“Cơ hội” bất đắc dĩ

Giãn cách xã hội là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19, tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà xã hội học, tình trạng này có thể khiến phụ nữ và trẻ em đối diện với nhiều nguy cơ hơn về bạo lực gia đình. Nhận diện thực tế và tìm hướng hỗ trợ là vấn đề cần được quan tâm, lúc này.

Các thành viên gia đình cùng chia sẻ việc nhà trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19.
Các thành viên gia đình cùng chia sẻ việc nhà trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19.

Mối đe dọa thường trực và đáng sợ

Theo bà Marcy Hersch - quản lý cấp cao của Women Deliver (Tổ chức Vận động gây quỹ toàn cầu ủng hộ quyền phụ nữ và trẻ em) cho rằng: “Mối đe dọa gia tăng đối với phụ nữ và trẻ em là “tác dụng phụ” có thể dự đoán được của lệnh phong tỏa, hay lệnh cách ly. Tỷ lệ bạo lực thì gia tăng, khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ thì suy giảm. Đây là một thử thách thật sự!”.

Bà Nguyễn Vân Anh - Người sáng lập, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết: “Một, hai ngày đầu, mỗi gia đình còn bận rộn với việc tích trữ lương thực, thực phẩm, nhưng chỉ cần đến ngày thứ ba thôi, khi việc ở nhà không còn là tận hưởng kỳ nghỉ mà là lệnh bắt buộc, số cuộc gọi cầu cứu dần tăng lên!”.

Trong số những cuộc gọi ấy, có một nạn nhân đã nói thế này: “Ra đường thì sợ Covid, về nhà thì sợ chồng. Thậm chí bị nhiễm Covid chưa chắc đã chết, còn bị chồng đánh chắc chắn sẽ đau, tệ hơn có khi chết”.

Đáng nói hơn cả là không chỉ phụ nữ, trong bối cảnh không được đến trường, ở trong nhà và rất ít khi tiếp xúc với người khác, đối với một số nhóm trẻ em, điều này làm tăng nguy cơ xâm hại và bạo lực nếu không có sự can thiệp kịp thời. Người lớn không thể đi làm, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng, cha mẹ thiếu kỹ năng học và chơi với trẻ nhỏ, trẻ con thì hiếu động, lại bị hạn chế hoạt động,… tất cả những điều ấy đều là nguyên nhân gây nên nguy hiểm ngay tại gia đình cho trẻ em. Lại thêm yếu tố cách ly xã hội, mỗi gia đình đều hạn chế tiếp xúc, nên vô tình đã tạo thêm một bức tường ngăn cách trẻ em tìm tới nơi giúp đỡ khi chúng cần.

Giải pháp giảm “tác dụng phụ”

Đối diện với thử thách này, các tổ chức hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực tại Việt Nam vẫn đang nỗ lực hết mình.

Riêng CSAGA đang nhanh chóng hoàn thiện bộ Tư liệu hướng dẫn phòng, chống bạo lực Giới trong thời gian có lệnh cách ly, dành cho cán bộ phường/xã. Đồng thời, họ cũng tư vấn những giải pháp tự bảo vệ bản thân cho các nạn nhân của bạo lực. Thí dụ như: để hé cửa, không cài chốt cửa nhưng không để cho người gây bạo lực biết. Hoặc đặt mật hiệu với những người có thể tin tưởng (“ship hàng ngay lập tức cho em nhé” tương đương với, “đến giúp em ngay nhé”).

Nhưng cũng cần nhìn nhận là những giải pháp đó chỉ hiệu quả khi nạn nhân có ý thức về quyền của bản thân. Còn với trẻ em thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều, thậm chí Tổng đài 111 cũng sẽ không phát huy tác dụng khi các em chưa có khả năng sử dụng điện thoại.

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ Trẻ em, UNICEF Việt Nam, cho rằng, đối với công tác bảo vệ trẻ em: Trước hết phải đầu tư vào nguồn nhân lực bảo vệ trẻ em. Đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em được đào tạo bài bản là những người có khả năng xác định và đánh giá kịp thời nhu cầu của trẻ có nguy cơ bị bạo lực, hỗ trợ trẻ và gia đình của các em được tiếp cận với các dịch vụ cần thiết. Các cán bộ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp có thể hợp tác với những người có chuyên môn liên quan như giáo viên, nhân viên y tế, cảnh sát để bảo đảm rằng trẻ em được chăm sóc tốt và an toàn cũng như tiếp tục theo dõi tình hình của các em.

Nâng cao nhận thức và tăng cường tố cáo của người dân về bạo lực trẻ em cũng rất quan trọng. Cuối cùng, nhưng có lẽ lại là phương pháp quan trọng nhất, hiệu quả nhất trong những ngày nghỉ không phải đi làm như thế này, chính là việc tăng cường kỹ năng làm cha mẹ, tạo cơ hội gắn kết gia đình. Trên mạng xã hội hiện nay, các bậc cha mẹ có thể dễ dàng tìm được những tài liệu, kinh nghiệm thú vị trong việc làm bạn với con cái. Thông qua đó người lớn sẽ hiểu hơn về tâm lý, sự phát triển của trẻ em, và tìm được phương pháp dạy con đúng cách mà không cần dùng đến roi vọt.

Thời gian cách ly xã hội này trẻ em cũng không thể tới trường, nên cũng là cơ hội cha mẹ có thể trang bị thêm cho con cái các kỹ năng sống cần thiết. Thí dụ như ở nhà trẻ em có thể tham gia dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cùng cha mẹ, vừa bớt thời gian trẻ em tiếp xúc với điện thoại, ti-vi, vừa để các em tự lập hơn.