Đối mặt thời tiết bất thường

Những đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng với mức nhiệt phổ biến 35-38 độ C, cùng đó là các cơn dông kèm theo lốc sét xuất hiện tại nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội mới đây đã gây xáo trộn không nhỏ tới cuộc sống người dân. Giới chuyên gia khí tượng thủy văn (KTTV) cảnh báo, thời tiết vẫn có thể tiếp tục xảy ra những diễn biến bất thường, đòi hỏi các cấp chức năng có những giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Người dân đẩy xe qua đoạn ngập sâu trên đường Phan Huy Ích (TP Hồ Chí Minh) sau cơn mưa to chiều tối 19-5. Ảnh: VĂN CHÂU
Người dân đẩy xe qua đoạn ngập sâu trên đường Phan Huy Ích (TP Hồ Chí Minh) sau cơn mưa to chiều tối 19-5. Ảnh: VĂN CHÂU

Cảnh báo mưa bão đến sớm

TS Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Cao điểm của mùa nắng nóng 2018 sẽ xảy ra trong các tháng 5, 6, 7-2018. Nhiệt độ cao nhất trong năm 2018 tại các tỉnh Bắc Bộ có thể đạt mức 38-39 độ C, cá biệt một số nơi như Sơn La, Hòa Bình có thể xuất hiện nắng nóng lên tới 40 độ C. Tại Trung Bộ nắng nóng gay gắt hơn một chút, cao nhất đạt 39-40 độ C, có nơi có thể xảy ra nhiệt độ quanh ngưỡng 41-42 độ C. “ENSO hiện tại đang ở pha trung tính và được dự báo sẽ còn giữ ở pha trung tính tới cuối năm 2018. El Nino (nếu có) có thể gia tăng mức độ nắng nóng song không phải là nguyên nhân gây ra nắng nóng”, tiến sĩ Lâm nói.

Cùng với nhiệt độ gia tăng, nhiều chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu (BĐKH) phá vỡ quy luật tự nhiên của các mùa, gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan như hạn hán và lũ lụt. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, lượng dòng chảy trên các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận phổ biến thiếu hụt so với trung bình năm ngoái từ 30 - 70%. Riêng sông Cái ở Nha Trang thiếu hụt trên 80%, mực nước tại trạm Đồng Trăng khả năng tiếp tục xuống mức thấp nhất lịch sử, khô hạn cục bộ tiếp tục diễn ra tại một số địa phương thuộc khu vực Nam Trung Bộ...

Trong năm 2018, dự báo mùa bão đến sớm hơn. Bão có xu hướng đổ bộ vào khu vực các tỉnh phía nam, mưa lũ có những diễn biến phức tạp và gia tăng các hiện tượng thiên tai như lũ quét, sạt lở đất. Dự báo sẽ có khoảng 12-14 cơn bão trên Biển Đông và 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền nước ta trong năm nay. Dù số lượng bão không lớn, nhưng trong điều kiện ENSO ở pha trung tính, ở trên biển, đặc biệt là phía đông Biển Đông vẫn cần đề phòng các cơn bão có cường độ mạnh.

Nâng chất cảnh báo, tăng sức chống chịu

Theo GS, TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, với những kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, tính bất thường của điều kiện thời tiết, khí hậu ở nước ta sẽ ngày càng diễn biến phức tạp. “Sự nguy hiểm nằm ở chỗ người ta không thể biết trước được nó xuất hiện ở đâu, vào lúc nào và mức độ tác động đến đâu để phòng ngừa. Đặc biệt trong điều kiện Việt Nam, khi mà cơ sở hạ tầng còn quá kém, trình độ khoa học kỹ thuật chưa cao, độ chính xác của các bản tin dự báo còn nhiều hạn chế và do bản chất không dự báo được của chính các hiện tượng (vì quy mô quá nhỏ), thì việc phải đối mặt với những hiện tượng bất thường của điều kiện thời tiết trong bối cảnh BĐKH hiện nay sẽ càng nguy hiểm hơn”, giáo sư Tân bày tỏ.

Để giảm thiểu thiệt hại, nhiều chuyên gia đề xuất cần sớm nâng cao chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo, đặc biệt là những bản tin dự báo hạn cực ngắn và những bản tin dự báo dài (trên 10 ngày đến vài tháng). Sỡ dĩ như vậy là do thời gian qua, Việt Nam đã tiếp cận được nhiều công nghệ mới, mô hình số kết hợp với các kỹ thuật viễn thám, vệ tinh, ra-đa. Chúng ta cũng đã cảnh báo sớm được không khí lạnh hay bão, áp thấp nhiệt đới là các hiện tượng xảy ra trên diện rộng, có quy mô lớn, tồn tại nhiều ngày, có thể nhìn thấy sự di chuyển và biểu hiện của chúng trên ảnh mây vệ tinh nên việc giám sát, dự báo dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với lũ quét, sạt lở đất xảy ra trong thời gian ngắn và ở khu vực nhỏ nên việc giám sát, theo dõi và dự báo gần như là không thể, các dự báo, cảnh báo chỉ dừng ở mức cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra. Mặt khác, tỷ lệ những trạm khí tượng, trạm đo mưa, trạm quan trắc về mực nước tự động còn rất ít, thưa làm cho việc tiếp nhận số liệu không đầy đủ, không chính xác và không kịp thời, do đó công tác dự báo còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, những đòi hỏi với công tác dự báo thiên tai ngày càng cao, không chỉ ở việc nâng cao độ chính xác mà còn ở khía cạnh tư vấn, lên kế hoạch phòng, tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Giải pháp trước mắt và lâu dài hiệu quả hơn, GS, TS Phan Văn Tân đề xuất phía cơ quan quản lý Nhà nước có nhiều việc phải làm đồng bộ, đó là nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực, sức chống chịu cho cộng đồng cư dân trên toàn quốc, đặc biệt chú ý những nơi và những đối tượng dễ bị tổn thương. Giải quyết triệt để nạn chặt phá rừng đầu nguồn, khai thác khoáng sản làm nghẽn dòng thượng nguồn các con suối, tăng độ che phủ rừng để tránh hậu quả mưa lớn làm sạt lở, gây lũ ống, lũ quét. Cân bằng bài toán chi phí lợi ích của các hồ đập thủy điện liên quan đến điều tiết nước mùa lũ, mùa kiệt nhằm giảm thiểu thiệt hại cho cộng đồng cư dân vùng hạ nguồn. Với các thành phố lớn, tối ưu hóa bài toán quy hoạch để chống ngập do mưa lớn, giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị do nắng nóng.

Và hơn bao giờ hết, từ phía mỗi người dân, cần hợp tác với các cơ quan phòng chống thiên tai, tuân thủ chặt chẽ các quyết định, chủ trương của các cơ quan phòng chống thiên tai. Người dân cần nâng cao nhận thức, thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai nhằm chủ động đối phó trong tình huống thực tế và qua đó hạn chế được những thiệt hại không đáng có do thiên tai gây ra.