Du lịch tổn thương vì buông lỏng quản lý

Vụ việc nhóm du khách người Ô-xtrây-li-a trải nghiệm tour du lịch tồi tệ hồi đầu tháng 5 ở vịnh Hạ Long đến mức phải phơi bày lên mạng xã hội, trên báo chí đã để lại ấn tượng xấu trong mắt du khách và gây tai tiếng cho du lịch Việt Nam. Quá trình xử lý vụ việc này cũng làm bộc lộ hàng loạt yếu kém trong quản lý và tình trạng “cát cứ”, “ngăn sông, cấm chợ” giữa các địa phương.

Trụ sở nhếch nhác của văn phòng du lịch Spring Travel Agency.
Trụ sở nhếch nhác của văn phòng du lịch Spring Travel Agency.

Kinh doanh du lịch ở phố cổ Hà Nội cực kỳ bát nháo

Trở về nước sau chuyến đi đến Việt Nam, bà L.Rai-an (Ryan) và nhóm bạn vô cùng ấm ức vì phải trải qua một hành trình mà bà gọi là “kinh dị”, là “cơn ác mộng” khi nhóm của bà (gồm sáu người) mua tour đi vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) hai ngày một đêm, ngủ đêm trên tàu nhưng lại được đưa sang Cát Bà (Hải Phòng) trên tàu du lịch Hoàng Phương 16, biển kiểm soát HP 4686 như “tàu chở rác”.

Tuy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng khi mổ xẻ vụ việc, có rất nhiều vấn đề phát lộ mà cơ quan quản lý nhà nước cần phải chấn chỉnh ngay, các địa phương cũng cần ngồi lại với nhau bàn thảo cơ chế phối hợp trong phát triển du lịch để bảo đảm quyền lợi cho du khách và lợi ích kinh tế của địa phương.

Theo phản ánh của bà L. Rai-an, tour du lịch nói trên được nhóm của bà mua tại văn phòng du lịch Spring Travel Agency (21 Ngõ Huyện, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) với giá 100 USD. Tuy nhiên, làm việc với cơ quan chức năng, bà Đặng Thị Thanh Huyền, người đại diện của văn phòng du lịch này cho biết: Sau khi nhận tiền của khách (1,6 triệu đồng/người), bà đã giao số khách này cho bên tổ chức tour là ông Chung (cơ quan chức năng xác minh là Nguyễn Thành Chung - PV) và nhận về phiếu thu tiền ghi văn phòng ASC Travel (địa chỉ 77 Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Việc mua bán diễn ra rất dễ dàng, không có hợp đồng đại lý du lịch, người bán tour cũng không biết về sản phẩm, chương trình tour mà chỉ dựa trên hình ảnh mà bên tổ chức tour cung cấp, càng không biết đơn vị tổ chức tour ở đâu.

Sau khi kiểm tra, xác minh, Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội đã phạt văn phòng Spring Travel Agency 8 triệu đồng vì kinh doanh đại lý lữ hành mà không có hợp đồng đại lý bằng văn bản với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; không thông tin rõ ràng, công khai, trung thực số lượng, giá cả các dịch vụ du lịch của bên giao đại lý lữ hành cho khách du lịch; không thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh đại lý lữ hành cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tiếp tục kiểm tra văn phòng ASC Travel (77 Hàng Bồ, Hà Nội), cơ quan chức năng gồm Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội, Vụ Lữ hành (TCDL), Công an phường Hàng Bồ xác nhận: Không có văn phòng ASC Travel, không có tổ chức, cá nhân nào hoạt động kinh doanh du lịch tại địa chỉ 77 Hàng Bồ cả. Có nghĩa, đây là địa chỉ “ma”. Ông Nguyễn Thành Chung đã tổ chức kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

Trước đây ít lâu, tháng 4-2018, Sở Du lịch Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố, với 24 tổ chức, cá nhân tại 40 điểm kinh doanh. Từ ngày 11-4 đến 24-5, kiểm tra năm doanh nghiệp thì cả năm doanh nghiệp đều có lỗi vi phạm hành chính phải lập hồ sơ xử lý, tổng số tiền phạt là 21 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chính là đại lý lữ hành không có hợp đồng đại lý với bên giao đại lý lữ hành; bên giao đại lý lữ hành không có hợp đồng đại lý với bên nhận lữ hành; không thông báo bằng văn bản về việc thành lập đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Như vậy, sai phạm trong hoạt động kinh doanh lữ hành ở Hà Nội, nhất là khu vực phố cổ có biểu hiện tràn lan, có hệ thống, thể hiện rõ những yếu kém trong quản lý. Nếu không có vụ việc của những vị khách Ô-xtrây-li-a, thì kiểu kinh doanh làm hại uy tín của du lịch Hà Nội, tổn thương đến thương hiệu du lịch quốc gia nói trên chắc sẽ vẫn tồn tại mà không bị phát hiện, cũng không bị xử lý. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của Hà Nội, các cơ quan chức năng của thành phố có biết những việc này và có muốn triệt tận gốc hay không?

