Cơ hội được “hòa nhập” cho trẻ tự kỷ

Vẫn đang tồn tại những định kiến khiến cho cơ hội được đến trường, được học nghề và có việc làm của những em mắc tự kỷ còn hết sức khó khăn. Chúng ta hưởng ứng ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ 2-4, nhờ đó xã hội đã có sự quan tâm hơn đến nhóm trẻ này. Nhưng chỉ như vậy chưa đủ để tương lai mỉm cười với các em.

Dạy nghề cho trẻ em tự kỷ ở Trung tâm Sao Mai.
Dạy nghề cho trẻ em tự kỷ ở Trung tâm Sao Mai.

Chuyện của Bo

Trước ngày 2-4, ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ đúng một ngày, một câu chuyện về hành trình được đi học của Ðức Anh (8 tuổi) - tên thân mật là Bo, với cái kết có hậu khiến cộng đồng mạng xúc động.

Mọi chuyện bắt đầu được chú ý khi chị Ðỗ Minh Hiền lên mạng tìm trường cho cậu con trai tự kỷ sau khi cánh cửa của cả chục trường đã không mở ra với Bo. Thông điệp chị gửi đi tràn đầy hy vọng, với lời đề nghị các trường hãy cho Bo cơ hội đi học vì “mẹ Bo sẵn sàng cống hiến hết tất cả những kiến thức, kinh nghiệm có được cho nhà trường hoàn toàn miễn phí” và “Bo dễ thương, hay cười. 99% người gặp đều có cảm tình với Bo, 1% còn lại thì yêu thương”. Sự lan tỏa trên mạng đã giúp cho tâm nguyện của chị được đón nhận, Bo đã có cơ hội “được chấp nhận để hòa nhập”, được đến với một lớp học bình thường.

Sẽ có nhiều người thắc mắc, Bo đang học khá ổn ở trung tâm chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ, tại sao phải vất vả chuyển trường học? Và vì sao đã có quy định, các trường công lập tiếp nhận trẻ tự kỷ, vậy sao phải đi tìm? Trước mỗi câu hỏi, chị Hiền đều vui vẻ nói: “Không muốn bỏ lỡ bất cứ cơ hội được hòa nhập nào của con”. Ðiều chị mong muốn không phải một sự “miễn cưỡng chấp nhận” Bo từ phía nhà trường, thầy cô và các bạn cùng lớp. Quyết tâm là vậy, nhưng cũng nhiều bộn bề lo lắng lắm! Chị Hiền tâm sự: “Lo nhất là khi các bạn vây quanh Bo nhiều quá, lỡ đâu Bo sẽ có phản ứng, mà như vậy sẽ lại nên chuyện ngay. Chuyện hòa nhập ở trường không phải chỉ là của riêng Bo mà có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả cộng đồng trẻ tự kỷ”.

Ðức Anh được đi học mới chỉ là bước ban đầu, sau đấy còn là cả một quá trình gian nan, làm sao để các bạn trong lớp chấp nhận và hiểu cho “người bạn học đặc biệt” này, làm sao để con theo học được chương trình?

Trước ngày đi học chính thức, chị Hiền chuẩn bị từng tấm thiệp nhỏ gửi cho các bạn cùng lớp với nội dung: “Tớ tên là Ðức Anh, tớ cố gắng học nói mỗi ngày. Tớ rất thích được làm quen với các bạn. Các bạn giúp đỡ tớ nhé!”. Mỗi tấm thiệp đáng yêu như vậy giúp các bạn trong lớp hiểu được rằng: Bo cần được giúp đỡ. Sau khi đọc những tấm thiệp các bạn đều rất vui vẻ nhiệt tình chơi với Bo. Các cô giáo cũng để ý đến Bo nhiều hơn, cập nhật liên tục tình hình ở lớp cho chị Hiền. Chỉ mới đi học được chưa đầy một tháng thế nhưng những tín hiệu đáng mừng ấy đủ để làm chị Hiền, cũng như tất cả các gia đình có con tự kỷ hy vọng thật nhiều vào một tương lai con cái mình được “hòa nhập thật sự” trong môi trường giáo dục bình thường.

