Con đường khác cho di sản

Khai thác, sử dụng những yếu tố của mỹ thuật cổ truyền làm chất liệu, hoặc “tái sáng tạo” thành những tác phẩm nghệ thuật là những thử nghiệm nghệ thuật để định hình phong cách của nhiều nghệ sĩ, vừa tạo ra cách thức để di sản có thể đi vào cuộc sống đương đại.

Khách tham quan đến với triển lãm Từ truyền thống đến truyền thống.
Khách tham quan đến với triển lãm Từ truyền thống đến truyền thống.

Làm mới một dòng tranh

Không phải là triển lãm của những họa sĩ nổi tiếng. Cũng không phải là một triển lãm quy mô, với số lượng tác phẩm lớn, Từ truyền thống đến truyền thống chỉ là một cuộc triển lãm của những nghệ sĩ trẻ và một số sinh viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Nhưng triển lãm đã thu hút sự quan tâm không nhỏ của giới nghiên cứu, mỹ thuật cũng như công chúng. Bởi đó những nghệ sĩ trẻ, những sinh viên mỹ thuật đã “làm mới” tranh Hàng Trống. Cách “làm mới” tranh dân gian cũng hết sức đặc biệt: Sử dụng kỹ thuật tranh sơn mài, tranh lụa - những chất liệu truyền thống của mỹ thuật Việt Nam. 

Mỗi chất liệu đem lại những hiệu ứng khác nhau cho những mẫu tranh Hàng Trống. Tác giả trẻ Phạm Tuấn Anh khiến hình ảnh các vị thánh Mẫu trong tranh Hàng Trống trở nên lung linh và huyền ảo với bức “Bà Chúa”. Thay vì vẽ lại các nhân vật, họa tiết 2D như tranh lụa thông thường, các nhân vật, họa tiết trang trí trong bức tranh thánh Mẫu được vẽ thành nhiều lớp, sắp đặt có chiều sâu, với các “nhân vật phụ” và họa tiết trang trí ở lớp ngoài cùng, lùi dần phía trong là vị thánh Mẫu. Cách sắp đặt này khiến vị thánh Mẫu như ở trong một không gian điện thờ thật sự. Được cộng hưởng với ánh sáng, bức tranh “Bà Chúa” gợi cảm giác đầy bí ẩn và linh thiêng. Bức lụa “Tầm” được Phạm Ngọc Hà lấy cảm hứng từ bức “Lý ngư vọng nguyệt” trong tranh Hàng Trống. Chú cá chép trông trăng trong tác phẩm mang một ý nghĩa khác - hành trình đi tìm hạnh phúc đích thực chưa bao giờ dừng lại, như chú cá chép từ đời này sang đời khác mải miết bơi theo hình ảnh bóng trăng dưới mặt nước. Gam mầu tím của chú cá chép làm nền cho bóng trăng nổi bật hơn, với sự hỗ trợ của ánh sáng. Bóng trăng chính là “điểm dừng” thu hút người xem.

Chất liệu thứ hai được các tác giả sử dụng là sơn mài. Những nhân vật, những bức tranh nổi tiếng của tranh Hàng Trống như: Mẫu Thiên, Mẫu Sơn trang, Ngũ hổ, Cá chép vượt vũ môn… hay hình ảnh các ông hoàng, các cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu… được tái hiện bằng chất liệu sơn mài. Cặp đôi Nguyễn Thị Hoài Giang cùng Nguyễn Thị Trang còn tìm thấy một “thế giới thực vật” trong tranh Hàng Trống và là cảm hứng để họ làm nên tác phẩm sơn mài, giấy dó “Trong vườn hoa Hàng Trống”. Phần tranh sơn mài được tạo hình để khuyến khích người xem trực tiếp tương tác và cảm nhận bề mặt chất liệu. Phần giấy dó ghi chép lại những mẫu cỏ cây quen thuộc đã luôn hiện diện trong tranh dân gian. 

Với tranh lụa, sơn mài, các mẫu tranh Hàng Trống vốn rực rỡ được chuyển thể sang gam mầu trầm khiến những bức tranh trở nên có chiều sâu, đượm mầu hoài cổ.

Kỳ vọng về sự tiếp nối

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn là người trực tiếp hướng dẫn sinh viên, đồng thời là giám tuyển nghệ thuật của triển lãm. Anh cho biết, những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Từ truyền thống đến truyền thống” tại đình Nam Hương (phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là kết quả của một tháng làm việc liên tục của các sinh viên, dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên. Tranh Hàng Trống đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng gìn giữ được hay không, phụ thuộc vào chính thái độ của chúng ta. Ở chính không gian tranh Hàng Trống từng tồn tại và phát triển có một triển lãm những tác phẩm kế thừa tranh Hàng Trống. Và anh rất hy vọng về một sự kế thừa, tiếp nối của nghệ thuật dân gian trong đời sống đương đại. 

Vài năm trở lại đây, tranh dân gian trở thành chất liệu được chú ý đối với các nghệ sĩ, nhà thiết kế. Tranh Hàng Trống được nhóm S-River khai thác, phát triển trong dự án “Họa sắc Việt”, với nhiều họa tiết được sử dụng trong thiết kế thời trang, bao bì sản phẩm, trang trí gia dụng… Nghệ sĩ trẻ Xuân Lam “vẽ lại” tranh dân gian theo cách nhìn của người trẻ, với những chất liệu hiện đại. Lý do nhiều nghệ sĩ, nhà thiết kế tìm cảm hứng từ tranh dân gian, là bởi họ nhận thấy một kho chất liệu nghệ thuật, một tiềm năng tưởng như vô hạn về đồ họa và hình họa được tích lũy qua nhiều đời. Kết hợp với những sáng tạo nghệ thuật, những chất liệu truyền thống hay hiện đại, các nghệ sĩ, nhà thiết kế có những tác phẩm, mẫu thiết kế mang cá tính riêng, đồng thời mang đậm bản sắc Việt, tạo ra sức sống mới cho di sản văn hóa Việt.

“Từ truyền thống đến truyền thống” một lần nữa cho thấy tiềm năng vô giá của mỹ thuật dân gian nếu biết cách khai thác, phát huy một cách hợp lý. Cuộc trưng bày lần này, theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, là dịp để cổ vũ và tôn vinh những sinh viên, những nghệ sĩ trẻ quan tâm đến các giá trị di sản văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa để đưa vào thực hành nghệ thuật. Đây cũng là một cách bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản một cách sáng tạo hơn.