Cồn Cóc ngóng lũ

Đã sang tháng chín Âm lịch, đáng lẽ con nước đã phân đồng. Vậy nhưng, ông Tư Hương cứ ngóng hoài vẫn chưa thấy nước lên mấp mé bờ đê. Vậy là lại một mùa lũ nữa chẳng về! Lão nông gắn chặt cuộc đời mình với con nước miền Tây ấy cứ khắc khoải nhớ về những ngày giăng cá đồng xa, những ngày trắng đêm làm lợp cá đồng. Chuyện ngóng lũ ở cồn Cóc - An Giang trong tôi thành ra day dứt mãi!

Mùa nước lũ năm nào còn in trong tâm tưởng người dân xứ cồn.
Mùa nước lũ năm nào còn in trong tâm tưởng người dân xứ cồn.

1 Đã nhiều năm, tôi mới trở lại cồn Cóc, cái cồn nhỏ nằm chơ vơ giữa dòng sông Hậu, ngay đầu nguồn con nước Cửu Long về đất An Giang. Đây được xem là một trong những cồn nổi đón nước lũ đầu tiên. Cồn Cóc còn là một trong những làng nghề ăn theo con nước: làm lợp cá, tôm, cua… nức tiếng cả vùng.

Nhớ dạo 2005 trở về trước, tôi về cồn Cóc thời điểm chỉ mới tầm khoảng cuối tháng 5 Âm lịch. Nước đã đụng sàn nhà. Bà con ngồi vót nan tre làm lợp mà cá cứ quẫy tung tăng ngay bên dưới. Nước tràn bờ, nước ngập bờ tre, nước san phẳng ruộng, bao la là nước. Di chuyển từ nhà này sang nhà khác, chỉ phương tiện duy nhất là chiếc xuồng.

Ấy vậy mà gặp ai nấy đều hớn hở ra mặt vì “con nước càng lớn, cá tôm càng nhiều và làng lợp cũng khấm khá. Phụ nữ vót tre làm lợp, đàn ông trai tráng đánh cá đồng xa. Bà con cồn Cóc miệt mài tăng thu cùng con nước lũ”. Khi ấy, từ sáng tinh mơ đến màn đêm tối mịt, dù mênh mông là nước, nhà nhà vẫn sáng đèn vót nan, bán lợp. Ghe ăn hàng lợp luôn đông nghịt. Nghề lợp đã chiếm hơn 50% tổng hộ gia đình toàn ấp. Cồn Cóc hình thành đến hai tổ hợp tác sản xuất lợp tre với 51/130 hộ toàn cồn chuyên nghề làm lợp, số lượng hộ nhận gia công thì gần như toàn ấp. Mỗi gia đình làm ra từ vài nghìn đến hàng chục thiên (nghìn chiếc) lợp vẫn không đủ nguồn cung cho bà con nghề cá trong ngoài tỉnh lẫn nước bạn Cam-pu-chia. Thu nhập với nghề cũng đến hàng trăm triệu đồng/hộ. Cồn Cóc chẳng mấy chốc khấm khá nhất xã Phước Hưng (huyện An Phú, An Giang).

Về cồn Cóc giờ đây không còn phải qua đò ngang, mà đã có chiếc cầu dây văng nối Phước Hưng với Vĩnh Lộc. Mà cũng chẳng cần cầu. Nước không về, nên tuyến đường quanh cồn xe gắn máy chạy bon bon.

Đồng chí Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hưng tư lự: “Cồn Cóc đã hai năm nay trắng nhà làm lợp. Hai tổ hợp tác cũng đã tự giải tán mấy năm rồi. Lũ không về, tôm cá chẳng còn, ai đâu mà mua lợp nữa. Dẫn anh em qua đây giờ càng buồn hơn”. Cồn Cóc khô rang, bãi cạn ven sông vẫn đang kỳ thu hoạch bắp, củ sắn, đậu que. Con đường tráng xi-măng len lỏi qua những ruộng rẫy ấy dẫn chúng tôi đi từ đầu cồn đến đuôi cồn mượt mà một mầu xanh. Những mái nhà im thin thít, cửa đóng then cài. Song, ruộng rẫy xanh um mà bà con vui ít lo nhiều. Vui vì có thể làm ruộng rẫy quanh năm, khi nước chẳng tràn đồng. Nhưng lại buồn hơn, vì nước không về đất không được tắm phù sa. Đất lại bạc màu cằn cỗi, sâu bệnh ngày một tăng, mà chất lượng nông sản thì không bảo đảm.

Cồn Cóc ngóng lũ ảnh 1

Chiếc lợp tre khiến ông Tư Hương nhớ về làng nghề, về những đêm đặt lợp cá xôn xao mùa nước nổi.

