Lấy lại vỉa hè:

Chuyện cũ cần giải pháp mới

Dư luận đang rất quan tâm đến chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, thiết lập trật tự đô thị của cơ quan chức năng quận 1 (TP Hồ Chí Minh). Những biện pháp mạnh, không có “vùng cấm” và chấp nhận động chạm, thể hiện một quyết tâm lớn và một chủ trương đúng đã tạo được sự đồng thuận của nhiều người dân. Vậy nhưng, đây không phải lần đầu câu chuyện quản lý vỉa hè được đặt ra đối với các đô thị lớn, song hiệu quả lâu dài vẫn là dấu hỏi còn bỏ ngỏ. Phải chăng, đã đến lúc cần những biện pháp quyết liệt hơn nữa?

Đợt ra quân mới nhất để lập lại trật tự vỉa hè tại Hà Nội, chiều 27-2.
Đợt ra quân mới nhất để lập lại trật tự vỉa hè tại Hà Nội, chiều 27-2.

Chấp nhận trả giá

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề này đáng lẽ phải được thực hiện trước ở Hà Nội để làm gương, và phải được thực hiện đồng bộ từ lâu, hướng đến phát triển đô thị văn minh. Song, bao năm qua, vỉa hè, lòng đường vẫn bị lấn chiếm vô tội vạ.

Điều đáng nói, Hà Nội đã trải qua ba năm triển khai “Năm trật tự văn minh đô thị” và đang bước vào những tháng đầu của năm thứ tư. Dù đã cố gắng nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. Sau những đợt “ra quân” rầm rộ, tình trạng lấn chiếm lại tái diễn.

Trước câu hỏi vì sao không xử lý dứt điểm được tình trạng này, đa số ý kiến cơ quan quản lý, lãnh đạo các quận cho rằng: Do áp lực dân số tăng, diện tích đất đai chật hẹp không còn chỗ để bố trí điểm đỗ xe, lực lượng xử lý mỏng, ý thức người dân chưa cao. Còn Đại tá Nguyễn Đức Bình, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, chỉ ra: “Cũng là vỉa hè nhưng có phường thì cho đỗ ô-tô, phường cho đỗ xe máy, phường khác lại cấm triệt để, do đó tạo ra sự không công bằng. Một điều khác, khi có phường đứng ra tổ chức dịch vụ, kinh doanh, coi vỉa hè là nguồn thu của phường thì chuyện lấn chiếm là đương nhiên, và sẽ mâu thuẫn với việc tổ chức giao thông của Sở Giao thông vận tải Hà Nội”.

Xét đến sự bức thiết của việc “lấy lại” vỉa hè ở Hà Nội, TS Vũ Anh Tuấn, giảng viên kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải (Trường ĐH Việt - Đức TP Hồ Chí Minh), phân tích: “Vỉa hè là không gian chung, là bộ mặt của thành phố. Việc lập lại trật tự, chống lấn chiếm dù ở đâu cũng cần phải làm và người dân phải ủng hộ chủ trương, nêu cao tính thượng tôn pháp luật. Ở Hà Nội, muốn phát động phong trào đi bộ của người dân thì phải lấy lại được vỉa hè. Nếu lấy lại được và quản lý tốt, sẽ đạt được ba mục tiêu: Một là hạn chế được phương tiện cá nhân, hai là phát triển giao thông phi cơ giới, ba là không phải đầu tư quá nhiều tiền để cải thiện cơ sở hạ tầng”.

Đồng quan điểm ấy, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, tất cả các đô thị trên thế giới đều đi từ lộn xộn, tùy tiện đến ngăn nắp. Con đường ấy được trả giá bằng mồ hôi, công sức, bởi sẽ động đến lợi ích của nhiều người. Thủ đô Hà Nội cũng vậy, phải chấp nhận sự quyết liệt đó để tiến đến đô thị văn minh.

Cần những giải pháp mới

Suốt nhiều năm, dễ dàng nhận thấy các biện pháp quản lý vỉa hè, lòng đường ở Hà Nội vẫn chủ yếu là giải quyết sự vụ, phong trào trong các đợt ra quân tháng cao điểm. Gần đây nhất, chiều 27-2-2017, lực lượng công an quận Hoàn Kiếm đã kết hợp với công an các phường ra quân xử lý các hành vi vi phạm, lấn chiếm vỉa hè, nhưng cũng không có gì chắc chắn là những vi phạm lại không tiếp tục tái diễn, khi lực lượng chức năng đi khỏi. Ngay như trong hơn một tháng quận 1 (TP Hồ Chí Minh) “ra tay”, có ý kiến chuyên gia cho rằng đó vẫn là biện pháp xử lý phần ngọn, song cũng cho thấy những hiệu quả nhất định. Muốn bền vững cần phải xử lý từ gốc, là siết chặt quản lý lòng đường, hè phố bằng các biện pháp quy hoạch, quy định và tuyên truyền để người dân hiểu, quy trách nhiệm cao cho các phường, xã như nhiều nước trên thế giới đã làm.

Đề xuất giải pháp, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, Hà Nội đã và đang thận trọng tìm các giải pháp, song, sắp tới đây cần phải làm quyết liệt hơn. Người dân cần phải tuân thủ, trả lại không gian công cộng phục vụ cho mục tiêu văn minh đô thị. “Các cơ quan công quyền cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành, những bức tường, bốt điện, bậc thang, hàng quán… vô duyên phải được xử lý. Các cấp phường, xã phải đồng cam cộng khổ với cấp quận để vào cuộc, không thực hiện theo kiểu đánh trống bỏ dùi”, KTS Trần Huy Ánh phân tích.

Liên quan đến những giải pháp lâu dài, người dân đang tán đồng chủ trương của UBND thành phố Hà Nội, khi đã đi đến thống nhất xây dựng ba dự án bãi đỗ xe ngầm ở Nhà thi đấu Quần Ngựa, Công viên Nhân Chính và Công viên Thống Nhất, mỗi dự án có năm tầng hầm. Cùng với đó, thành phố Hà Nội đang tính toán áp dụng công nghệ vào việc phát triển thành phố thông minh, giải quyết vấn đề của “siêu” đô thị; triển khai thu phí phương tiện vào nội đô; thí điểm thu phí trông giữ xe theo giờ tại quận Hoàn Kiếm vào tháng 3 và tháng 4-2017.