Gần Tết, lại nói chuyện an toàn thực phẩm

Thị trường thực phẩm bắt đầu vào mùa cao điểm nhằm chuẩn bị cho lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao sẽ kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm (ATTP), đòi hỏi cần có những giải pháp kiểm soát hiệu quả.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm dịp cao điểm.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm dịp cao điểm.

Vi phạm vẫn nhức nhối

Từ nay đến Tết Nguyên đán cũng là thời điểm hoạt động buôn lậu thực phẩm qua biên giới “nóng” nhất. Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ buôn lậu thực phẩm qua biên giới, tuồn vào thị trường Việt Nam tiêu thụ với khối lượng lớn. Gần nhất, ngày 31-10, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn đã chặn đứng 800 ki-lô-gam lòng lợn ướp lạnh không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không có hóa đơn chứng từ, không có giấy kiểm dịch vệ sinh thú y.

Theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, các địa phương giáp ranh biên giới luôn là điểm nóng của tình trạng buôn bán, vận chuyển thực phẩm nhập lậu về trong nước tiêu thụ. Phần lớn các vụ việc vi phạm bị bắt giữ đều là hàng hóa trôi nổi, không nguồn gốc xuất xứ và không bảo đảm ATTP, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong đó, tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, hàng nhập lậu thường là các loại thực phẩm nông sản, như các loại củ quả tươi, trái cây khô, các loại hạt, nấm tươi, các loại phụ gia thực phẩm như bột mì, mì chính, bột tôm, các loại thịt và nội tạng động vật, thịt khô, trứng gia cầm, đồ uống, bánh kẹo, sữa, rượu, thủy sản… Đây là các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao vào dịp cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Tăng hình phạt, hỗ trợ sản xuất sạch

Để bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP đã thành lập sáu đoàn kiểm tra liên ngành, dự kiến tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm, bao gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Dương, Điện Biên, Lai Châu, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cà Mau, Bạc Liêu. Trong thời gian từ ngày 2-1 đến 15-1-2020, các đoàn kiểm tra của Trung ương sẽ kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý đến hết Lễ hội xuân năm 2020.

Các chuyên gia nhìn nhận, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi khiến cho nguồn cung thịt lợn trong nước bị thiếu hụt trầm trọng, giá thịt lợn tăng cao, có nguy cơ các đối tượng buôn lậu sẽ tăng cường vận chuyển thực phẩm như thịt, nội tạng… từ nước ngoài vào tiêu thụ tại thị trường nội địa. Vì vậy, đại diện Tổng cục QLTT nhấn mạnh, phải kiểm soát được thực phẩm nhập lậu qua biên giới thì mới có thể kiểm soát tốt vệ sinh ATTP tại thị trường nội địa. Từ nay đến Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng nhằm tập trung ngăn chặn thực phẩm “bẩn” ngay tại biên giới, hạn chế tối đa lượng thực phẩm nhập lậu vào Việt Nam.

Cùng với đó, lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố cần tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Trong đó cần kiểm soát chặt chẽ thị trường nội địa, tập trung kiểm tra tại các tỉnh, thành phố lớn; các thị xã, các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà ga, bến xe, nơi thường xảy ra việc tập kết, trung chuyển hàng lậu và các tụ điểm trà trộn thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng tiêu thụ.

Theo ông Lê Viết Bình - Trưởng Cơ quan đại diện phía nam Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đang đề xuất tăng hình thức xử phạt, hình sự hóa với những trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt gây thương vong do mất vệ sinh ATTP, vì khung hình phạt hiện tại được xem là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Như tại TP Hồ Chí Minh, trong báo cáo của Ban quản lý ATTP thành phố, sáu tháng đầu năm 2019 đơn vị kiểm tra hơn 4.000 cơ sở thực phẩm, trong đó có gần 500 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt gần 7 tỷ đồng, nhưng không có một trường hợp nào được chuyển hồ sơ xử lý hình sự. Cùng với các biện pháp kiểm soát ATTP, cũng cần chú ý hơn sự phối hợp với các cơ quan liên quan để tuyên truyền, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong hai năm qua, cả nước đã có 1.254 chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn với 1.452 đầu sản phẩm được phân phối tại 3.500 địa điểm bán nông sản an toàn. Những con số này còn rất hạn chế.

Cùng với sự “nhập cuộc”, tham gia của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng, ở vai trò của mình, người tiêu dùng hãy chủ động tìm hiểu, lựa chọn những sản phẩm bảo đảm chất lượng và phát hiện, kịp thời phản ánh cho cơ quan chức năng các trường hợp vi phạm vệ sinh ATTP.