Gánh nặng viện phí lại gia tăng

1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng giá, với mức tăng bình quân khoảng 3,2% vào thời điểm cuối năm 2018 và tăng theo mức lương cơ sở đang khiến không ít người dân băn khoăn và lo lắng. Cùng với sự gia tăng gánh nặng chi phí, điều mà nhiều người quan tâm là tăng phí, liệu chất lượng dịch vụ y tế có tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra để chữa bệnh hay không?

Phí dịch vụ bệnh viện tăng đồng nghĩa với việc người bệnh phải gánh thêm một khoản chi phí không nhỏ, đặc biệt đối với người bệnh nặng điều trị dài ngày.
Phí dịch vụ bệnh viện tăng đồng nghĩa với việc người bệnh phải gánh thêm một khoản chi phí không nhỏ, đặc biệt đối với người bệnh nặng điều trị dài ngày.

Người bệnh thêm nỗi lo

Thông tư 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế “Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp” sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15-1-2019. Riêng mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh được điều chỉnh theo mức lương cơ sở hiện hành được áp dụng từ ngày 15-12-2018. Như vậy, sẽ có 1.900 dịch vụ y tế được tăng giá, với mức tăng bình quân khoảng 3,2%, trong đó có các dịch vụ sử dụng nhiều nhân công như: giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 11%; giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3%.

Với nhiều người dân, giá dịch vụ y tế tăng là chất thêm nỗi lo về gánh nặng kinh tế, nhất là đối với bệnh nhân nghèo. Hiện nay, cả nước có khoảng 85% dân số tham gia BHYT, với nhóm dân số chưa tham gia BHYT thì việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ khiến họ gặp khó khăn. Chia sẻ ngay sau khi Thông tư 39/2018 được ban hành, anh Ngọc Hải, người nhà một bệnh nhân ung thư cho biết, người thân của anh có thời gian dài vào bệnh viện thăm khám, điều trị và phẫu thuật. Tuy người thân của anh chưa đến giai đoạn phải xạ trị, chi phí phẫu thuật, nằm giường bệnh, thuốc men... đều được BHYT chi trả đến 80%. Nếu không có BHYT, số tiền thực tế phải chi trả có thể hơn 200 triệu đồng. Nhưng với mức phải thanh toán khoảng 60 triệu đồng vẫn là số tiền lớn, với nhiều người nghèo như gia đình anh không dễ xoay xở được.

Theo giải thích của Bộ Y tế, nguyên nhân tăng giá dịch vụ y tế lần này là do chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế được điều chỉnh từ 1.150.000 đồng sang mức lương cơ sở 1.390.000 đồng. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay giá dịch vụ y tế chỉ mới tính chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương cơ sở. Với hai cấu thành còn lại là chi phí quản lý và khấu hao tài sản, hiện chưa được tính vào giá dịch vụ y tế. Đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nên với các đối tượng này không bị ảnh hưởng bởi việc tăng viện phí.

Tăng phí, có tăng chất lượng dịch vụ y tế?

Theo một cuộc khảo sát độc lập về mức độ hài lòng của người bệnh với bệnh viện công được Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam và Bộ Y tế công bố đầu năm 2018, thực hiện bằng cách gọi điện cho 3.000 người bệnh của 29 BV, cho kết quả, có 79,6% người bệnh đạt kỳ vọng với cơ sở y tế công lập. Trong đó người bệnh cho biết: hài lòng nhất với tiêu chí cấp phát thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc, và kém hài lòng nhất với nhà vệ sinh BV. Các tiêu chí về viện phí, chất lượng giường bệnh, gối, đệm của BV cũng là chỉ số có mức độ hài lòng thấp (chỉ cao hơn tiêu chí nhà vệ sinh BV), với tỷ lệ hài lòng đạt lần lượt là 3,88 và 3,9/5.

Chất lượng dịch vụ, theo nhiều ý kiến, chưa tương xứng, tỷ lệ thuận với chi phí mà người bệnh bỏ ra. Cụ thể là, người bệnh còn phải chờ đợi nhiều, phải nằm giường ghép, thiếu chỗ nghỉ ngơi, thông tin không rõ ràng... trong khi vấn đề này theo nhiều quan điểm có thể cải thiện được.

Trước việc viện phí tăng, Bộ Y tế đã yêu cầu các BV phải đẩy mạnh các giải pháp để bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người bệnh. Phía các BV, theo ông Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E Trung ương, BV này đã và đang tích cực cải tiến chất lượng dịch vụ, thông qua đào tạo để nhân viên BV thấm nhuần quan điểm: người bệnh là người trả lương cho mình, và mục tiêu của dịch vụ là họ hài lòng sau khi xuất viện. Người bệnh chỉ thật sự hài lòng khi BV có đủ hai yếu tố: cơ sở vật chất tốt, nhân lực vững vàng. “Hiện nhân lực của chúng tôi tương đối vững rồi, riêng về cơ sở vật chất thì quả thật là chưa đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh. Phần lớn BV của chúng ta còn chật, người bệnh chưa có đủ chỗ nghỉ ngơi, chữa bệnh, lương của bác sĩ còn thấp dù gần đây có tăng thêm”, ông thừa nhận.

Còn theo quan điểm của ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định và thanh toán đa tuyến phía bắc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời báo chí thì: Gần đây Bộ Y tế có điều chỉnh giá theo hướng giảm giá 88 dịch vụ. Lý do giảm giá là tính lại các yếu tố đầu vào cho hợp lý hơn, chỉ mới 88 dịch vụ mà phần giảm chi từ quỹ bảo hiểm đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi qua đánh giá 1.900 dịch vụ y tế đã được công bố giá, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều dịch vụ có thể giảm giá do các yếu tố đầu vào chưa chuẩn. Cùng một dịch vụ sử dụng dịch truyền nhưng giá lại chênh lệch quá nhiều, dẫn đến giá thay đổi. Cách tính viện phí theo hướng lương tăng thì phí tăng là đúng theo luật giá, nhưng khi giá đầu vào thay đổi thì cần tính toán lại đầu vào và đầu ra để có giá mới phù hợp.

Sẽ có rất nhiều người bệnh bị ảnh hưởng bởi phí dịch vụ y tế tăng. Điều mà người bệnh mong mỏi là được chăm sóc điều trị tốt nhất, tương xứng với đồng tiền họ phải bỏ ra để chữa bệnh.