Đổi mới giáo dục hay “cuộc chơi tốn kém”?

Chưa khi nào vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lại được bàn nhiều đến thế. Từ nghị trường Quốc hội, trong các buổi hội thảo chuyên đề của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, cho đến các diễn đàn mạng xã hội - đâu đâu cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến đổi mới giáo dục và đào tạo, nhất là với giáo dục đại học (GDĐH).

Nhân tố con người là “chìa khóa” bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.     Ảnh: MAI ANH
Nhân tố con người là “chìa khóa” bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.     Ảnh: MAI ANH

Khát vọng đại học đẳng cấp

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, “hàn thử biểu” đánh giá tiềm năng phát triển của một quốc gia chính là các trường đại học đẳng cấp. Tiêu chí căn bản để xem xét đẳng cấp của một trường ĐH thường dựa trên ba nhóm sản phẩm chính gồm: Sinh viên tốt nghiệp trình độ cao có kiến thức, kỹ năng, có thể làm việc được ở nhiều lĩnh vực, khu vực trên khắp thế giới; Kết quả nghiên cứu đỉnh cao, được thể hiện qua số lượng bài báo quốc tế, sách chuyên khảo, bằng phát minh, sáng chế; và Kết quả chuyển giao tri thức và công nghệ để giải quyết những vấn đề lớn hoặc đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.

Nếu chiểu theo những tiêu chí trên, chắc sẽ rất khó tìm được một ĐH nào ở Việt Nam hiện nay cùng lúc thỏa mãn được cả ba yêu cầu này. Vì vậy, việc chưa có ĐH nào lọt vào top 200 thế giới như mong đợi cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên không phải là thiếu những điểm sáng. Thực tế đã có một vài chương trình đào tạo ở một số trường đạt chuẩn kiểm định/đánh giá quốc tế. Đơn cử ba năm trước, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã có hai chương trình (Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính) đạt chuẩn ABET (một trong những chuẩn kiểm định dành cho chương trình đào tạo ngành kỹ thuật uy tín nhất thế giới hiện nay). Các kỹ sư tốt nghiệp ở đây sẽ được công nhận tương đương kỹ sư tốt nghiệp từ nhiều trường uy tín như ĐH Ca-li-pho-ni-a (Mỹ), ĐH Qua-ta, ĐH Quốc gia Xin-ga-po,... Mới đây, ĐH Hoa Sen cũng đã có năm chương trình đạt chuẩn kiểm định của Mỹ ACBSP dành cho các ngành kinh doanh, quản trị. Hoặc một trường hợp thành công khác là ĐH FPT đã được xếp loại năm sao (cao nhất là năm sao cộng) theo đánh giá ĐH chuẩn QS từ năm 2012.

Tuy thế, trừ một vài trường hợp hiếm hoi như hai ĐH Quốc gia (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), ĐH Cần Thơ, hầu như không thể tìm được một ĐH Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín cấp độ quốc tế. Ngay cả khi đó, vị trí của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH có vị trí cao nhất trong các cơ sở GDĐH ở nước ta cũng chỉ đứng thứ 139 châu Á (bảng xếp hạng QS 2016) - vị trí quá khiêm tốn khi so với các ĐH top đầu trong khu vực.

Thách thức cạnh tranh

Mười năm trước, ngành giáo dục đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có ĐH đẳng cấp lọt vào top 200 thế giới. Thế nhưng, tính đến thời điểm này, khi chỉ còn hơn ba năm nữa là đến hạn định, mục tiêu này gần như chắc chắn không đạt. Tuy thế, viễn cảnh có được một ĐH nghiên cứu có đủ năng lực hợp tác sòng phẳng với đối tác quốc tế vẫn có thể khả thi, nếu Nhà nước cũng như mỗi cơ sở đào tạo có chiến lược, cách làm và sự đầu tư hợp lý.

Vấn đề đặt ra lúc này, hơn cả việc chạy đua lọt top này top kia là hệ thống GDĐH phải được đổi mới ra sao để có hiệu quả thật sự. Đứng đầu một trường ĐH danh tiếng, PGS, TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thẳng thắn: “Chạy đua xếp hạng là một cuộc chơi tốn kém tiền của. Trong điều kiện nước ta hiện nay, thì chúng ta chưa nên đặt mục tiêu này, chúng ta hãy làm tốt nhất trong điều kiện có thể, rồi dần dần hãy nghĩ đến chuyện nâng dần lên mức đầu tư, và đến lúc đó mới tính bước vươn ra thế giới”.

Chung quan điểm không nên cố đầu tư để lấy danh, TS Tôn Quang Cường (ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, việc đề xuất Nhà nước tạo cơ chế tự chủ cho các trường. Theo đó, cần phải làm rõ cơ sở GDĐH cần thực hiện tự chủ khỏi ai, khỏi cái gì - từ đó sẽ xây dựng được một hệ thống quản lý mang tính kiến tạo, phát triển (trong nội bộ mỗi trường cũng như trong hệ thống tổng thể).

Đề cập đến thách thức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, GS Đặng Ứng Vận lưu ý sự có mặt của các trường nước ngoài được mở ở Việt Nam. “Điều này sẽ thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng của các trường trong nước. Tuy vậy, sự không công bằng trong quyền tự chủ lâu nay vẫn là một nút thắt ảnh hưởng đến tác động tích cực của sự có mặt của các trường nước ngoài” - chuyên gia này cảnh báo.

Bàn về các giải pháp, việc trao quyền tự chủ để các trường nâng cao sức sáng tạo và khả năng cạnh tranh đang được ngành giáo dục triển khai là hướng đi đúng đắn. Tất nhiên, đấy mới chỉ là giải pháp về cơ chế. Nhưng ngay cả khi đã có cơ chế, cộng với việc bỏ nhiều tiền đầu tư cho một trường để bảo đảm hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hay áp dụng các mô hình quản lý nhà trường tiên tiến vào các trường ĐH của Việt Nam cũng chưa thể chắc chắn thành công.

Một đại học đẳng cấp không chỉ cần có khuôn viên đẹp, mà phải có đội ngũ lãnh đạo mạnh, có chương trình giảng dạy được xây dựng kỹ lưỡng, và đặc biệt là đội ngũ giảng viên giỏi, tâm huyết. Nói cách khác, nguồn lực tài chính dù có lớn đến đâu, mà không có nguồn lực con người hoặc một cơ chế phù hợp thì cũng không thể dẫn đến thành công.

Việc mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để các trường ĐH danh tiếng hợp tác với Việt Nam sẽ thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh, mở rộng mô hình “du học tại chỗ”, tiết kiệm chi phí đào tạo, khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, “chảy máu ngoại tệ” và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.