Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:

Gắn với thị trường lao động

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập dẫn đến tình trạng, không ít cơ sở dạy nghề kém hiệu quả, thậm chí là bỏ hoang, còn học viên sau đào tạo vẫn không có việc làm. Thực tế này đòi hỏi đào tạo phải được đổi mới, gắn chặt với cân đối cung - cầu của thị trường lao động.

Dạy nghề thêu cho LĐNT ở xã Hải Đường, huyện Giao Thủy - Nam Định.
Dạy nghề thêu cho LĐNT ở xã Hải Đường, huyện Giao Thủy - Nam Định.

Chỉ mở lớp khi có đầu ra

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi là Đề án 1956), đã được thực hiện trong hơn 6 năm qua. Kết quả thu được là có 3,2 triệu người được đào tạo. Trong đó có 42,7% nông dân học các nghề nông nghiệp, 57,3% học các nghề phi nông nghiệp. Tuy vậy, khi nhìn lại quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thì hiệu quả thu về còn khá khiêm tốn. Nguồn đầu tư cho đào tạo lớn nhưng hiệu quả không cao, tồn tại các cơ sở đào tạo không sát thực tế, quá trình đào tạo còn theo phong trào, mất cân đối giữa các ngành học.

Xin chỉ ra cụ thể ở lĩnh vực dạy nghề phi nông nghiệp. Theo nguyên tắc, đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm. Tức là cơ sở đào tạo phải dự báo được việc làm và tìm hiểu nơi tiếp nhận rồi mới mở lớp. Trong khi thực tế thì ngược lại, đào tạo cứ mở ào ạt, mở cả những ngành mà người học rất khó tìm việc, hoặc đòi hỏi phải có vốn liếng để đầu tư làm nên không khả thi.

Để nâng cao hiệu quả của công tác này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có hướng dẫn tổ chức dạy nghề cho LĐNT năm 2017. Theo đó, đối với các Bộ, ngành cơ quan T.Ư, tổ chức triển khai nhân rộng các mô hình nông nghiệp theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Đồng thời triển khai nhân rộng các mô hình phi nông nghiệp, trong đó cần tập trung đào tạo các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp phụ trợ, đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp, làng nghề. Bên cạnh đó chú trọng đến việc đào tạo nghề cung ứng nguồn lao động cho các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và các dự án đầu tư lớn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển đất nước, gắn đào tạo nghề với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực... Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo, chỉ tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề. Đây là điểm mới nhằm tránh lãng phí trong đào tạo như trước đây.

Liên quan đến vấn đề thay đổi phương pháp đào tạo, TS Vũ Xuân Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, chia sẻ: “Hoạt động đào tạo nghề cần phải dần chuyển đổi phương thức dạy theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường; chuyển hệ thống dạy nghề được quản lý tập trung, đầu tư chủ yếu từ ngân sách Nhà nước sang hệ thống dạy nghề được quản lý phi tập trung, phân cấp mạnh cho cơ sở. Quan trọng là phải chuẩn bị đầu ra thật tốt cho công tác đào tạo”.

Đào tạo đáp ứng nhu cầu đổi mới nông nghiệp

Một trong những giải pháp đổi mới đào tạo nghề cho LĐNT được cơ quan chức năng đưa ra là, trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác này sẽ được lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời phục vụ nhân lực cho tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hiện đại, nhằm phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa; gắn đào tạo với phát triển chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản.

Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2016-2020 là đào tạo nghề cho khoảng 5,5 triệu lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án khoảng 3,2 triệu người. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,1 triệu lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án cho khoảng 640.000 người/năm. Sau đào tạo, có từ 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Song để mục tiêu khả thi, thì từ khâu triển khai thực hiện, đòi hỏi sự phối hợp của các cấp, các ngành và chính người dân. Nhìn nhận những thách thức, PGS, TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) chỉ ra: Để thực hiện mục tiêu trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Như căn cứ nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu lao động, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, phê duyệt điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo giai đoạn 2016 - 2020 của địa phương, trong đó, xác định cụ thể chỉ tiêu, nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động, người khuyết tật. Mặt khác, chỉ đạo công tác đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đối với LĐNT, người khuyết tật, lao động nữ và chịu trách nhiệm về kết quả trên địa bàn. Cùng đó, chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách của địa phương, thực hiện lồng ghép, huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án để kết hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Xây dựng, phê duyệt mức chi phí đào tạo đối với từng nghề và mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng. Ưu tiên thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề đối với người khuyết tật và lao động nữ. Tiếp đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Đề án.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, LĐNT chiếm 69% tổng lực lượng lao động cả nước, nhưng có tới hơn 90% chưa qua đào tạo. Điều đó cho thấy, công tác dạy nghề cần được chú trọng hơn bao giờ hết.