Kỷ lục thành lập mới doanh nghiệp:

Đông mà chưa mạnh

Lần đầu tiên, Việt Nam không chỉ chạm mốc mà còn vượt con số 100 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong một năm. Đội ngũ DN Việt Nam năm 2016 được khắc họa bởi hai nét chính, đông về số lượng và đáng ngại về “sức khỏe”.

Tạo điều kiện trong cải cách thủ tục hành chính đã khiến số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục trong năm 2016. Ảnh: NGỌC BẰNG
Tạo điều kiện trong cải cách thủ tục hành chính đã khiến số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục trong năm 2016. Ảnh: NGỌC BẰNG

Cuộc giao đấu giữa những con số

Cho tới thời điểm này, trên Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia, số DN thành lập mới năm 2016 đã lên hơn 102 nghìn DN. Cùng với đó, khoảng 25 nghìn DN quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm dừng và quy mô vốn của các DN đăng ký mới tăng tới 48% so với cùng kỳ năm ngoái khiến bức tranh đăng ký DN 2016 thực sự ấn tượng. “Niềm tin vào môi trường kinh doanh đang được cải thiện và sự kỳ vọng vào các cơ hội kinh doanh mới là lý do quan trọng nhất tạo nên những con số này” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) lý giải.

Gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) tăng chín bậc cho môi trường kinh doanh Việt Nam trong Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh 2016, đưa Việt Nam vào nhóm năm quốc gia đứng đầu ASEAN về sự thuận lợi trong kinh doanh. Trước đó, giới kinh doanh trong nước hào hứng tham gia vào hoạt động xây dựng thể chế, pháp luật, các quy định về kinh doanh. Ít có thời điểm nào, Chính phủ và lãnh đạo chính quyền địa phương dành rất nhiều thời gian lắng nghe và đối thoại với các DN như những thời gian qua. Mục tiêu Việt Nam sẽ có một triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 đang được coi là kim chỉ nam trong kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Nhưng, bức tranh DN Việt chưa thật sự trọn vẹn khi cũng trong năm này, khoảng 58% DN không có thu nhập nộp thuế, nghĩa là chưa được một nửa trong số khoảng 500 nghìn DN đang hoạt động ghi nhận có lãi...

“Sức khỏe của DN Việt Nam, nhất là khu vực DN tư nhân trong nước vẫn còn quá nhiều điểm đáng ngại. Cách đây vài năm, các chuyên gia của Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright đã đưa ra nhận định, ba trong số bốn động cơ của nền kinh tế trục trặc, đó là khu vực DN tư nhân trong nước, DN nhà nước và khu vực nông nghiệp, chỉ còn duy nhất khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động. Đáng tiếc, hiện trạng này đến nay vẫn thế” - ông Tuấn nói.

Thực ra, nếu tách bạch xem xét khu vực DN tư nhân Việt Nam, thì hiện trạng đáng lo hơn. Điều tra của VCCI công bố hồi đầu năm cho thấy, mức sử dụng lao động bình quân của một DN tư nhân Việt Nam đang nhỏ đi. Năm 2009, một DN có khoảng 40-45 lao động, nhưng đến giờ, con số này là 20 - 25 lao động.

Thậm chí, nếu nhìn vào cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, nỗi lo “sức khỏe” DN Việt Nam càng lớn. Hiện tại, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Khoảng bốn năm trước, tỷ lệ này là 50-50 chia đều cho doanh nghiệp FDI và DN trong nước.

Đó là chưa kể năng suất sử dụng vốn và tài sản của khu vực tư nhân lại giảm dần đi về gần với khu vực DN trong nước như nghiên cứu của “Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”, đã chỉ ra. Rõ ràng, quy mô nhỏ, “sức khỏe” yếu, không áp dụng được công nghệ... đã lý giải vì sao DN Việt Nam phải loay hoay với hội nhập, với các chiến lược gia nhập chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Nguy cơ tụt hạng

Không DN nào không muốn lớn lên, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco khảng khái khi bàn về chiến lược kinh doanh năm 2017 tới. “Nhưng chỉ có môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, thủ tục hành chính thuận lợi mới khiến DN chọn cách lớn lên bằng đầu tư công nghệ, nhân sự, năng lực thật sự. Hiện giờ thắng thua trong kinh doanh được quyết định bởi tốc độ, mà thủ tục hành chính vẫn chậm chạp, làm sao DN lớn bằng năng suất được” - bà Thuận chia sẻ.

Thực tế, cả năm vừa rồi DN quy mô vừa và nhỏ vẫn đau đáu với nhiều băn khoăn, tại sao kinh doanh gas lại đặt toàn điều kiện thuận cho DN lớn, tương tự như vậy với các điều kiện kinh doanh trong ngành vận tải, kinh doanh gạo... Nếu được ưu đãi về cơ chế, thì chính các DN lớn sẽ mất dần nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh.

Trong khi đó, chính DN quy mô lớn cũng lại than phải vất vả với tần suất các đoàn thanh tra, kiểm tra từ các cơ quan quản lý Nhà nước. “Cách thức này đang tạo ra động lực ngược như tạo tâm lý “khôn dựng trại, dại dựng nhà”, hoạt động vừa phải để đỡ bị nhìn ngó. Tâm lý này cần phải được gỡ bỏ bằng thái độ của cơ quan quản lý Nhà nước, công chức Nhà nước với các vấn đề của DN”, ông Đậu Anh Tuấn lưu ý.

Có thực tế, bộ máy nhà nước ở nhiều quốc gia đã đạt đến mức độ phát triển là luôn trăn trở tìm ra các giải pháp mới để hỗ trợ kinh doanh, để mở đường thúc đẩy DN phát triển… Còn ở Việt Nam thì giải pháp cơ bản của nhiều cơ quan Nhà nước vẫn là loay hoay tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu!? Như vậy, chúng ta đang đi chậm hơn trong những nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Không chỉ DN nghĩ vậy. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong bài phát biểu tại Diễn đàn DN Việt Nam 2016 cũng thừa nhận, môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn chưa có sự bứt phá nếu xét trong khu vực ASEAN. “Chúng ta vẫn đang đứng thứ năm trong số 10 nước ASEAN, trong khi các nước phía trên không dừng lại để ta vượt qua và các nước xếp sau lại đang có những cải thiện vượt bậc. Nếu không có đột phá và tốc độ cải thiện nhanh, không những khó tiếp cận nhóm ASEAN ba hoặc bốn thậm chí còn bị tụt lại phía sau” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của DN có lẽ sẽ nhanh hơn nếu các mong muốn được lắng nghe nhiều hơn của cộng đồng DN nhận được sự đồng tốc và đồng hướng từ cơ quan quản lý.

LTS - Năm 2016 ghi dấu một năm nền kinh tế Việt Nam trải qua những thách thức không nhỏ như thị trường xuất khẩu cạnh tranh gay gắt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài khó khăn, đội ngũ doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng thực lực còn yếu… “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đã có những chuyển biến trong từng ngành, từng doanh nghiệp để tìm ra con đường phát triển bền vững.