“Ngăn sông, cấm chợ” vì không tìm được tiếng nói chung?

Trước khi được bán sang Hải Phòng hoạt động với biển kiểm soát HP 4686, do Chi nhánh Công ty CP Thương mại và Du lịch Hoàng Phương tại Hải Phòng sở hữu, tàu Hoàng Phương 16 thuộc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hoàng Phương (Quảng Ninh), biển kiểm soát QN 2040, có hoạt động ở vịnh Hạ Long.

Tuy nhiên, ngay khi vụ việc xảy ra, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phản ứng về việc này và cho rằng, du khách Ô-xtrây-li-a phản ánh chưa đúng về tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. Từ cuối tháng 8-2017 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh không cấp phép cho phương tiện mang biển kiểm soát QN 2040 hay HP 4686 tham quan vịnh Hạ Long và du khách L.Rai-an cũng không có tên trong đăng ký du khách ngủ đêm trên vịnh Hạ Long khoảng thời gian đầu tháng 5-2018.

Đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh còn cho biết: “Trên thực tế, không có tour tham quan, nghỉ đêm kết nối Cát Bà - Hạ Long được cấp phép hoạt động”. Tàu xuất bến từ Hạ Long không được sang Cát Bà, tàu xuất bến ở Cát Bà cũng không được sang Hạ Long.

Theo tìm hiểu thì được biết, theo Quyết định 4088/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long ghi rõ: “Các doanh nghiệp chủ tàu nếu có trụ sở, địa chỉ hoạt động tại địa phương khác thì phải có trụ sở chi nhánh và nộp thuế tại Quảng Ninh mới được hoạt động phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long”; Quyết định này cũng quy định: tàu lưu trú chỉ được đón, trả khách nghỉ đêm tại các cảng, bến du lịch đã được công bố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Dư luận cho rằng, Quảng Ninh quy định như thế chẳng khác gì “ngăn sông, cấm chợ”, kinh doanh kiểu “một mình một chợ” và xâm phạm đến quyền tự do đi lại của công dân đã được pháp luật bảo vệ.

Phản bác lại quan điểm này, ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết: Để kết nối du lịch giữa các địa phương thì phải có các điểm, tuyến, khu du lịch; luồng, tuyến cụ thể theo quy định tại Luật Du lịch, Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật Hàng hải. Và muốn hợp tác với nhau thì phải tìm được tiếng nói chung trong công tác quản lý và khai thác.

Qua kiểm tra, ông Phạm Văn Huy, Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng khẳng định: Tàu Hoàng Phương 16, biển kiểm soát HP 4686 được cấp kiểm định vào tháng 3-2018, nhưng tại thời điểm các du khách người Ô-xtrây-li-a du lịch trên quần đảo Cát Bà và vịnh Hạ Long (khu vực Rặng Dừa, Quảng Ninh), con tàu này cũng không được Cảng vụ Cát Hải cấp lệnh rời bến. Đồng thời, Đồn Biên phòng Cát Bà cũng xác nhận tàu Hoàng Phương 16 không hoạt động tại bến Gia Luận (Hải Phòng). Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà không bán vé cho đoàn khách trên tham quan khu vực các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Tàu Hoàng Phương 16 chưa có biển hiệu Tàu thủy du lịch, chưa có giấy Chứng nhận an ninh trật tự theo quy định. Như vậy, tàu Hoàng Phương cũng là tàu chạy “chui”, không đơn vị nào, địa phương nào quản lý.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: “Công tác quản lý hoạt động của tàu du lịch ở Cát Bà hiện nay đang bị buông lỏng. Cơ chế quản lý tàu tham quan và lưu trú du lịch của Quảng Ninh và Hải Phòng không tương thích. Từ vụ việc này chúng tôi đề nghị các địa phương phải ngồi lại với nhau, thống nhất tiêu chí, tiêu chuẩn và công tác quản lý hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ (Cát Bà); bảo đảm chất lượng dịch vụ phục vụ khách, xây dựng tour liên tuyến Hạ Long - Cát Bà hấp dẫn và bảo đảm lợi ích hài hòa cho cả hai địa phương”.