Giải tỏa tâm lý cho người bị cách ly

Việc kiên quyết thực hiện cách ly nhằm khống chế dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã cho thấy tính đúng đắn và sự hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó cách hiểu sai về hai từ “cách ly”, dẫn đến hệ quả là có sự kỳ thị đối với người phải cách ly và bản thân người phải cách ly cũng chưa ý thức hết tầm quan trọng của việc phải bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Những người từ vùng dịch trở về được cách ly tại đơn vị của Bộ Tư lệnh quân khu Thủ đô ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: DŨNG NGUYỄN
Những người từ vùng dịch trở về được cách ly tại đơn vị của Bộ Tư lệnh quân khu Thủ đô ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: DŨNG NGUYỄN

Những áp lực không đáng có

Thực tế, trong việc thực hiện quy trình cách ly phòng, chống dịch Covid-19 ở một số khâu thực hiện thời gian qua đã tạo ra áp lực tâm lý cho người đi cách ly. Thông thường tâm lý chung, vào thời điểm đầu tiên nhận thông báo mình có nguy cơ lây nhiễm, hoặc bị nhiễm bệnh đều rất nhạy cảm với người bị cách ly, do phần lớn họ thường không chuẩn bị tâm lý gì cho trường hợp này. Thậm chí những người thuộc diện F2; F3; F4 cũng hoang mang khi nghĩ mình sẽ phải cách ly vì có liên quan đến F1. Lo lắng cho bản thân bị bệnh, lo bị cách ly ảnh hưởng đến công việc, lo bị lây nhiễm chéo khi ở trong khu cách ly... chưa hết, họ còn lo sợ bị kỳ thị, tẩy chay, bị chỉ trích thay vì được động viên, chia sẻ.

Người cách ly cũng chịu áp lực từ cộng đồng dân cư, đặc biệt là cách thức ứng xử, đưa tin về người trong diện phải cách ly hiện nay ở một số cơ sở đôi khi thiếu tế nhị, thiếu sự tôn trọng. Hoặc có những địa phương phản ứng khá gay gắt, quyết liệt với các trường hợp cá nhân có liên quan đến người bị nghi nhiễm, thực hiện việc cách ly với người có liên quan, hoặc người nghi nhiễm không theo quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Có trường hợp người tiếp xúc diện F2 thì bị đưa lên diện F1, hoặc diện tiếp xúc F4 cũng bị đưa vào danh sách cách ly tại gia đình (cho yên tâm, tránh bỏ sót bỏ lọt người cần cách ly). Những điều này đã gây nên tâm lý e ngại, trốn tránh, che giấu thông tin ở một số người trong diện cần cách ly để được “yên thân” đã xuất hiện.

Áp lực không kém nữa là từ phía xã hội. Cùng với những hiệu ứng tích cực như sự chia sẻ thông tin thì một hiệu ứng tiêu cực khác là các thông tin về người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm bị chia sẻ bất hợp pháp dẫn đến có hiện tượng bới móc đời tư, bịa đặt, thêu dệt, bôi nhọ người trong diện cách ly càng khiến họ lo ngại, bức xúc.

Hiểu đúng, hành động đúng

Từ thực tế tâm lý lo ngại cách ly hiện nay, thiết nghĩ để làm tốt công tác cách ly phòng, chống dịch bệnh, mỗi cá nhân, tổ chức cần có các hành động cụ thể để tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm xã hội của cá nhân, tổ chức đối với cộng đồng.

Trước hết, đó là nêu cao tính tự giác, chủ động của mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức. Từng người dân phải chủ động theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin chính thống. Chủ động ứng phó tốt nhất bằng những biện pháp chúng ta đang thực hiện hiện nay, như ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, dừng các hoạt động nơi công cộng không cần thiết. Mỗi công dân cần tin tưởng, sẵn sàng thực hiện các kịch bản ứng phó với dịch bệnh mà các cơ quan chức năng triển khai. Mỗi người cần tự chuẩn bị kịch bản ứng phó cho chính mình nếu bị vào diện F0, F1, F2, F3, F4 để có tâm lý sẵn sàng nếu phải áp dụng các biện pháp cách ly phòng, chống bệnh.

Cá nhân chủ động, tự giác thông tin đến cơ sở y tế, chủ động cách ly với gia đình, cộng đồng khi cần thiết. Phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng trong việc tường trình chính xác về hành trình, tiếp xúc của mình để các cơ quan chức năng nhanh chóng khoanh vùng, diện tiếp xúc và có các biện pháp cần thiết để phòng ngừa sự lây lan của bệnh. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm túc các quy định của các cơ quan có thẩm quyền khi cần thực hiện các biện pháp cách ly. Gia đình, người thân cần chia sẻ, động viên, ủng hộ người trong diện cần cách ly bình tĩnh thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định.

Mặt khác, phía các cơ quan chức năng cần minh bạch, rõ ràng các thông tin quy định về diện cần cách ly, thời gian cách ly cụ thể đến từng cá nhân, địa phương, tổ chức, đơn vị. Thông tin rộng rãi về trách nhiệm, nghĩa vụ của người cần cách ly, các điểm cách ly y tế để mọi người biết, yên tâm khi phải đi cách ly tập trung. Tránh hiểu nhầm, hiểu chưa rõ về diện cần cách ly, thời gian cách ly, gây tâm lý hoang mang không cần thiết trong cộng đồng (nhất là ở các địa phương hiện nay). Cần tuyên truyền sâu rộng để mọi người dân đều hiểu rõ các biện pháp cách ly y tế theo quy định là cần thiết và nên làm hiện nay để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Bảo vệ tốt thông tin cá nhân, đời tư của người trong diện phải cách ly. Các hành vi tung tin bịa đặt làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người khác cũng cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe, ngăn chặn.

Điều quan trọng nữa là chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, hỗ trợ về phương tiện vận chuyển riêng khi người bệnh, người nghi nhiễm, hoặc người có liên quan với người nghi nhiễm cần đến. Cần phải bổ sung trang thiết bị cần thiết để có thể chẩn đoán, điều trị từ xa, tạo niềm tin cho người cần cách ly an tâm đến cách ly và khi có bệnh sẽ được chữa trị kịp thời.

TS BÙI THỊ VÂN ANH

(Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)