Đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu

Là một trong những nước chịu tác động tiêu cực mạnh của biến đổi khí hậu (BĐKH), mỗi năm thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam vào khoảng 1,5% GDP. Trong bối cảnh đó, công tác quy hoạch, phát triển tại nhiều đô thị lớn và nhỏ của chúng ta chưa tính toán đến giải pháp ứng phó với BĐKH. Muốn nâng cao tính bền vững cho đô thị, cần đến tầm nhìn vượt cao hơn những lợi ích kinh tế ngắn hạn.

Ở nhiều đô thị, có tình trạng các hệ sinh thái bị phá vỡ để phục vụ cho phát triển khiến cho mỗi đợt mưa lớn có thể gây ngập úng nghiêm trọng. Ảnh: HOÀNG HÀ
Ở nhiều đô thị, có tình trạng các hệ sinh thái bị phá vỡ để phục vụ cho phát triển khiến cho mỗi đợt mưa lớn có thể gây ngập úng nghiêm trọng. Ảnh: HOÀNG HÀ
Hiện có khoảng 300đô thị ven biển chịu tác động bởi ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường.

Đô thị càng hiện đại càng kém bền vững?

Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam 2016 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, nhiệt độ trung bình ở nước ta đã tăng khoảng 0,4oC trong 20 năm gần đây so với giai đoạn 1981-1990; nhiệt độ cực đại tăng ở các vùng, song giảm ở một số khu vực phía nam. Lượng mưa trung bình tăng ở miền nam và giảm ở miền bắc; hạn hán trong mùa khô xảy ra thường xuyên hơn. Số lượng bão mạnh có xu hướng gia tăng; số ngày rét đậm, rét hại giảm nhưng xuất hiện những đợt rét dị thường và ảnh hưởng của La Nina và El Nino có xu hướng gia tăng. Mực nước biển đã tăng khoảng 3,34mm/năm trong 20 năm 1993-2014. Bên cạnh đó, với bờ biển dài hơn 3.260km, nằm bên bờ Thái Bình Dương, Việt Nam phải hứng chịu nhiều cơn bão hằng năm.

Các đô thị của Việt Nam cũng không thể nằm ngoài những tác động của BĐKH. Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh, do 72% diện tích thấp hơn mực nước biển nên hiện tượng ngập úng xảy ra gần như thường xuyên, định kỳ với gần một nửa số phường, xã bị ngập, ảnh hưởng đến 110 nghìn ha và 12% dân số thành phố, trong đó khoảng 47% dân nghèo. Theo thống kê, từ năm 2005 đến 2011, đã có 14 cơn bão đổ bộ vào TP Đà Nẵng, làm sập 14.663 ngôi nhà, hư hại 3.657 phòng học, phá hỏng 26.623 ha rừng. Ở Quảng Ninh, trận mưa lịch sử vào tháng 7-2015, gây thiệt hại khoảng 2.700 tỷ đồng với hàng chục người chết, riêng 100 hộ dân ở phường Mông Dương, TP Cẩm Phả đã bị vùi lấp do vỡ đập chứa xỉ than…

Muốn mường tượng về sự tác động nói trên, có thể dựa vào con số mà Viện Chuyển đổi xã hội (ISET) đưa ra: Hiện có khoảng 300 đô thị ven biển chịu tác động bởi ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường và khoảng 140-150 đô thị ở khu vực miền núi chịu ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán.

Bất cập trong quy hoạch, phát triển

Việc các đô thị chịu thiệt hại lớn như thống kê trên không chỉ có nguyên nhân từ yếu tố tự nhiên, mà còn bởi yếu tố chủ quan. Đó là, vấn đề BĐKH hoặc chưa được cân nhắc, lồng ghép triệt để trong quy hoạch phát triển đô thị, hoặc việc thực hiện quy hoạch không tốt, từ đó làm giảm khả năng chống chịu của các thành phố, đồng thời làm trầm trọng thêm các tác động của BĐKH. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở các đô thị chưa được phát triển tương xứng với mức độ gia tăng dân số nên không đáp ứng nhu cầu phát triển. Phần lớn các đô thị không có hệ thống thoát nước riêng mà được sử dụng chung cho nước thải và nước mưa, đang bị xuống cấp nghiêm trọng, chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thoát nước với 50% tuyến cống đã bị hư hỏng, 30% tuyến cống cũ bị xuống cấp. Vì vậy, khi có những đợt mưa liên tục với cường độ trung bình trở lên hay triều cường thì việc ngập úng thường xuyên xảy ra, như đã thấy ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác.

