Đối phó nguy cơ xâm nhiễm vi-rút cúm A/H7N9

Dịch cúm gà đang bùng phát tại Trung Quốc hiện đã khiến 192 người nhiễm bệnh, hơn 80 người chết. Nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam rất cao, đòi hỏi những nỗ lực ứng phó của các cơ quan chức năng và cả cộng đồng.

Cần tăng cường kiểm soát tình trạng giết mổ gia cầm tự phát.
Cần tăng cường kiểm soát tình trạng giết mổ gia cầm tự phát.

Nguy cơ xâm nhiễm cao

Chủng cúm vi-rút A/H7N9 đang hoành hành phức tạp tại 13 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, trong đó các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có hoạt động giao thương, du lịch lớn với nước ta. Giá gà hiện xuống thấp tới mức thảm hại. Lợi dụng tình hình này, không ít thương lái đã nhập hàng lậu qua đường tiểu ngạch, tuồn vào sâu nội địa Việt Nam tiêu thụ.

Tìm hiểu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), phóng viên ghi nhận một thực tế nguy hại: Ngoài nhập lậu, gà thải loại, gà vùng dịch bệnh còn có thể được tuồn vào Việt Nam bằng cách núp bóng hàng tạm nhập tái xuất. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách tạm nhập gà về Việt Nam để chờ xuất sang Trung Quốc nhưng thực chất lại tuồn vào các tỉnh tiêu thụ.

Nhìn nhận tình hình phức tạp, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Rất nhiều vụ khi ở Trung Quốc xảy ra dịch cúm thì sau đó xâm nhiễm vào Việt Nam. Do chung đường biên giới nên điều này khó tránh khỏi, không chỉ lây lan trong gia cầm mà cả con người. A/H7N9 là chủng vi-rút mới, nếu không có sự chủ động phối hợp ngăn chặn, ứng phó của nhiều cơ quan và người dân thì nguy cơ xâm nhiễm là rất cao”.

Chủ động có những biện pháp ngăn chặn xâm nhiễm dịch, trong ngày 17-2-2017, cả Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT đều gửi công điện tới các tỉnh, thành, các bộ, ngành chức năng phối hợp phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện cơ quan này đang tích cực theo dõi tại các điểm giám sát cúm trọng điểm và thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện kịp thời các ca bệnh. Đáng lo ngại, khí hậu lạnh ẩm mùa đông xuân cũng là điều kiện thuận lợi bùng phát các dịch cúm nguy hiểm như A/H5N1, A/H7N9 với nguy cơ biến chủng của vi-rút rất cao.

Người dân vẫn chủ quan

Mặc dù thông tin và những cảnh báo về chủng cúm mới đã được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông, nhưng có mặt tại nhiều điểm chợ cóc, chợ tạm trong các khu dân cư ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy người dân vẫn rất thờ ơ, mất cảnh giác. Tại các chợ tạm khu vực phường Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), khu Đồng Xa, Nghĩa Tân, Dịch Vọng… (quận Cầu Giấy), phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ)… nhiều tiểu thương vẫn rất mơ hồ về dịch cúm. Thậm chí có người nói do bận, không theo dõi nên không biết. Gà, vịt vẫn được giết mổ tự do mà không qua kiểm dịch. Khi được hỏi, tiểu thương Vũ Thị Nghĩa, bán gà ở ngõ 3 (Đồng Xa) cho hay: “Cúm nó xảy ra ở đâu đâu ý chứ, làm gì có ở đây. Chúng tôi khẳng định là gà đem đi bán khỏe mạnh”.

Trong khi đó, số lượng lớn gà nhập lậu từ Trung Quốc vẫn liên tục bị phát hiện. Mới đây, cơ quan chức năng TP Hải Phòng đã phát hiện, bắt giữ đối tượng vận chuyển gần 40.000 quả trứng nhập lậu. Hay Chi cục Kiểm dịch động vật Lạng Sơn cũng đã bắt giữ 2.700 con gà, vịt giống và 200 con chim bồ câu có xuất xứ từ Trung Quốc. Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam chỉ ra, hiện chưa thể thống kê rõ số lượng gà nhập lậu nhưng ước tính mỗi năm nước ta nhập 100.000 tấn gà thải loại của Trung Quốc, đây là mối nguy rất lớn mà dịch bệnh theo đó xâm nhập vào Việt Nam.

Hiện nay, dịch cúm A/H5N1, H5N6 vẫn đang diễn biến khá phức tạp ở các tỉnh như Bạc Liêu, Đồng Nai, Nam Định… Nhiều hộ chăn nuôi đã phải tiêu hủy hàng nghìn con gà, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Thực trạng lo ngại hiện nay cũng không phải lần đầu tiên diễn ra, nhưng vẫn có những đối tượng hoa mắt vì tiền, nhập hàng “bẩn” đầu độc người tiêu dùng, gieo rắc mầm bệnh.

Không để bị động

Các cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần nêu cao ý thức, phối hợp cùng các cơ quan chức năng ứng phó, hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm vi-rút cúm A/H7N9. Đặc biệt ở khu vực Hà Nội nên kiểm soát tốt chợ gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín), vựa con giống gia cầm lớn nhất cả nước là xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên) và các chợ cóc, chợ dân sinh trong các khu dân cư.

Cần tăng cường công tác kiểm dịch, địa phương tuyên truyền để người dân không giết mổ gia cầm bừa bãi, nói không với thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, ôi thiu, phối hợp cùng cơ quan chức năng giám sát, phát hiện đấu tranh và không tiếp tay cho hoạt động buôn bán tiêu thụ gia cầm, thịt gia cầm nhập lậu qua biên giới. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo chống dịch về nhân lực, kinh phí ứng phó khi có dịch cúm gia cầm xảy ra; giám sát, phát hiện kịp thời sự xâm nhiễm của vi-rút A/H7N9.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân trở về từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Khi có các biểu hiện như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.