Điều chỉnh, gỡ vướng cho gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng

Nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến các cơ quan chức năng đang phải rốt ráo điều chỉnh. Đồng thời, tính minh bạch, đúng người, đúng đối tượng đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

Công ty Pouyuen Việt Nam đã cắt giảm một lúc hàng nghìn công nhân do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: LAM NGỌC
Công ty Pouyuen Việt Nam đã cắt giảm một lúc hàng nghìn công nhân do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: LAM NGỌC

Khoảng cách giữa quy định và thực tế

Tính đến đầu tháng 6-2020, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là 17,5 nghìn tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước Việt Nam đã thực hiện giải ngân 10.500,698 tỷ đồng hỗ trợ cho 10.168.626 người và 2.613 hộ kinh doanh, gồm: các đối tượng là người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người lao động mất việc làm… 

Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, cho đến nay mới chỉ có 418 người thuộc nhóm đối tượng lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm được hưởng gói hỗ trợ này. Trong khi đó, theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết, có tới 57,3% số người giảm thu nhập do bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc trên tổng số người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tức khoảng gần 8 triệu người lao động, phần lớn người lao động này thuộc các khu công nghiệp, doanh nghiệp (DN) thuộc các ngành như hàng không, giao thông đường bộ, đường sắt, du lịch… trên cả nước. Vậy, tình trạng lao động gặp khó khăn trong tiếp cận gói hỗ trợ là do rào cản thủ tục hay điều kiện của chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế? 

Một nữ công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, do việc làm thiếu hụt, tuần phải nghỉ mấy ngày, được hưởng 70% lương nên phải chạy chợ... mới bảo đảm cuộc sống. Công nhân đó, hay các tiếp viên hàng không, hướng dẫn viên du lịch bị mất việc khác có thuộc diện được hỗ trợ bằng tiền từ gói này hay không? 

Rà soát và nới lỏng điều kiện

Sau những phản hồi được ghi nhận, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ xin sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg để gắn quy định sát hơn với thực tế “mất việc” của người lao động làm theo chế độ hợp đồng lao động nghỉ việc không lương do dịch bệnh. Cụ thể, thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động được tính từ ngày 23-1 đến hết 30-6 thay vì ngày 1-4 đến hết ngày 30-6 theo quy định cũ. Đối với DN (cũng là gián tiếp hỗ trợ người lao động) thì sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg theo hướng quy định rõ hơn: “Doanh thu quý I năm 2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019”, thay cho quy định khó khăn tài chính chung chung, rất khó cho thủ tục rà soát, kiểm tra hồ sơ. 

Dù đã sửa đổi nới rộng hơn thời gian mất việc thì số lao động gặp khó khăn vẫn rất khó tiếp cận gói hỗ trợ này. Lý giải về điều này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch Covid-19, cho nên các hoạt động kinh tế, xã hội nhanh chóng được phục hồi. Hơn nữa, khi xây dựng các chính sách hỗ trợ thì tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát nên dự báo số đối tượng bị ảnh hưởng khác nhiều so với hiện tại.

Trước đó, các DN cũng đã có những giải pháp thiết thực nhằm gắn bó với người lao động bằng cách giãn ca, làm việc bán thời gian, trả lương tối thiểu cho người lao động… Vì thế, hiện nhiều DN đã khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều người lao động đã được bố trí làm việc gần như cũ (như hàng không, may mặc...). 

Không những vậy, một số chính sách hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh  như chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội, chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc... đã có những tác động tích cực tới việc giải quyết khó khăn cho người lao động. Cũng cần thấy rằng, không phải người lao động nào giảm thu nhập đều được hỗ trợ, vì mục tiêu của chính sách là chỉ hỗ trợ cho người lao động đã cố gắng nhưng vẫn bị giảm sâu thu nhập không thể bảo đảm mức sống tối thiểu. Với những đối tượng như thế, rất cần sự tham gia tích cực của các cấp công đoàn trong khâu rà soát, đề nghị. Tổ chức công đoàn cần phải sát sao “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tham mưu cho DN khi làm hồ sơ hỗ trợ cho người lao động. Cùng đó, cần có những giải pháp thiết thực hỗ trợ người lao động thông qua việc hỗ trợ các DN như nới lỏng điều kiện cho vay để DN vay gói hỗ trợ trả lương cho người lao động, tạo điều kiện cho DN sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại nghề cho người lao động. Đây là hướng tích cực, mang tính ổn định lâu dài. 

Được biết Bộ LĐ-TB&XH đang cố gắng thúc đẩy các địa phương hoàn thành việc hỗ trợ các đối tượng trong tháng 6-2020. Nhanh chóng chi trả tiền hỗ trợ người lao động trong danh sách đã được rà soát, phê duyệt theo đúng quy định, nhất là người lao động không có giao kết hợp đồng, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và đối tượng bị chấm dứt hợp đồng, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.