Ðể xe buýt đúng giờ, đúng tuyến

Những năm gần đây, để đạt mục tiêu vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt đáp ứng được 20-25% vào năm 2025, hệ thống xe buýt Thủ đô đã không ngừng nâng cao về chất lượng phục vụ, lẫn phạm vi kết nối. Tuy nhiên, vẫn cần những nỗ lực để khắc phục tình trạng xe buýt chậm giờ, trùng tuyến.

Ðẩy mạnh giám sát lộ trình

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và Ðiều hành Giao thông đô thị Hà Nội, hiện toàn thành phố có tổng cộng 116 tuyến xe buýt, bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã tương ứng với 411/584 xã, phường, đạt 70,4% độ bao phủ trên địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng chậm tuyến, trễ giờ lại chưa được khắc phục. Theo Phùng Kiều Anh (20 tuổi), sinh viên Trường đại học Kiến trúc cho biết: “Vào tầm tan ca, tan học, các trạm chờ xe buýt thường quá tải, lượng người dồn ứ lại bởi có khi đến giờ nhưng không thấy xe, cũng có khi có đến hai, ba xe vào một lúc”.

Ðể hạn chế tối đa việc chậm giờ, trùng tuyến xe buýt, Trung tâm Ðiều hành (TTÐH) xe buýt đẩy mạnh việc nắm bắt tình hình hoạt động thực tế của các tuyến. Nhiều tuyến đã sử dụng camera theo dõi bên trong xe để giám sát hoạt động của nhân viên lái phụ xe nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm lợi ích của khách hàng. Thông qua hệ thống giám sát hành trình, toàn bộ hoạt động của các phương tiện được hiển thị trực quan trên màn hình tại TTÐH của các đơn vị vận hành.

Nỗ lực từ nhiều phía

Ðể xe buýt được hành khách ưu tiên lựa chọn làm phương tiện đi lại hằng ngày thì vấn đề đúng giờ, đúng tuyến hiện nay rất cần được ưu tiên giải quyết. Hiện TTÐH xe buýt đang tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả chỉ đạo tuyến xe buýt. Tại TTÐH các thông tin về vị trí của xe, tình trạng vận hành, ùn tắc giao thông được phần mềm phân tích giúp nhân viên đưa ra các quyết định điều hành tối ưu nhằm bảo đảm tốt hơn dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Công tác điều hành được phối hợp nhịp nhàng giữa trung tâm và lực lượng điều hành trên tuyến thông qua hệ thống bộ đàm để điều phối giao thông tại các khu vực trọng yếu trong giờ cao điểm nhằm duy trì biểu đồ chạy xe.

Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu GPS từ TTÐH được kết nối với thiết bị thông báo điểm dừng cho khách hàng trên xe, các bảng điện tử thông báo giờ xe tại các nhà chờ chính. Hệ thống phần mềm thông minh còn có chức năng giám sát, phát hiện những trường hợp vi phạm tiêu chí dịch vụ như: Không dừng, đỗ đúng điểm, chạy sai lộ trình, xuất bến không đúng giờ, chạy quá tốc độ, mở cửa khi xe đang chạy. Những thông tin này được chuyển cho các đơn vị quản lý tuyến để chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Ðể nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như tiện ích hơn cho hành khách, ứng dụng thông minh timbuyt.vn cũng được đưa vào hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề, bên cạnh những nỗ lực từ TTÐH xe buýt, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng thành phố. Ngoài biện pháp giải tỏa, cần nêu cao năng lực của cả hệ thống GTCC, phải tạo được những hành lang thông thoáng, cung đường dành riêng cho xe buýt. Với thực trạng phạm vi đất dành cho mở rộng giao thông hạn hẹp thì ít nhất cũng cần ưu tiên di chuyển cho xe buýt khi đi chung làn đường với các phương tiện khác. Cùng với đó là các chương trình tuyên truyền sâu rộng, khuyến khích người dân vào giờ cao điểm ưu tiên lựa chọn xe buýt, nhằm giảm ùn tắc, giải quyết những vấn đề giao thông đô thị.