2 Ghé thăm nhà lão nông Nguyễn Minh Hương, một trong những gương mặt cố cựu đất cồn Cóc, cũng là người đi đầu trong việc thành lập tổ hợp tác nghề lợp. Bàn đá nhỏ mát rượi dưới bóng phủ của những rặng tre. Tre cồn Cóc ngày một nhiều. Nó xanh, tươi tốt và rậm rạp, bởi có ai chặt đốn để vót nan lợp đâu mà hết? Tre từ đầu làng ra sau bếp, tre từng bụi, từng hàng nhiều vô kể. “Đốn nhiều lắm rồi đó chú. Bà con đốn bỏ đốt bụi luôn vì tre đâu còn làm gì được nữa. Rồi cây tre lụi tàn dần như cái nghề lợp xứ này thôi” - đôi mắt nhìn mông lung, ông Tư Hương nói bâng quơ.

Ngôi nhà sàn của ông Tư Hương để đầy những bó nan tre, rẻ lợp, vành uốn... cùng hàng nghìn cái lợp, lưới cá. Ông bảo: “Hai ba năm rồi có xài đâu. Nước nôi hổng có, nên bán buôn lợp liếc được gì. Còn mình đi đặt cá thì cũng chẳng có con nào mà mất công, tốn sức. Bỏ thì tiếc, để chật nhà. Không xài riết hư hết, chắc cũng phải đốt bỏ thôi chú ạ! Còn cái xuồng kia, mua năm 2013 mà tới giờ chỉ mới xài được hai mùa, bây giờ úp đó cũng mục luôn rồi. Nước nôi gì kỳ cục quá, tháng chín tới nơi, đúng ra nước đã phân đồng từ lâu rồi, vậy mà giờ không có nên bà con nghề cá như tụi tui càng thêm khốn khó”. Cũng may, nhà ông Tư Hương dẫu không còn làm nghề đan lợp nhưng vẫn còn mấy công đất rẫy trồng bắp, nên cũng lay lắt qua ngày.

Đã quá trưa, ông Tư Hương cùng vợ lục đục ăn vội bữa cơm trưa với vài con cá hủn hỉn (các loại cá tạp nhỏ) cùng vài cọng rau muống đồng hái bờ rẫy sau nhà. Từ đầu mùa nước đến giờ, nhà ông có được đồng ra, đồng vô là bao, khi mà những nguồn sinh kế chính là làm lợp bắt cá, đặt lờ, giăng lưới không còn. Ông cũng như hàng trăm nông dân khác vùng cồn Cóc cứ mãi ngóng trông theo chiều con nước. Nước lũ chẳng về đồng nghĩa với cuộc sống ngày một khó khăn. Con cháu ông cũng đã lũ lượt kéo đi Bình Dương, Đồng Nai về các khu công nghiệp mưu sinh. Ông bà tuổi đã cao, sức cũng yếu, “nên đành thôi ở nhà giữ cháu”! Cũng như gia đình ông Tư Hương, nhiều hộ khác thanh niên trai tráng đã dắt díu nhau tha hương. Thấy khách xa đến, ông Nguyễn Văn Tòng, trên đường đi “rước” hai đứa cháu ngoại học tiểu học tạt sang chuyện cùng: “Mình già rồi nên ở nhà giữ cháu cho sắp nhỏ đi Bình Dương kiếm sống. Nhà có đất như ông Tư Hương vầy mà hai đứa con cũng đi khu công nghiệp rồi, huống hồ nhà tui đâu có đất ruộng rẫy gì”. Nhà ông có ba người con thì cả thảy đều đi làm ăn xa, cả con lẫn dâu rể. Theo đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Minh Trí, thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng mùa nước nổi năm nay, cồn Cóc có đến khoảng 40% lao động trong độ tuổi đã đi các khu công nghiệp có đăng ký, con số thực tế chắc chắn cao hơn.

3 Nắng dần buông. Cồn Cóc tĩnh lặng, con nước sông Hậu vẫn lững lờ. Theo đúng chu kỳ, giờ đã vào đỉnh lũ hằng năm, vậy mà con nước vẫn chưa thèm đổ. Hàng trăm hội thảo khoa học về chuyện biến đổi khí hậu, hàng chục nghiên cứu về tác hại của đập thủy điện đầu nguồn, rồi nghiên cứu cải thiện sinh kế cho người dân... cứ liên tục diễn ra.

Còn với những người nông dân nghèo gắn cuộc đời cùng con nước lũ như ông Tư Hương, ông Tòng, bà con đất cồn Cóc hay cả vùng sông nước miền Tây thì đơn giản lắm: Nước không về thì những làng nghề ăn theo con nước cũng mất, con cá chẳng chạy đồng và cuộc sống khó khăn hơn.

Ai gọi được nước lũ về giùm họ? Hay dễ dàng hơn, ai có thể sớm chỉ được cho một con đường khác, ngoài việc âm thầm bỏ xứ, bỏ nghề, bỏ đồng khô cỏ cháy… tìm đường mưu sinh?