnh đạo các trường", ông Sáng kiến nghị.

Cũng theo TS Ðặng Văn Sáng, để không gây khó khăn, tổn thương cho các giáo viên, trước hết cơ quan nhà nước các địa phương phải thực hiện đúng các quy định, đặc biệt chú trọng đến sắp xếp và tuyển dụng lại theo đúng cơ cấu. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tuyển dụng lại các giáo viên đã hợp đồng lâu năm để tránh hoang mang, bức xúc trong đội ngũ giáo viên.

Trong khi đó, một lãnh đạo của Trường ÐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh thì chỉ ra cay đắng: "Nói thật, bước vào nghề giáo và gắn bó với nghề thì chỉ có bằng niềm đam mê, nhiệt huyết. Có thể thấy nhiều giáo viên ở Ðác Lắc thời gian qua để gắn bó và theo đuổi nghề đã phải làm thêm trăm công nghìn việc lao động chân tay để "nuôi nghề"; còn nhiều giáo viên khác ở các địa phương trên cả nước thì khi chưa có cơ hội vào biên chế đã chấp nhận mức lương bằng vài ký thóc, con gà, con vịt... hay làm thuê, làm mướn. Thế nhưng, sau hàng chục năm cống hiến, không ít giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi, chiến sĩ thi đua… thì nay đột ngột bị chấm dứt hợp đồng. Cay đắng nào bằng...".

Với sự việc lần này, nhiều chuyên gia giáo dục cũng đã lên tiếng bảo vệ các giáo viên. Rằng, không thể cứ "trăm dâu đổ đầu nhà giáo", bắt các thầy cô phải chịu trận cho những "tính toán sai lầm", những "bản thiết kế lỗi" của địa phương. Vấn đề đặt ra là, các địa phương cần nghiêm túc xem xét, kiểm điểm các cá nhân đã vi phạm quy trình ký kết hợp đồng, thực hiện ký hợp đồng tuyển dụng không đúng với quy định của Nhà nước, thiếu tính toán nhu cầu tuyển dụng giáo viên. Nhất định, sau những giọt nước mắt của các thầy cô khi bị "đơn phương chấm dứt hợp đồng", phải có ai đó - cụ thể, cá nhân đứng ra chịu trách nhiệm và bồi thường cho những thiệt hại đã, đang xảy ra.