Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu - những câu hỏi khó !

Việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 và nam lên 62 tuổi theo như quy định trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa trình xin ý kiến Quốc hội, cần phải được cân nhắc kỹ trên cơ sở đánh giá hết được những tác động của việc tăng tuổi nghỉ hưu trong thực tế.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải quan tâm từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề và mức tăng. Chúng ta cần phát huy cơ hội thời kỳ dân số vàng, nhưng đồng thời cũng phải tính đến nguy cơ từ già hóa dân
Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải quan tâm từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề và mức tăng. Chúng ta cần phát huy cơ hội thời kỳ dân số vàng, nhưng đồng thời cũng phải tính đến nguy cơ từ già hóa dân

Không thể chậm hơn nữa?

Ðã từng đề xuất không thành, đến lần đề xuất này, ông Ðào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ - TB&XH) phải lên tiếng mong các đại biểu Quốc hội, các cơ quan truyền thông ủng hộ vì việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu "là một việc không thể chậm hơn nữa". Năm lý do được viện dẫn như sau:

Trước hết, Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số. Vì thế phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai. Tất nhiên, để việc điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu cần có thêm các chính sách như đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp. Thứ hai, để bảo đảm bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu như Công ước CEDAW về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ mà Việt Nam tham gia. Thứ ba, điều chỉnh phụ nữ tăng thêm năm tuổi và nam thêm hai tuổi có thể khả thi khi nhìn vào số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 ở Việt Nam.

Thứ, là để bảo đảm sự cân bằng, cân đối của Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH). Hiện quy định tuổi nghỉ hưu thấp, dẫn tới thời gian tham gia đóng BHXH ngắn (số năm đóng góp trung bình đối với nam là 28, nữ 23) trong khi đó thời gian hưởng hưu trí dài. Với việc nâng dần tuổi nghỉ hưu, số năm tham gia BHXH nhiều lên, quyền lợi của BHXH cũng nhiều hơn, giải quyết hài hòa cả hai vế vấn đề là: số năm hưởng BHXH ít đi sẽ giúp quỹ tốt lên, hai là mức hưởng BHXH tăng lên khi thời gian đóng được cải thiện. Mặt khác, hệ thống lương hưu của nước ta so nhiều quốc gia trên thế giới là khá cao, cho phép lương hưu đạt tối đa 75% mức tiền lương làm căn cứ tính hưởng BHXH sau 30 năm đóng góp đối với nam và 25 năm đóng góp đối với nữ.

Với mức lương hưu như vậy, BHXH tính rằng: số năm hưởng lương hưu bình quân là 19,5 năm, trong đó nam là 16,1 năm và nữ 22,9 năm; nhưng tính trung bình, tiền đóng BHXH của một người trong 28 năm chỉ đủ chi trả cho chính người đó trong vòng 10 năm, nên thời gian hưởng còn lại (khoảng 9,5 năm) sẽ phải lấy từ nguồn đóng góp, chia sẻ của các thế hệ sau. Cuối cùng, chính sách này nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH.

Cẩn trọng "gậy ông đập lưng ông"

Mặc dù Dự luật lần này đã khá công phu với nhiều lý giải mang tính khoa học nhưng ý kiến lo ngại từ chính người lao động về tác động của chính sách đối với họ vẫn không ít. Một công nhân đang làm việc trong một doanh nghiệp điện tử tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) đặt vấn đề, nếu Nhà nước tăng tuổi nghỉ hưu thì chúng tôi sẽ phải ở lại làm thêm, đóng BHXH thêm. Lúc đó tôi không còn đủ sức làm nữa và có thể bị sa thải thì làm sao? Hay một công nhân đi làm từ 18 tuổi, đến 40 tuổi là đã đóng BHXH hơn 20 năm. Nếu đến lúc này bị sa thải, thất nghiệp, thì vẫn phải đợi một khoảng thời gian dài mới được lấy lương hưu, như vậy có chấp nhận được không?Tính toán của người lao động là có cơ sở vì ít người coi nghề công nhân là sự nghiệp cả đời. Phần lớn họ xuất thân từ nông thôn, không có tay nghề nên dễ bị sa thải ở tuổi ngoài 30. Khi bị sa thải, họ sẽ muốn lấy số tiền BHXH đã đóng để có đồng vốn bắt đầu một công việc khác.