Đã vậy, một cách tiếp cận thích ứng BĐKH dựa trên hệ sinh thái là rất quan trọng, ít tốn kém, song chưa được coi trọng. Ở rất nhiều đô thị, các hệ sinh thái bị phá vỡ để phục vụ cho phát triển đô thị; điển hình là việc san lấp hồ, ao, rừng ngập mặn để lấy đất làm nhà ở, từ đó làm mất nơi thu giữ nước khi có mưa lớn, triều cường, mất cân bằng sinh thái. Việc giảm diện tích cây xanh, công viên và tăng cao mật độ xây dựng các nhà cao tầng, trong nhiều trường hợp thường chỉ phục vụ lợi ích kinh tế cho một nhóm người, nhưng sẽ làm nhiệt độ thành phố cao hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe và sản xuất, sinh hoạt của đời sống cả cộng đồng.

Tăng trách nhiệm của chính quyền đô thị

Trong thời gian tới, tốc độ đô thị hóa sẽ tiếp tục được đẩy mạnh ở nước ta. Nhận thức được thách thức từ BĐKH đối với đô thị, Đảng và Nhà nước ta cũng đã ban hành các chủ trương, chính sách để chủ động ứng phó, cụ thể là Nghị quyết 24/NQ-T.Ư của BCH T.Ư Đảng và Quyết định số 2623/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013 - 2020”. Theo đó, để kịp thời ứng phó với BĐKH, chính quyền các đô thị cần thực hiện một số giải pháp theo thứ tự như sau:

Trước hết, chính quyền đô thị phải hiểu rõ các rủi ro, các tác động mà BĐKH, thiên tai có thể gây ra cho thành phố. Cần thực hiện đánh giá tác động của BĐKH, rủi ro thiên tai; xây dựng các bản đồ ngập lụt, nước biển dâng, lũ quét, sạt lở đất, bản đồ rủi ro thiên tai đến cấp xã/phường. Cần liên tục cập nhật các thông tin dự báo về diễn biến của BĐKH, thiên tai.

Tiếp đến, cần lồng ghép BĐKH vào các quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển KT-XH. Quy hoạch đô thị cần được tiếp cận theo hướng thích ứng dựa trên hệ sinh thái, hài hòa với thiên nhiên; cần gìn giữ các diện tích cây xanh, mặt nước. Chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng có nguy cơ bị tác động của lũ lụt, bão, lũ quét, sạt lở đất… Cần xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước, tăng khả năng tiêu thoát nước; cần có biện pháp kè bờ, trồng rừng ngập mặn để chống xói lở đối với các đô thị ven biển, như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau... Đồng thời, các đô thị cũng cần phải hướng tới các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, qua đó góp phần giảm sự gia tăng của BĐKH như phát triển giao thông công cộng, xây dựng các tòa nhà xanh, công trình xanh, phát triển năng lượng tái tạo và thu gom, xử lý chất thải.

Cuối cùng, các địa phương cần tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch đô thị đã lồng ghép BĐKH, hướng tới xây dựng đô thị đáng sống, thông minh và chống chịu với BĐKH. Chính quyền đô thị cần cam kết, huy động và phân bổ nguồn lực, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch. Cần nâng cao năng lực quản trị, bảo đảm tính công khai, minh bạch; huy động sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, người dân, cộng đồng; huy động sự hỗ trợ của quốc tế. Chính quyền cần lấy lợi ích chung của người dân để phát triển, đặc biệt là những người nghèo, dễ bị tổn thương; tránh tối đa việc bị các “nhóm lợi ích” chi phối, tìm kiếm lợi nhuận cho riêng mình ở những “khu đất vàng” mà không quan tâm đến đời sống của cộng đồng trong việc xây dựng các nhà cao tầng, như chúng ta đã chứng kiến trong thời gian qua.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, tỷ lệ đô thị hóa tăng trung bình 1%/năm, từ khoảng 21% năm 1999 lên khoảng 34% năm 2014. Cập nhật gần đây nhất, cả nước có 787 đô thị, trong đó có hai đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 75 đô thị loại IV và 628 đô thị loại V; tổng dân số đô thị khoảng 30,4 triệu người, tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 34 nghìn km2, chiếm khoảng 10% diện tích cả nước.