Đừng để nỗi đau kéo dài thêm

Liên tiếp những vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện thời gian gần đây gây xôn xao dư luận, ít nhiều gây tâm lý bất an cho các bậc cha mẹ. Đáng nói, nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng gặp khó khăn trong công tác lấy lời khai, thu thập bằng chứng khách quan… Liên quan vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Ngọc Hùng (Ảnh bên), Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối - người dành nhiều tâm huyết với các nghiên cứu nhằm rút ngắn thời gian tố tụng, rút ngắn thời gian chịu tổn thương của nạn nhân.

Đừng để nỗi đau kéo dài thêm

- Thưa ông, với sự phát triển của công nghệ, cụ thể là hệ thống camera được lắp đặt ở các khu vực công cộng, nhiều vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, có một số vụ sau khi khởi tố lại bị vướng mắc bởi thiếu chứng cứ thuyết phục. Ông có thể lý giải tình trạng này?

- Những vụ án xâm hại tình dục trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào các lời khai của bị can, bị hại để làm căn cứ buộc tội. Đối tượng gây án lại lợi dụng hình ảnh trích xuất từ camera không quay được toàn cảnh, chi tiết hành vi mà chỉ có thể suy đoán về hành vi của đối tượng, qua đó chối tội, khai báo quanh co. Đây cũng là khó khăn, trở ngại trong quá trình điều tra, truy tố, đưa các đối tượng ra xét xử bởi chứng cứ thiếu thuyết phục.

- Để có thể thu thập chứng cứ chắc chắn, đáp ứng yêu cầu của công tác tố tụng, theo ông, người thân của các nạn nhân nên chú ý những điều gì?

- Trách nhiệm thu thập chứng cứ là thuộc về cơ quan tố tụng. Chính vì thế người thân của các nạn nhân sẽ phải có trách nhiệm hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để trình báo sự việc, cung cấp chứng cứ một cách trung thực, khách quan diễn biến sự việc. Tránh việc làm mất chứng cứ, ngay khi xảy ra sự việc, cần đến trình báo cơ quan công an gần nhất và có đề nghị đưa nạn nhân đi giám định ngay. Trường hợp, nếu có hành vi giao cấu, tổn thương cơ thể, cần phải đưa nạn nhân đi khám, điều trị ở bệnh viện trước, bởi bệnh án khi người bị hại điều trị cũng có thể trở thành chứng cứ, đồng thời người nhà sẽ đến trình báo tại cơ quan công an có thẩm quyền gần nhất.

- Nhiều vụ việc xâm hại trẻ em bị gia đình phát hiện sớm, nhưng ngần ngại tố cáo vì lo sợ tác động tiêu cực đến tâm lý, cũng như ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của các em. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Đây là suy nghĩ chung của nhiều gia đình các nạn nhân, họ không muốn đưa vụ việc ra cơ quan pháp luật để xử lý theo quy định, mà thay vào đó là những thỏa thuận dân sự. Thực tế họ là nạn nhân, nhưng khi đưa ra pháp luật thì quá nhiều người biết về vụ việc, không những họ không được cảm thông, chia sẻ mà còn bị quan tâm quá mức, dò xét, hỏi han quá nhiều. Mỗi lần như vậy là một lần họ lại trải qua cảm giác của sự tủi nhục, xấu hổ, đau đớn. Tương lai các cháu cũng sẽ bị quá khứ ám ảnh, sẽ luôn nghĩ đến điều tồi tệ này. Nếu hung thủ có bị pháp luật trừng trị cũng không làm thay đổi được sự thật là nạn nhân đã bị xâm hại. Điều này khiến cho gia đình các cháu bé không muốn đưa vụ việc ra pháp luật để giải quyết và cố gắng tìm mọi cách giấu kín vụ việc. Đây cũng là một trong những lý do cơ quan chức năng cần đẩy nhanh quá trình xử lý các vụ án xâm hại, giúp rút ngắn tối đa thời gian các cháu chịu tổn thương.

- Ông có cho rằng công khai câu chuyện của nạn nhân xâm hại tình dục, nhằm thu hút sự ủng hộ từ dư luận xã hội là cần thiết? Và nếu cần thì nên công khai ở mức độ nào?

- Cần thiết hay không phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế của từng vụ việc. Về mặt quy định pháp luật và thực tế khách quan các gia đình nạn nhân không hề muốn đưa vụ việc ra dư luận bởi hệ lụy, ảnh hưởng sau này đến cháu bé. Tuy nhiên, nhiều vụ việc gia đình vẫn phải cầu cứu đến dư luận bởi có nhiều nguyên nhân khách quan, hoặc chủ quan như sự chậm trễ, sai phạm, sự tắc trách, cố tình không giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng, khiến cho gia đình nạn nhân bức xúc. Khi quá bí bách, không có cách nào giải quyết, gia đình nạn nhân mới cầu cứu đến dư luận, báo chí vào cuộc can thiệp. Đương nhiên dư luận, báo chí có vào cuộc được hay không cũng phải có sự hợp tác, đồng ý của gia đình bị hại. Chúng ta nên tôn trọng quyền riêng tư của gia đình nạn nhân. Trong những trường hợp này, rõ ràng dư luận vào cuộc là cần thiết, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của gia đình cháu bé. Tuy nhiên, nếu không có sự đồng ý của gia đình nạn nhân thì dư luận, báo chí cũng không nên công khai vụ việc.

Việc công khai đến mức độ nào cũng rất khó nói, nhưng thực tế khi vụ việc đã được cơ quan pháp luật thụ lý, giải quyết theo đúng quy định pháp luật, bảo vệ được quyền lợi của gia đình nạn nhân thì có thể dừng việc công khai lại và tránh tiếp xúc báo chí. Việc công khai cũng chỉ dừng lại ở nội dung vụ việc, không nên đưa quá nhiều thông tin, hình ảnh của nạn nhân lên mạng nếu không được sự đồng ý của gia đình bị hại.

- Xin cảm ơn ông!