Giá dịch vụ y tế lại “nhảy múa” theo lương

Từ ngày 1-5-2019, các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thuộc thành phố (TP) Hà Nội thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Trong khi, Bộ Y tế đang soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37/2018, theo đó giá dịch vụ y tế sẽ tăng theo sự thay đổi của mức lương cơ sở, vào tháng 7 tới đây.

Người bệnh luôn mong đợi được phục vụ tương xứng với giá dịch vụ họ bỏ ra. Ảnh: Phương Anh
Người bệnh luôn mong đợi được phục vụ tương xứng với giá dịch vụ họ bỏ ra. Ảnh: Phương Anh

Ðến hẹn lại tăng

Theo đại diện Sở Y tế TP Hà Nội: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2018/NÐ-CP về điều chỉnh mức lương cơ sở lên 1.390.000 đồng, có hiệu lực từ ngày 1-7-2018, nên phải xem xét điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho phù hợp. Việc ban hành quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh này không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước bằng mức giá quy định mức tối đa khung giá tại Thông tư 37/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Theo đó, sẽ có 10 loại dịch vụ khám, chữa bệnh; sáu dịch vụ ngày giường; 1.937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng mục bệnh viện. Giá dịch vụ tối đa gồm chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế. Mức giá này cơ bản chỉ điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở vào giá. "Nội dung này nằm trong Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT đối với các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thuộc TP Hà Nội đã được HÐND thành phố Hà Nội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 khóa XV ngày 9-4 vừa qua", đại diện Sở Y tế TP Hà Nội cho biết.

Còn theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37/2018 mà Bộ Y tế đang soạn thảo, sẽ quy định mốc tối đa khung giá dịch vụ khi chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong một số trường hợp. Trao đổi ý kiến với báo chí mới đây, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho biết: Chi phí tiền lương để tính giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37, được tính theo mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng. Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2019, theo Nghị định của Chính phủ, mức lương cơ sở sẽ tăng lên thành 1.490.000 đồng. Do đó, giá dịch vụ y tế cũng sẽ phải điều chỉnh theo để tương ứng tỷ lệ tăng của mức lương cơ sở. Và do kết cấu lương thấp nên giá dịch vụ y tế tăng từ 1.000 đồng đến cao nhất là khoảng 4.000 đồng cho mỗi dịch vụ.

Cần coi khám, chữa bệnh là dịch vụ?

Cũng theo Sở Y tế TP Hà Nội, hiện nay thành phố có 86,7% dân số trên địa bàn đã tham gia BHYT, trong đó gồm cả các đối tượng là người già, trẻ em dưới sáu tuổi, người nghèo và cận nghèo, chính sách xã hội… tham gia. Như vậy, việc tăng giá dịch vụ y tế lần này sẽ tác động tới 13,3% dân số Thủ đô chưa tham gia BHYT. Ðây cũng là lý do mà đại diện Sở Y tế TP Hà Nội cho rằng: "Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế của Hà Nội từ ngày 1-5 sẽ tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, người dân sẽ thấy lợi ích khi tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân".

Quan điểm này đúng từ góc độ của cơ quan quản lý y tế. Tuy nhiên, từ góc độ của người bệnh, họ có quyền đặt ra câu hỏi: Tăng giá dịch vụ y tế có đi kèm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng dịch vụ phục vụ người bệnh? Thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ có được cải thiện? Anh Văn Quyết, người nhà của một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện E Trung ương (Hà Nội) bày tỏ: "Chúng tôi hy vọng giá dịch vụ y tế tăng lên thì chất lượng dịch vụ y tế cũng sẽ được cải thiện".

Bàn về những vấn đề đặt ra khi điều chỉnh giá dịch vụ, một chuyên gia y tế cũng bày tỏ băn khoăn, giá dịch vụ y tế tăng theo đúng lộ trình, nhưng lộ trình tăng, chất lượng có được đặt ra và bảo đảm? Cần hiểu ở đây, chất lượng dịch vụ phải bao gồm từ thái độ ứng xử, chăm sóc của cán bộ và nhân viên y tế, đến chất lượng khám, chữa bệnh.

Xét dài hạn, theo vị chuyên gia, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, ngành y tế cần nghiên cứu đổi mới cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Cốt lõi là đổi mới về cơ chế chính sách viện phí theo hướng coi hoạt động khám, chữa bệnh là một loại dịch vụ, cho nên phải tính đúng các yếu tố chi phí thực hiện dịch vụ, như vậy mới thúc đẩy các cơ sở y tế cung ứng các dịch vụ có chất lượng cho người dân.

Mặt khác, phải rành mạch giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân, giá dịch vụ phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng.

Quan điểm từ đại diện Bộ Y tế cho rằng: Việc tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư mới đang soạn thảo không gây tác động đối với người bệnh có thẻ BHYT. Nhưng người chưa có thẻ BHYT sẽ phải gia tăng chi phí, vì thế sẽ tích cực tham gia BHYT hơn.