Dân số trước bài toán nới sinh con

Trước thách thức già hóa dân số, chính sách nới sinh con đang được đề xuất. Vậy đâu là lời giải cho bài toán trẻ hóa dân số?

Chất lượng dân số và những hệ lụy có thể xảy ra là điều cần cân nhắc kỹ trước khi ban hành chính sách dân số. (Ảnh: Chăm sóc trẻ sơ sinh tại BV Phụ sản Hà Nội).
Chất lượng dân số và những hệ lụy có thể xảy ra là điều cần cân nhắc kỹ trước khi ban hành chính sách dân số. (Ảnh: Chăm sóc trẻ sơ sinh tại BV Phụ sản Hà Nội).

3 phương án điều chỉnh mức sinh

Theo số liệu của Bộ Y tế, mức sinh ở nước ta trong 11 năm qua luôn xoay quanh mức sinh thay thế (2,1 con/bà mẹ). Nhưng mức sinh này không đồng đều giữa các vùng, mà vùng càng nghèo lại càng sinh con nhiều, trong khi những khu vực có điều kiện kinh tế, sinh con ra có điều kiện nuôi dạy trẻ tốt hơn thì lại giảm sinh xuống mức quá thấp. Cụ thể như TP Hồ Chí Minh, thành phố phát triển nhất nước, hiện bình quân mỗi bà mẹ chỉ có 1,4 - 1,5 con. Trong khi các vùng nghèo vẫn chưa giảm sinh được như mong muốn: vùng Tây Nguyên khoảng 2,6 con/bà mẹ, Kon Tum khoảng 3,4 con/bà mẹ, Tây Bắc khoảng 2,2 con/bà mẹ, Hà Giang khoảng 3 con/bà mẹ.
Bộ Y tế cho biết, đã đề xuất ba phương án điều chỉnh mức sinh. Cụ thể phương án 1: Duy trì mức sinh như hiện nay càng lâu càng tốt. Theo đó sẽ vận động mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con mà không quy định thành luật với chính sách linh hoạt. Những địa phương đang sinh nhiều con (hơn 3 con) thì vận động sinh ít đi để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn. Ngược lại, những nơi tỷ lệ sinh thấp thì phải vận động nâng mức sinh lên. Phương án 2: Tiếp tục chính sách sinh ít hơn 2 con, khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con, nhằm tiếp tục giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số. Phương án 3: Cho sinh thoải mái, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí (hiện một nửa cấp miễn phí).

Còn nhiều băn khoăn

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh. Hiện nước ta có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Chất lượng dân số cũng đối mặt với nhiều thách thức, như dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng lớn nhưng tỷ lệ tham gia lực lượng chưa cao, mới chiếm khoảng 78,8% dân số. Khoảng 70% dân số sống và khoảng 48% lao động đang làm việc ở khu vực nông nghiệp, nông thôn - là khu vực tạo ra giá trị gia tăng thấp. TS Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết: Hệ quả dân số già đã hiện hữu ngay trước mắt như cấu trúc gia đình thay đổi, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi ở nước ta chưa phát triển. Thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu…

Tuy nhiên, chính sách nới mức sinh cũng gây nên nhiều băn khoăn, nhất là mối lo: liệu có xảy ra tình trạng bùng nổ dân số trở lại? Phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Tân cho rằng, với định hướng không tiếp tục thực hiện giảm sinh mà thay bằng duy trì mức sinh thay thế vững chắc, đến năm 2030 quy mô dân số Việt Nam ở mức 104 triệu người, đến năm 2049 ổn định ở 113-115 triệu người. Hiện nay Việt Nam có 94 triệu dân, trung bình mỗi năm tăng thêm 850.000 - 900.000 người. “Chúng tôi đã khảo sát trên Internet với hơn 700.000 người, 73% trong số này mong muốn có 2 con, 8,3% mong có 1 con, 9,3% mong có 3 con, trên 8% mong có nhiều hơn 3 con”, ông Tân nói. Với kết quả khảo sát như trên, ông Tân cho rằng mức sinh sẽ không tăng mạnh sau khi nới, thay đổi chính sách dân số.

TS Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Thông tin và Dữ liệu (Tổng cục DS-KHHGĐ) thì bày tỏ quan điểm: “Tôi ủng hộ phương án 1. Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế 2,1 con (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) - đây là mức lý tưởng nhưng chưa thật sự ổn định. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) sẽ đạt cực đại vào năm 2020-2025 (khoảng 25-26 triệu). Việt Nam chưa thể thả lỏng chính sách dân số”. Cũng theo TS Quốc Anh, dân số là mẫu số của phát triển KT-XH. Chất lượng sống không thể tăng lên nếu chúng ta để mẫu số “tăng lên”, trong khi tử số là phát triển KT-XH không tăng tương xứng”.

Cũng có ý kiến cho rằng, với phương án 2 khi sinh ít con hơn, các gia đình có điều kiện nuôi dạy trẻ tốt hơn, giảm bớt chi phí an sinh xã hội cho trẻ sinh ra, mật độ dân số tăng chậm hơn. Tuy nhiên, mặt trái của phương án này là việc sinh ít con cộng thêm sự phát triển kinh tế - xã hội của những năm tiếp theo sẽ tiếp tục đưa mức sinh giảm xuống. Kinh nghiệm cho thấy khi mức sinh giảm xuống đến ngưỡng nào đó, thì việc đưa quay trở lại tăng lên là rất khó khăn. Nhiều quốc gia, trong đó có những nước phát triển như Hoa Kỳ, Nga, Pháp… đang chật vật để khuyến khích các vợ chồng trẻ sinh nhiều con hơn.

Cùng với cân bằng giới tính, việc giảm tỷ lệ già hóa dân số sẽ là những mặt lợi khi cân nhắc thay đổi về chính sách dân số. Chính sách dân số phải chú trọng đến chất lượng dân số, tránh bùng nổ dân số ở những vùng nghèo.