Đổi mới mô hình cảnh báo sớm thiên tai

Năm 2019, dự báo tác động của các hiện tượng thiên tai, thời tiết cực đoan tiếp tục diễn biến phức tạp. Thực tế này đòi hỏi ngành dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) cần được hiện đại hóa, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về công nghệ, để kịp thời đưa ra những cảnh báo sớm giúp ngăn ngừa thiệt hại về người và giảm thiệt hại kinh tế từ thiên tai.

Anh Hoàng Gia Tùng - cán bộ Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Dấu (TP Hải Phòng) thực hiện thu thập các số liệu dự báo KTTV . Ảnh: Lê Hiếu
Anh Hoàng Gia Tùng - cán bộ Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Dấu (TP Hải Phòng) thực hiện thu thập các số liệu dự báo KTTV . Ảnh: Lê Hiếu

Dự báo bão còn nhiều hạn chế

Theo thông tin từ Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, mạng lưới trạm quan trắc hiện nay phát triển với hơn 600 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn, ra-đa thời tiết, định vị sét,... và gần 800 trạm, điểm đo mưa. Mạng lưới trạm đã và đang từng bước được nâng cấp hiện đại hóa, tự động hóa phục vụ đo đạc, thu thập đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo và giám sát biến đổi khí hậu. Các số liệu cho thấy, công nghệ dự báo hiện tại đã bước đầu đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo, góp phần quan trọng làm giảm 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra (số liệu năm 2018 so với năm 2017).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá: Công tác dự báo mới chỉ có tiến bộ nhiều về mặt định tính, về mặt dự báo định lượng vẫn còn những hạn chế. Mạng lưới thám sát thiên tai ở nước ta vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn. Mật độ các trạm khí tượng phân bố không đều giữa các vùng, trung bình khoảng 1.765 km2/trạm và khoảng cách giữa các trạm trung bình 42 km, nếu so với trung bình thế giới 400 km2/trạm thì còn rất thưa. Bản tin dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất sau mưa lớn hiện còn quá rộng, chưa có sự khu trú tập trung, sẽ khó cảnh báo đến người dân địa phương để phòng tránh.

Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất là mật độ trạm ngoài biển khơi quá thưa, mới chỉ có khoảng hơn 10 trạm khí tượng trên một số đảo ở phía đông nam của Biển Đông. Khi các cơn bão hình thành và di chuyển trên khu vực Biển Đông, số liệu quan trắc phục vụ dự báo bão rất thiếu. Các bản tin dự báo bão sẽ có những sai số nhất định bởi lúc ấy, nước ta chỉ có thể dùng một thiết bị quan trắc duy nhất đó là ảnh mây vệ tinh. Sai số khi bão vào Biển Đông sẽ nhiều hơn khi bão vào gần bờ, bởi khu vực gần bờ sẽ có mạng lưới trạm quan trắc ven bờ và ra-đa hỗ trợ.

Mặt khác, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến điều kiện tự nhiên ở nước ta, như việc hầu hết các hệ thống sông không còn chế độ dòng chảy tự nhiên mà chịu chi phối bởi rất nhiều các yếu tố khác. Thảm thực vật rừng đầu nguồn thay đổi, địa hình, địa vật cũng đã thay đổi nhiều so với trước đây. Theo Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ Việt Nam tăng khoảng 0,62oC và chưa có các nghiên cứu cụ thể về việc tăng kỷ lục các cơn bão vào Việt Nam và trên Biển Đông. Đây chính là một trong những thách thức lớn đối với công tác dự báo KTTV, nhất là dự báo bão, bởi tính chất cực đoan, trái với quy luật thông thường.

Đổi mới mô hình dự báo mưa lớn, lũ quét

Theo dự báo của Trung tâm dự báo KTTV quốc gia, mùa mưa lũ năm nay ở các tỉnh phía bắc sẽ đến sớm và có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất. Trong đó, khu vực vùng núi các tỉnh Tây Bắc Bộ được dự báo tập trung xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, lũ quét. Dự báo, có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ trong những tháng nửa cuối năm 2019.

Chính vì vậy, theo ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng - Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Công tác dự báo, cảnh báo lũ quét hiện nay cần phải có sự đổi mới. Để nâng cao tính chính xác, độ tin cậy của các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian tới, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn đã có lộ trình xây dựng các hệ thống quan trắc hiện đại, hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường công nghệ dự báo, năng lực chuyên môn, nhất là xây dựng và đưa vào dự báo nghiệp vụ dụng mô hình dự báo bão, mưa lớn của Việt Nam. Trọng tâm là gia tăng mật độ mạng lưới trạm khí tượng bề mặt và đo mưa tự động hóa, với khả năng truyền tự động số liệu thời gian thực về Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương. Công nghệ điều hành, xử lý thông tin của tất cả ra-đa trên mạng lưới phải đồng bộ, hiện đại, tạo cơ sở tổ hợp số liệu thời gian thực toàn bộ mạng lưới ra-đa thời tiết. Hệ thống quản lý, điều khiển, tổ hợp ảnh ra-đa thời tiết đạt trình độ hiện đại phổ biến trên thế giới.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm, để chủ động ứng phó với xu thế thiên tai ngày càng khắc nghiệt, cần tạo cơ chế cho các tổ chức sự nghiệp công lập về KTTV tăng tính độc lập, chủ động, giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Tạo điều kiện thu hút, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, mở rộng xã hội hóa công tác KTTV.

Và để các thông tin dự báo có hiệu quả, thiết nghĩ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan dự báo KTTV, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc phối hợp cung cấp thông tin dự báo một cách thường xuyên, nhất là mỗi khi có thời tiết cực đoan, thời tiết nguy hiểm xảy ra. Ngành khí tượng thủy văn và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương phải kết hợp để hỗ trợ tập huấn cho cán bộ, người dân ở vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để nhận dạng các dấu hiệu nguy hiểm, từ đó phát tin cảnh báo tức thời.