Du lịch Việt Nam với cách mạng công nghiệp 4.0

Đây là chủ đề của Hội thảo do Báo Nhân Dân phối hợp Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) tổ chức ngày 28-3 tại Hà Nội. Hội thảo này là một trong những điểm nhấn quan trọng của chuỗi hoạt động Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2019 diễn ra từ ngày 27 đến 30-3, nhằm tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đem lại, thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam chuyên nghiệp hóa, phát triển nhanh và bền vững.

Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2019 diễn ra trong các ngày từ 27 đến 30-3.
Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2019 diễn ra trong các ngày từ 27 đến 30-3.

Tận dụng lợi thế của công nghệ

Hiện nay, cuộc CMCN 4.0 không chỉ tác động đến công nghiệp mà còn tạo đột phá, đem những thành tựu vượt bậc của công nghệ số tới mọi lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch. Lĩnh vực kinh doanh du lịch cũng sẽ chịu sự tác động không nhỏ, đặc biệt khi du lịch được xem là lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam, “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước” - như chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ban hành ngày 16-1-2017.

Nhiều chuyên gia cho rằng, CMCN 4.0 đã tạo ra những đột phá về công nghệ và trí tuệ nhân tạo, có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ các hoạt động trong ngành du lịch. Nó giúp cho ngành du lịch tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, kích thích sự tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững. Ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ cho phép giảm chi phí thời gian, nhân lực lao động, chi phí sản xuất, đồng thời giảm giá thành các dịch vụ du lịch.

Du lịch Việt Nam với cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các đại biểu tham quan các gian trưng bày tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2019. Ảnh: VĂN HUẤN


Để thích ứng với cuộc CMCN 4.0, không chỉ đòi hỏi sự vận động, nhạy bén của các đơn vị kinh doanh du lịch, ngay các cơ sở đào tạo cũng phải có những bước đổi mới phù hợp trong việc xây dựng lại chương trình đào tạo, ứng dụng công nghệ mới, gắn đào tạo với doanh nghiệp và nhu cầu xã hội.

Đề cập nội dung áp dụng công nghệ số trong ngành du lịch, ông Phan Huy Thắng, Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng ban Nhân Dân cuối tuần, đại diện đơn vị phối hợp tổ chức Hội thảo, đánh giá: Hội thảo là cơ hội để các tổ chức và cá nhân trao đổi các xu hướng công nghệ và giải pháp nhằm mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch trực tuyến thông qua tham luận của các diễn giả, các doanh nghiệp du lịch. Qua đó, làm rõ những khái niệm mới liên quan du lịch thông minh, du lịch xanh, thảo luận về những giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào các dịch vụ lữ hành, dịch vụ nhà hàng - khách sạn, công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh… Đồng thời, còn thu hút, nâng cao sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp; tạo cơ hội hợp tác, liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến, lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khu du lịch, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, thanh toán, tiếp thị... Hơn hết, nhờ công nghệ 4.0 để tìm ra giải pháp hữu hiệu phát triển du lịch Việt Nam chuyên nghiệp, bền vững, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới.

Hướng đến phát triển “Du lịch xanh”

“Du lịch xanh” không chỉ là khái niệm được nhiều đại biểu nhắc đến tại Hội thảo “Du lịch Việt Nam với CMCN 4.0”, mà còn là chủ đề chung của Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2019, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030.

Phát biểu khai mạc Hội chợ, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Du lịch ngày nay đã trở thành ngành kinh tế quan trọng và có tầm ảnh hưởng toàn cầu, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Du lịch có đóng góp tích cực vào việc tăng trưởng GDP của đất nước, trở thành điểm sáng của nền kinh tế đất nước. Chủ đề “Du lịch xanh” thể hiện được xu thế của sự phát triển du lịch trong tương lai; là một diễn đàn mở, bao gồm nhiều hoạt động chuyên môn, là cơ hội tốt, nơi gặp gỡ lý tưởng của các doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế để tiếp tục củng cố quan hệ đối tác; kết nối các cơ hội kinh doanh trong tương lai”.

Dịp này, nhiều khách quốc tế đến tham gia Hội chợ đã bày tỏ sự hài lòng về quy mô và công tác tổ chức của Việt Nam. Bà Dessy Ruhati, Giám đốc Marketing thuộc Bộ Du lịch của In-đô-nê-xi-a, bày tỏ: “Chúng tôi rất bất ngờ với quy mô tổ chức Hội chợ - triển lãm Du lịch quốc tế lần này của Việt Nam. Đây là một hội chợ lớn nhất mà chúng tôi từng được tham gia. Mong sao, tới đây sẽ có nhiều hơn du khách Việt Nam biết đến đất nước tươi đẹp của chúng tôi, với lòng hiếu khách cũng như các điểm du lịch xanh hấp dẫn của In-đô-nê-xi-a”.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong khuôn khổ hội chợ còn diễn ra nhiều sự kiện hấp dẫn như: Lễ vinh danh các cá nhân và doanh nghiệp du lịch tiêu biểu năm 2018; Hội nghị đánh giá một năm triển khai hoạt động du lịch trực tuyến; Diễn đàn du lịch “Du lịch outbound Việt Nam - Cơ hội và Thách thức”; Diễn đàn “Cơ hội việc làm trong ngành Du lịch”; cùng nhiều chương trình, buổi giới thiệu điểm đến và sản phẩm du lịch của một số địa phương trong nước và cơ quan xúc tiến du lịch nước ngoài...

Năm 2018, du lịch Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đón gần 15,5 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 19,9% so với năm 2017, phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2019, du lịch Việt Nam phấn đấu đón từ 18 triệu lượt khách quốc tế trở lên, phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 700 nghìn tỷ đồng.

VITM Hà Nội 2019 có sự tham gia của 720 doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến du lịch đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới (trong đó có hai quốc gia lần đầu đăng ký tham gia là Pê-ru và Triều Tiên) và các tỉnh, thành phố của Việt Nam với số lượng hơn 500 gian hàng. Đặc biệt, có khoảng hơn 40.000 vé máy bay giá rẻ và hơn 18.000 tua trọn gói giảm giá đặc biệt được chào bán tại Hội chợ.