Những câu hỏi khó

Giám đốc Trung tâm Sao Mai - BS Ðỗ Thúy Lan, khi nói đến hai chữ “hòa nhập” lại có trăn trở khác với chị Hiền. Vì không phải gia đình nào ở Việt Nam hiện nay cũng đưa con đi khám phát hiện tự kỷ kịp thời, nên việc bỏ qua thời điểm vàng càng lâu càng khiến khả năng để các em hòa nhập với cộng đồng càng thấp. Bác sĩ Lan chia sẻ: “Tự kỷ ngày trước bị mọi người gộp chung thành bệnh tâm thần, cho nên nhiều nhà không muốn đưa con đi khám và cũng không biết phải ứng xử thế nào. Mãi đến những năm gần đây khi được truyền thông nhắc đến nhiều thì mọi người mới nhận biết dấu hiệu và đưa con đi khám”. Thế nhưng, giai đoạn quá độ hiện nay, vẫn tồn tại tình trạng “trẻ nhỏ tới ít, trẻ lớn tới nhiều” vẫn tiếp diễn. Với các bạn lớn khoảng từ 15 đến 20 tuổi, học lớp tiền hòa nhập học đường là đòi hỏi quá cao, các em chỉ có thể học các lớp kỹ năng sống, dạy nghề, tiền dạy nghề, tăng cường khả năng độc lập, tự chăm lo cho bản thân là chủ yếu. Sau khi học trên lớp, Trung tâm Sao Mai với sự hỗ trợ từ CLB Phụ nữ Quốc tế mở ra tiệm bánh cà-phê Sao Mai, để các em có nơi thực hành những kỹ năng học được. Không thể đòi hỏi 100% các em làm được tất cả các công đoạn khi làm bánh, mỗi em làm một bước, em đánh trứng, em nhào bột, bạn quét nhà, phục vụ,… Thông qua những hoạt động nhỏ như vậy, các bạn sẽ tự tin hơn, khi về nhà cũng phụ giúp được gia đình, khi gặp người lạ cũng vui vẻ trò chuyện.

Năm nay đã ngoài 70, thế nhưng bà Lan, sau khi nhìn thấy hiệu quả của tiệm bánh cà-phê Sao Mai vẫn đau đáu tâm nguyện - Làm sao để các bạn tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ có môi trường hòa nhập tốt hơn, rộng hơn, được làm những việc phù hợp với khả năng? “Khi ra nước ngoài tập huấn, nhìn người ta tạo việc làm cho các bạn tự kỷ mà thật thèm lắm. Ðến khi thăm những nhà máy ở Việt Nam, chỉ muốn xin người ta các em học sinh tự kỷ được tham gia công đoạn đóng gói sản phẩm, mà không được. Ðiều đó cũng dễ hiểu thôi, vì doanh nghiệp còn phải bảo đảm tiến độ, chất lượng cho sản phẩm. Thế nhưng, phần công việc này, các bạn tự kỷ sau khi được học tiền dạy nghề có thể làm được. Tôi chỉ không biết nói làm sao cho người ta tin tưởng giao việc cho các em mà thôi”, bà Lan chia sẻ.

Ðược làm việc, được tạo ra thành quả lao động cũng là một cách để chứng minh khả năng hòa nhập của các bạn tự kỷ với cộng đồng. Hiện nay, thông qua sự phát triển của mạng lưới doanh nghiệp xã hội, cơ hội việc làm cho trẻ tự kỷ nói riêng đang ngày một rộng mở hơn. Thế nhưng, chúng ta có được bao nhiêu trung tâm chuyên biệt ở Việt Nam hoạt động hiệu quả như Trung tâm Sao Mai? Liệu có phải gia đình có con là trẻ tự kỷ nào cũng có điều kiện vật chất lẫn kiến thức như chị Hiền để tìm kiếm cơ hội hòa nhập cho con em mình? Liệu có bao nhiêu trường học sẵn sàng tiếp nhập học sinh tự kỷ một cách cởi mở như trường của Bo?

Vì câu trả lời cho những câu hỏi trên là những con số còn hết sức khiêm tốn, vậy nên vẫn cần lắm sự chung sức của chính sách, của cả cộng đồng để tạo dựng được nền tảng cho một tương lai có quyền đi học, quyền có việc làm, quyền được hòa nhập đúng nghĩa của trẻ em mắc hội chứng tự kỷ nói riêng, trẻ khuyết tật trí tuệ nói chung.