Gắn văn hóa với xây dựng nông thôn mới

Bắc Giang là một trong những địa phương đi đầu của phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” trong toàn quốc ngay từ năm 1989... Vì vậy, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn được giữ vững, phát triển và đi vào chiều sâu, bảo đảm chất lượng gia đình văn hóa, làng, bản, tổ dân phố văn hóa.

CLB Dân ca Sán Dìu, xã Hồng Giang (Lục Ngạn).
CLB Dân ca Sán Dìu, xã Hồng Giang (Lục Ngạn).

Tỉnh Bắc Giang hiện có năm công trình là nơi sinh hoạt văn hóa tập trung; 10 Trung tâm văn hóa - thể thao thuộc các huyện, thành phố; 198 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn và 2.340 nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố; 340 thư viện, tủ sách làng... Để có được kết quả đó, việc xã hội hóa trong xây dựng nhà văn hóa (thôn, bản, tổ dân phố), xây dựng cổng làng, thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, tổ chức lễ hội truyền thống phát triển rộng và nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân; các thiết chế văn hóa từ tỉnh tới cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao ngày càng cao của nhân dân.

Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Một số thiết chế văn hóa khác như đình, đền, chùa, khu di tích lịch sử văn hóa cũng phát huy tác dụng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Một số huyện, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng các công trình văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và xây dựng NTM: huyện Sơn Động quan tâm xây dựng các làng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, đã xây dựng được 12 nhà sàn văn hóa lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hội họp của thôn, bản (đặc biệt là nhà sàn văn hóa dân tộc Tày, thôn Nà Ó, xã An Lạc đã phát huy giá trị gắn với du lịch sinh thái Khe Rỗ). Bắc Giang luôn quan tâm gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được hình thành và phát triển trong suốt mấy chục năm qua, từ đó góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, tác động tích cực làm thay đổi nhận thức của người dân tại làng quê nông thôn nói chung, nông thôn mới nói riêng như:

Phong trào văn hóa, văn nghệ (VHVN) quần chúng của tỉnh Bắc Giang cũng phát triển rộng khắp, trong đó phải kể đến các hoạt động VHVN thôn, xóm trên địa bàn toàn tỉnh được người dân quan tâm, hưởng ứng. Tính đến nay, Bắc Giang có 1.591 CLB VHVN thôn trên địa bàn 10 huyện, thành phố. Phong trào VHVN đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, thu hút mọi lứa tuổi, thành phần tham gia hoạt động biểu diễn dưới nhiều hình thức.

Bên cạnh dấu ấn của văn hóa vùng Kinh Bắc, kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số mang đậm dấu ấn văn hóa vùng Đông Bắc cũng rất phong phú và được bảo lưu, thực hành trong đời sống, tiêu biểu như hát Soọng cô dân tộc Sán Dìu, Sình ca dân tộc Cao Lan, nghi lễ Then người Tày, Nùng, lễ cấp sắc dân tộc Dao, Sán Dìu,… Các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng: Bảo tồn Dân ca quan họ, Ca trù của dân tộc Việt; Dân ca dân tộc Sán Chay, Dao, Tày, Nùng, Hoa… thực hiện các chương trình truyền dạy tiếng nói, dạy hát dân ca dân tộc thiểu số, thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ dân ca các dân tộc thiểu số; triển khai các chương trình kiểm kê phi vật thể, tổ chức các hội thảo khoa học, xây dựng Đề án tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang... Các hoạt động trên đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch, NTM bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.