Để đừng bao giờ phải thốt lên: Đáng lẽ… !

Sự việc bảy người thiệt mạng sau kh11i dự Lễ hội âm nhạc điện tử “Du hành tới mặt trăng” tổ chức tại Hà Nội vào đêm 16-9 gióng lên thêm một hồi chuông cảnh báo gay gắt về lỗ hổng lớn trong công tác phát hiện, ngăn chặn sử dụng ma túy tại các sự kiện văn hóa thu hút lượng người tham gia lớn, đặc biệt là giới trẻ.
Đích đến cuối cùng vẫn phải là tạo nên cơ hội tiếp nhận những sản phẩm văn hóa tích cực cho công chúng. Ảnh: Hoàng Hải
Đích đến cuối cùng vẫn phải là tạo nên cơ hội tiếp nhận những sản phẩm văn hóa tích cực cho công chúng. Ảnh: Hoàng Hải

Vòng vèo trách nhiệm

Ngay sau sự việc xảy ra, chiều ngày 17-9, các cơ quan chức năng TP Hà Nội đã tổ chức buổi họp báo thông tin những vấn đề liên quan đến vụ việc bảy người chết và năm người hôn mê, đều được xác định dương tính với ma túy, sau khi tham dự Lễ hội âm nhạc tại Công viên nước Hồ Tây.

Tại đây, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: Đêm nhạc “Du hành tới mặt trăng” do Công ty TNHH kết nối Á Châu thực hiện đã được cấp phép đúng quy định. Về phía UBND TP Hà Nội cũng đã chấp thuận cho bốn nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn tại chương trình. Ông Tiến cũng cho biết thêm: “Thành phố đã chỉ đạo làm nghiêm việc cấp phép tổ chức biểu diễn. Ngay như nhiều chương trình âm nhạc trong quán bar, nhà hàng cũng phải xin cấp phép”.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý tại địa bàn tổ chức sự kiện, theo ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, “đã chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin kiểm tra, giám sát chặt hoạt động biểu diễn theo trình tự và quy định”. Ông Tuấn nhấn mạnh: “Trách nhiệm bảo đảm an ninh thuộc về đơn vị tổ chức và đơn vị liên kết là Công viên nước Hồ Tây”.

Trước câu hỏi “Vì sao đã có kiểm tra, kiểm soát mà ma túy, bóng cười vẫn lọt vào Lễ hội âm nhạc, và trách nhiệm của lực lượng công an đến đâu?”, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Văn Viện nói: “Sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng công an đã chủ động nắm tình hình, kịp thời nhập cuộc điều tra, nếu cần thiết sẽ tiến hành khởi tố”.

Như vậy, từ những phát ngôn của đại diện các đơn vị nói trên, có thể thấy, chưa có đơn vị, cá nhân nào thật sự đứng ra nhận trách nhiệm về lỗ hổng trong phát hiện, ngăn chặn sử dụng chất gây nghiện, ma túy tại lễ hội âm nhạc. Dư luận xã hội hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Với một sự kiện lớn thu hút tới hơn 5.000 người tham gia mà chỉ trông chờ vào sự bảo đảm an ninh từ phía đơn vị tổ chức và đối tác là Công viên nước Hồ Tây, liệu các cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm chưa? Bởi vì đáng lẽ, đi cùng với việc cấp phép tổ chức, ban quản lý phải có sự phối hợp kiểm soát, răn đe, ngăn chặn tệ nạn có thể xảy ra.

Vì sao lại bố trí một không gian chật hẹp đến như vậy cho lễ hội? Phải chăng chính nhà tổ chức cũng tỏ ra tắc trách? Hơn hết, đơn vị tổ chức phải hiểu được đặc thù của âm nhạc điện tử đối với đối tượng khán giả trẻ, lường trước được những biến cố để có kịch bản ứng phó kịp thời. Người vào xem không khó khăn gì trong việc mang theo chất này vào để sử dụng, thậm chí là mua bán trái phép. Lực lượng công an tại địa bàn cũng chỉ có mặt khi đã xảy ra các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, chứ chưa có biện pháp phối hợp ngăn chặn ngay từ đầu.