Một số doanh nghiệp (DN) tư nhân sử dụng nhiều lao động phổ thông cũng rất ngại tăng tuổi hưu vì họ cho rằng, rất khó chấp nhận sử dụng lao động cao tuổi với năng suất thấp hơn, trong khi mức lương phải trả lại cao hơn. Ông Lê Ðình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng đặt vấn đề việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn đến nhiều lao động có thâm niên, cao tuổi khi rời DN sẽ không tìm được việc làm kết quả sẽ gia tăng số người nhận trợ cấp một lần. Nếu không tính toán thận trọng, sẽ là "gậy ông đập lưng ông". Quỹ BHXH không những không bền vững hơn, mà còn có nguy cơ mất cân đối cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đồng ý rằng, tăng tuổi hưu với nữ là tăng cơ hội được làm việc, nhưng bà cũng lo ngại "chỉ là được một nhóm" thôi, còn một nhóm nhiều hơn sẽ không hề vui vẻ với đề xuất này.

Mặt khác, hiện nay Chính phủ đang tích cực cải cách hành chính, tinh giản biên chế theo lộ trình. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu như phương án đề xuất sẽ vô tình giữ lại một bộ phận yếu kém của bộ máy hành chính, trong khi nhiều sinh viên ra trường năng động, sáng tạo lại lâm vào tình trạng thất nghiệp.

Về sức khỏe người lao động ở độ tuổi 60 kể cả nam và nữ chưa có một khảo sát thống kê đầy đủ, nhưng qua quan sát thì các chứng bệnh thoái hóa xương, khớp, bệnh tim mạch... làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, công việc rất lớn. Tuy tuổi thọ tăng nhưng họ có đủ nhiệt tình, sức khỏe để hoàn thành công việc như kỳ vọng hay không? Có xứng đáng để nhận lương cao với sức khỏe giảm sút hay không? Một số ý kiến cũng cho rằng, không phải tất cả nam giới đều khỏe như nhau thì nghỉ hưu ở tuổi giống nhau; không phải tất cả phụ nữ yếu như nhau thì nghỉ hưu ở cùng một độ tuổi.

Với hai phương án tăng tuổi hưu mà cơ quan soạn thảo đưa ra chắc chắn sẽ tác động đến rất nhiều nhóm người mà chưa có một đánh giá kỹ lưỡng. Việc tăng tuổi nghỉ hưu nói chung cho một nhóm người, ngành nghề nào đó là cần thiết và cần chọn đúng lộ trình thời điểm thích hợp, lựa chọn phương án khác hài hòa hơn. Bộ LÐ-TB&XH cần xem xét và đánh giá thêm tác động của tăng tuổi nghỉ hưu đến thị trường lao động, phát triển kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn khi tăng tuổi nghỉ hưu.

Bà Nguyễn Thúy Anh Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Báo cáo thẩm tra Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình bày tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đã nhấn mạnh, để có đủ thông tin trình Quốc hội xem xét, thảo luận, đề nghị Chính phủ: Phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ trên các yếu tố: tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội; các yếu tố ảnh hưởng khác. Đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực khi ghi nhận “có quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu”. Bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan. Lấy ý kiến rộng rãi, nhất là của đối tượng chịu sự tác động để lựa chọn được phương án tối ưu, có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán. Rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Đề nghị Chính phủ xem xét độ tuổi về hưu đối với một số ngành nghề đặc thù như giáo viên, diễn viên múa, xiếc... Việc cho nghỉ hưu phải đi liền với bậc lương, để không thiệt thòi quyền lợi cho người lao động trong những ngành nghề này. Trên thực tế, chỉ một số ngành nghề có nhu cầu được kéo dài thời gian lao động, trong khi nhiều người lao động vẫn mong muốn được nghỉ hưu sớm.