Đồng bộ chính sách chăm sóc người lao động

Kiểm soát an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong bối cảnh kinh tế hội nhập và đại dịch Covid-19 đang hoành hành là điều vô cùng quan trọng. Bởi thế, cần cụ thể hóa các giải pháp, đầu tư nguồn lực, kéo giảm số vụ tai nạn lao động, ứng phó tốt hơn những tình huống khẩn cấp.

Những con số biết nói
 
 Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động gây chết người. Cụ thể nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 44,97% tổng số vụ và 44,35% tổng số người chết. Những con số biết nói này còn cho thấy thực tế, đó là người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động (NLĐ), thêm nữa thiết bị lao động không bảo đảm an toàn, thiếu đồ bảo hộ…
 
 Ngay trong đại dịch Covid-19, tình trạng căng thẳng thần kinh, tâm lý, sức khỏe khi đi làm bù cho những tháng nghỉ dịch cũng là nguyên nhân gián tiếp làm tăng tai nạn lao động. Một báo cáo mới nhất từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, kể từ khi đại dịch xảy ra trên thế giới đến nay đã có 7.000 nhân viên y tế đã tử vong và 136 triệu nhân viên chăm sóc y tế và xã hội đứng trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi làm việc. Những áp lực và rủi ro mà nhân viên y tế phải đối mặt trong đại dịch cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ khi có tới một phần năm nhân viên chăm sóc y tế toàn cầu có các triệu chứng trầm cảm và lo lắng. Không chỉ ở lĩnh vực y tế mà nhiều lĩnh vực khác cũng chứa đầy nguy cơ lây truyền Covid-19 khi nhân viên phải làm việc trong những môi trường kín và tiếp xúc gần với nhau, bao gồm cả việc sử dụng chung nơi ở hay phương tiện đi lại.
 
 Việc áp dụng cách bố trí làm việc từ xa để hạn chế sự lây lan của vi-rút, duy trì công việc và tính liên tục trong hoạt động kinh doanh của đơn vị, tổ chức, mang lại sự linh hoạt cho NLĐ đã được triển khai. Nhưng làm việc từ xa lại xóa mờ sự phân tách giữa đời sống công việc và đời sống cá nhân của họ. 65% số DN tham gia khảo sát do ILO và Mạng lưới An toàn và sức khỏe nghề nghiệp G20 thực hiện cho biết khó có thể bảo đảm tinh thần làm việc của NLĐ khi làm việc từ xa.
 
 Cần cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu ATVSLĐ
 
 Muốn thực hiện ATVSLĐ, bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, trước hết cần có sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng an toàn, sức khỏe nghề nghiệp. Điều này cần được tích hợp trong các kế hoạch tổng thể của Chính phủ về công tác chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó các tình huống khủng hoảng khẩn cấp. Từ đó có các phương án bảo vệ an toàn vệ sinh và sức khỏe của NLĐ cũng như bảo đảm hoạt động của DN được diễn ra liên tục.
 
 Phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nêu bật chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”. Theo đó, cần cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo đảm an toàn, sức khỏe NLĐ trong xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết Đại hội XIII và nghị quyết của các cấp ủy; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, chủ động và tăng cường sự tham gia của NLĐ, mỗi NLĐ cần nhận thức rõ an toàn lao động là vì mình, vì mọi người; lực lượng an toàn, vệ sinh viên cần tăng cường kiểm soát các nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ tại nơi làm việc, nhất là trong điều kiện thường xuyên phòng, chống dịch Covid-19. Các tổ chức công đoàn cơ sở triển khai các phong trào thi đua và nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hoàn thiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng cũng khuyến khích các DN áp dụng các tiêu chuẩn ATVSLĐ của thế giới, như hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp - OHSAS (Occupational Health and Safety Assessment Series)…
 
 Còn theo giáo sư Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn - vệ sinh lao động Việt Nam, người sử dụng lao động cần chú ý thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. NLĐ cần tích cực tìm hiểu và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc trong DN, hộ gia đình. Các quy định về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ cần tiếp tục được rà soát, cải thiện, tăng tỷ lệ người được giám định bệnh nghề nghiệp.
 
 Cũng nhân dịp Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc (28-4), ILO kêu gọi đầu tư xây dựng những hệ thống an toàn và sức khỏe nghề nghiệp có sức chống chịu tốt, nhằm ứng phó những tình huống khẩn cấp trong tương lai. ILO cho biết, các biện pháp ứng phó khủng hoảng cần bao gồm các chính sách an toàn và sức khỏe nghề nghiệp quốc gia, các khung thể chế và điều tiết phải được thực hiện tốt hơn. Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết: “Tầm quan trọng của một môi trường an toàn và sức khỏe nghề nghiệp vững mạnh và có sức chống chịu tốt đã quá rõ ràng. Công cuộc phục hồi và công tác phòng ngừa đòi hỏi những chính sách quốc gia, các khung thể chế và điều tiết tốt hơn phải được đưa vào các khung ứng phó khủng hoảng một cách phù hợp”. 
 
 

 Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2020 trên toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động, làm 8.610 người bị nạn, bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không theo hợp đồng lao động. Trong đó, số người chết là 966 người và 1.897 người bị thương…