Quản chứ không cấm

Tại cuộc họp báo, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định sẽ tạm ngừng cấp phép các đêm nhạc tương tự để chờ làm rõ nguyên nhân xảy ra sự việc đáng tiếc. Đồng thời, ông cũng cam kết: Sau đây việc quản lý sẽ được làm chặt hơn, đơn vị xin cấp phép phải đăng ký số người tham dự, có phương án bảo đảm an toàn, an ninh trật tự…

Nhưng chỉ vậy thôi liệu đã đủ?

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và khi những sự kiện về âm nhạc của nước ta vẫn nghèo nàn về số lượng, yếu về chất lượng, thì vẫn cần có nhiều sự kiện giao lưu văn hóa tương tự được tổ chức. Nhưng cách thức tổ chức phải khác. Dẫn ra trường hợp ở Đan Mạch, tổ chức sự kiện âm nhạc có khi thu hút 150 nghìn người tham gia, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: “Cần có phương án bố trí khán giả thích hợp, tránh dồn ép quá đông vào một khu vực, hay như bố trí lối dẫn để giảm thiểu tới mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra cho khán giả”.

Giới trẻ rất giàu năng lượng và họ có nhu cầu được giao lưu, hòa vào những đêm nhạc sôi động, những đám đông lớn. Do đó, theo nhạc sĩ Quốc Trung, mấu chốt là chất lượng âm nhạc phải tạo được hưng phấn, đủ sức cuốn hút để họ không sa đà vào những thứ khác như ma túy, lạm dụng chất kích thích.

Đã đến lúc cần phải nâng cấp trình độ quản lý nhạc hội sao cho thật sự khoa học, tạo được niềm vui tích cực, dẫn dụ thanh niên tới hành động tích cực. Đã là nhạc hội thì sẽ có hiệu ứng đám đông, nên cần kỹ năng xử lý sự cố đám đông. Nhưng đích đến cuối cùng của nhà quản lý vẫn phải là làm sao để đám đông có cơ hội được tiếp nhận những sản phẩm văn hóa tích cực.

PGS, TS Phạm Mạnh Hà, Phó Trưởng khoa Quản lý Giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội):

Vì sao giới trẻ tìm đến chất gây nghiện?

“Tôi từng có thời gian gặp gỡ các bạn trẻ ở một số khu vui chơi nổi tiếng của Hà Nội để tìm hiểu do đâu họ sa vào các trò chơi như bóng cười, hút shisha, ma túy? Phần lớn bạn được hỏi cho biết, họ thấy cuộc sống nhạt nhẽo, buồn tẻ, cô đơn… nên tìm vui ở những thứ đó. Ở lứa tuổi chưa định hướng được bản thân mình, các bạn trẻ rất cần sự quan tâm từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Song, vai trò của cha mẹ vẫn là quan trọng nhất. Bậc cha mẹ cần giáo dục con tính độc lập từ nhỏ, và sự độc lập ấy luôn có sự giám sát của gia đình, được tư vấn giúp con chủ động lựa chọn bạn chơi, trò chơi, chọn môn học năng khiếu, định hướng nghề nghiệp… theo hướng tích cực. Như vậy, đứa trẻ sẽ không dễ mất phương hướng, hoặc dễ bị tác động tiêu cực từ bạn bè.

Cùng đó, nhà trường, đoàn thanh niên nơi các em cư trú cần tạo dựng những sân chơi bổ ích, phù hợp với lứa tuổi, cuộc sống nhằm thu hút các em, giúp các em được thể hiện bản thân mình, được giao lưu hòa đồng với bạn bè, để có động lực học tập, phấn đấu vươn lên”.