Để tiền hỗ trợ không…“đi lạc”

Gói hỗ trợ an sinh xã hội ước tính khoảng 62.000 tỷ đồng dành cho những người dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đang được tích cực triển khai chi trả ngay đến các đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, để gói hỗ trợ đầy ý nghĩa nhân văn này đến đúng đối tượng thì cần thực thi nhiều biện pháp.

Nhóm lao động tự do bị mất việc làm là khó xác định chính xác nhất.
Nhóm lao động tự do bị mất việc làm là khó xác định chính xác nhất.

Sớm, đúng người được thụ hưởng

Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) kích hoạt ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng này là một khoản tiền không nhỏ, chưa có tiền lệ và mang tính cấp bách dành cho người dân và doanh nghiệp, giúp chia sẻ bớt gánh nặng khó khăn cho họ.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: “Ngành LĐ-TB&XH đã tiến hành đánh giá, khảo sát tại các đơn vị, cơ sở. Nếu dịch cứ tiếp tục như thế này thì tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, mất việc làm trong tháng 4 và tháng 5 sẽ khoảng 2,5 triệu người. Nếu dịch tiếp tục bùng phát thì số lao động mất việc, thiếu việc làm, thậm chí thất nghiệp sẽ dẫn đến khoảng 3,5 - 4 triệu người. Ngay trong quý I đã có 153.000 người nộp hồ sơ hưởng chính sách thất nghiệp”.

Vì thế, quan điểm chỉ đạo thực hiện của Bộ LĐ-TB&XH là ngay trong tháng 4 này, chậm nhất là sang đầu tháng 5-2020, tiền sẽ về đến tận tay đối tượng được thụ hưởng. Để thực hiện Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH phải triển khai chi trả đúng bảy nhóm đối tượng đã được quy định một cách công khai, minh bạch, không bỏ sót, không trùng lặp, không để tình trạng chậm trễ, lòng vòng. Theo đó, một số đối tượng như: người có công, hộ người nghèo, cận nghèo và các đối tượng thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm xã hội thì sẽ được nhận tiền ngay trong tháng 4 này, trọn gói một lần. Còn những đối tượng có quan hệ lao động sẽ được triển khai thông qua hệ thống doanh nghiệp, với việc xác nhận của chính quyền địa phương. Các cơ quan, đơn vị này cùng chính quyền địa phương phải khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ cho các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng và sau năm ngày cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ phải lập tức chi trả ngay. Tất cả nhằm tập trung hỗ trợ cho người dân tại thời điểm khó khăn này.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng bổ sung, việc rà soát các đối tượng thụ hưởng cần quan tâm đến người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp đã chuyển đổi thành đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm và những cơ sở giáo dục ngoài công lập. Hiện tại, đời sống của những đối tượng này gặp nhiều khó khăn.

Đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà

Bên cạnh các giải pháp để triển khai nhanh gói hỗ trợ chưa có tiền lệ này, điều khiến dư luận dành mối quan tâm lớn là việc làm thế nào để bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng không bỏ sót, không trùng lặp, không thất thoát, không bị tham ô, lợi dụng chính sách…

Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng một quy trình thực hiện hỗ trợ theo nguyên tắc hướng tới những người bị giảm sâu thu nhập, mất việc, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của Covid-19. Cùng đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai chương trình này đòi hỏi sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội cùng hệ thống chính quyền các cấp từ tổ dân phố trở lên, với cách làm là phải đến từng ngõ phố, thôn, xóm, từng nhà để tìm hiểu, lập danh sách rồi quay lại trao tiền tận tay đúng đối tượng cần được thụ hưởng. Nếu không gõ từng nhà, kể cả nhà trọ thì không thể nào nắm bắt được ai giảm thu nhập sâu, ai bị ảnh hưởng đến cuộc sống. Tính công khai, minh bạch đã giúp chúng ta kiềm chế được dịch Covid-19 và cũng sẽ là bài học kinh nghiệm giúp chúng ta thực hiện tốt các chính sách khác.

Thật ra, trong bảy nhóm đối tượng mà Nghị quyết liệt kê thì nhóm đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động hay nói rõ hơn là lao động tự do bị mất việc làm là khó xác định chính xác nhất. Thông thường họ làm một trong các công việc như: bán hàng rong; buôn bán lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái mô-tô hai bánh hoặc xích-lô, chở khách; bán lẻ vé số lưu động, thợ xây tự do... Đây là nhóm người có số lượng không nhỏ, lại ở rải rác, người về quê, người trụ lại phố… Vì thế, việc lập được danh sách nhóm đối tượng này rất cần sự trợ giúp của các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố. Sau khi lập danh sách, ủy ban nhân dân (UBND) cấp phường, xã tổ chức rà soát và niêm yết công khai. Sau đó gửi lên UBND cấp huyện, quận và tỉnh, thành phố là cấp phê duyệt danh sách.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng lưu ý rằng, việc triển khai gói an sinh xã hội này rất cần sự linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng địa phương. Và với nguồn kinh phí lớn, đối tượng đa dạng, phải tổ chức chặt chẽ để đồng tiền hỗ trợ không thể đi “lạc đường”.