Giảm giá, quyền lợi người bệnh có bảo đảm?

Thông tư 15/2018/TT-BYT thay thế Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC mà Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ ngày 15-7-2018, theo đó 70 dịch vụ y tế được điều chỉnh giảm giá, được xem là tín hiệu đáng mừng đối với người bệnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc giảm giá này có một số vấn đề còn chưa thực chất và người bệnh chưa thật sự được hưởng lợi?

Theo Thông tư 15, hầu hết các dịch vụ trong đợt điều chỉnh giá lần này, tập trung chủ yếu những dịch vụ thông thường có tần suất sử dụng nhiều, như: khám bệnh, chụp CT, siêu âm, nội soi, giá giường nằm... Quy định mới cũng có nhiều điểm có lợi cho người bệnh khi có 70 dịch vụ được điều chỉnh giảm giá trung bình từ 5% đến 24%; bên cạnh bổ sung giá của chín loại dịch vụ kỹ thuật mới giúp những người bệnh tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) được thanh toán. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, việc giảm giá một số dịch vụ y tế là nhằm bảo đảm cân đối quỹ BHYT. Đồng thời, góp phần tăng năng lực và công suất của các bệnh viện tuyến dưới khi thời gian gần đây Nhà nước đã có sự đầu tư tương xứng đối với các bệnh viện này. Mặt khác, việc triển khai đấu thầu tập trung giúp cho một số vật tư y tế, hóa chất, thuốc giảm giá đáng kể, do đó việc điều chỉnh giá một số dịch vụ kỹ thuật là cần thiết.

Tuy nhiên, về phía các bệnh viện, nhiều lãnh đạo bệnh viện cho rằng, việc điều chỉnh giá này họ sẽ gặp khó khăn vì sẽ giảm nguồn thu trong khi bệnh viện phải tự chủ, tự cân đối tài chính. Ngoài ra, giá một số dịch vụ kỹ thuật cao giảm nhiều sẽ rất khó cho bệnh viện trong việc triển khai các kỹ thuật cao, đặc biệt kỹ thuật nội soi vốn đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh, như thời gian nằm viện ngắn, ít tổn thương… GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ, với các bệnh viện tự chủ tài chính hoàn toàn thì việc triển khai theo Thông tư 15 giảm giá nhiều dịch vụ y tế không gây xáo trộn nhiều, song với các bệnh viện chưa tự chủ, nhất là bệnh viện tuyến dưới thì có thể bị ảnh hưởng lớn.

Phía người bệnh, giảm giá các dịch vụ y tế là tín hiệu vui, song không ít người vẫn lo ngại chất lượng khám, chữa bệnh sẽ bị ảnh hưởng. Điều này không phải là không có cơ sở, có ý kiến nói rằng, Thông tư 15 chưa thật sự vì người bệnh khi khống chế số lượng bệnh nhân khám BHYT bằng cách tính số bàn khám/ngày.

Dưới góc độ cơ quan giám sát việc chi trả BHYT cho người bệnh của các cơ sở y tế, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam bày tỏ, theo Thông tư mới, giá khám bệnh ở các bệnh viện đều giảm khá mạnh, nhưng Thông tư này lại quy định mỗi bàn khám được khám đến 65 lượt bệnh nhân/ngày và BHYT vẫn thanh toán 100%, trong khi trước đây quy định mỗi bàn khám chỉ khám 35 lượt. Một bàn bác sĩ phải khám quá nhiều, 70 - 80 bệnh nhân, thậm chí 100 bệnh nhân/ngày thì chất lượng khám, chữa bệnh sẽ hạn chế. Đặc biệt, ông Phúc cảnh báo, hiện tượng cơ sở y tế thu thêm của người bệnh ngoài khoản được BHYT chi trả vẫn xảy ra khá nhiều. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra như hiện nay thì chỉ số chi tiêu từ tiền túi của người dân sẽ tăng lên chứ không giảm.

Và để thực hiện tốt Thông tư 15, giải pháp cần thiết hiện nay là đòi hỏi các cấp chức năng phải tăng cường việc kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có dấu hiệu “lạm phát” chỉ định, cho điều trị nội trú, sử dụng dịch vụ quá mức để chấn chỉnh và xử lý vi phạm (nếu có).