Dự báo thiên tai trước đòi hỏi thay đổi mô hình

Các hiện tượng của thời tiết cực đoan đã và đang tạo nhiều áp lực cho chính quyền và người dân các vùng thường xảy ra thiên tai. Bởi vậy, công tác dự báo và hỗ trợ phòng, chống thiên tai cũng đang đòi hỏi có những đổi mới mạnh mẽ từ nhiều cấp cơ quan chức năng.

Đợt nắng nóng gần 40 độ C vừa qua làm đảo lộn cuộc sống của người dân Thủ đô. Ảnh: NGUYỄN HOÀI
Đợt nắng nóng gần 40 độ C vừa qua làm đảo lộn cuộc sống của người dân Thủ đô. Ảnh: NGUYỄN HOÀI

Mở rộng tư duy cảnh báo thiên tai

Những năm gần đây, tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn có nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra với cường độ ngày càng cao và ngày càng khó dự báo hơn trước, gây thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở nhiều địa phương.

Được biết, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) phối hợp các đơn vị đang xây dựng dự thảo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ và Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai. Các dự thảo chú trọng vào yếu tố địa phương và chi tiết hơn đối với công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, dự kiến trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình Thủ tướng ban hành trong năm 2019. Tổng cục cũng đang đánh giá về tính phù hợp của quy định cấp độ rủi ro thiên tai, đồng thời lập kế hoạch xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp độ rủi ro thiên tai (dự kiến hoàn thành trong năm 2020).

Về công tác dự báo, cảnh báo, ngành KTTV đang tập trung triển khai mô hình dự báo thời tiết đến ba ngày cho miền tính bao phủ Việt Nam (gồm cả Biển Đông) với độ phân giải 3x3 km trên hệ thống máy tính Cray mới được trang bị. Ngoài ra, dự báo thời tiết điểm tổ hợp 32 thành phần cũng đã được triển khai trên hệ thống máy tính này. Hệ thống đồng hóa số liệu đang được nghiên cứu áp dụng cho mô hình phân giải cao này, và dự kiến năm 2020 sẽ chính thức được vận hành. Đáng chú ý, bản đồ ước lượng lượng mưa cho 3 giờ tới đã được thử nghiệm xây dựng. Hiện nay, ngành KTTV đang xây dựng miền tính rộng hơn, bao trùm cả lưu vực sông Mê Công. Tổng cục KTTV cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện dự báo thử nghiệm chỉ số UV trong các đợt nắng nóng, cũng như lập kế hoạch, phương án phối hợp với Tổng cục Môi trường, Viện Khí tượng Thủy văn & Biến đổi khí hậu triển khai dự báo ô nhiễm không khí cho các đô thị lớn.

Cùng đó, phục vụ kịp thời công tác dự báo, cảnh báo, phòng tránh và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão, nhất là tại các tỉnh miền núi, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản xúc tiến phối hợp Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, khẩn trương tích hợp các sản phẩm cảnh báo của Đề án trượt lở với cơ sở dữ liệu chung, chủ động phối hợp với địa phương cập nhật thông tin và triển khai tập huấn sử dụng kết quả điều tra, phục vụ kịp thời công tác phòng tránh thiên tai trượt lở đất đá.

Nhanh hơn, hiện đại hơn, chi tiết hơn

Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Theo thống kê, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm khoảng 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng từ 1 - 1,5% GDP. Ngoài ra, thiên tai cũng gây ra những hệ lụy lâu dài đối với môi trường, tác động lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Trước đòi hỏi thực tế cuộc sống, nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất: Cần phải thay đổi phương thức dự báo theo hướng nhanh hơn, hiện đại, cụ thể và chi tiết. Bởi lẽ thời gian qua, chúng ta đang giữ tư duy cảnh báo các hiện tượng thiên tai nguy hiểm, tập trung vào dự báo bão, lũ trong khi thực tế có đến 19 loại hình thiên tai khác nhau. Chúng ta chưa nhìn vào nhu cầu kinh tế - xã hội để thay đổi tư duy dự báo.

Hiện nay, chúng ta đang duy trì Hệ thống giám sát và cảnh báo hạn hán thời gian thực cho Việt Nam trên cơ sở số liệu viễn thám của Nhật Bản. Do đó, cần phát huy hiệu quả bản đồ hiện trạng và bản đồ phân vùng cảnh báo, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV; đầu tư cho vận hành mạng lưới trạm quan trắc tự động. Cũng cần có cơ chế đặc biệt về tài chính giúp chủ động công tác vận hành thay thế, khắc phục sự cố máy móc hư hỏng đột xuất của hệ thống các trạm đo mưa tự động quốc gia, cho phép xây dựng các phương án truyền tin dự phòng.

Với phòng tránh thiên tai trượt lở đất đá, TS Trịnh Xuân Hòa, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đề xuất: “Để thật sự phát huy hiệu quả công tác điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở; những sản phẩm như bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng cảnh báo cần được các địa phương sử dụng, ít nhất vào hai mục đích. Trước mắt, sơ tán dân ra khỏi các khu vực đang trượt lở, hoặc có nguy cơ xảy ra trượt lở, lũ quét cao. Về lâu dài, những sản phẩm này cần được tích hợp vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, phục vụ tái định cư, định canh, xây dựng cơ sở hạ tầng... nhằm tránh tối đa tác động nhân sinh vào tự nhiên, góp phần giảm các tác nhân làm tăng nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét”.

Thiết nghĩ, hỗ trợ trong phòng, chống thiên tai hiệu quả, còn đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần ban hành chính sách cụ thể thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống thiên tai, nhất là trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, đầu tư xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ công và bảo hiểm rủi ro thiên tai. Hơn thế, cần kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, các tỉnh Bắc Bộ từ tháng 6 đến tháng 11-2019, nhiệt độ phổ biến cao hơn so trung bình năm ngoái cùng thời kỳ từ 0,5 - 1,0 độ. Mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn, có khả năng xuất hiện khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.