Chứng chỉ và thực học

Quy định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ đối với giáo viên của liên Bộ Giáo dục và  Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Nội vụ ngay lập tức nhận được sự đồng tình của xã hội. Trước đó, Bộ Nội vụ cũng đã chủ trương bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong việc thi xét tuyển công chức, viên chức. Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi ví von: Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cũng như bỏ tem phiếu thời bao cấp. 

Giáo viên sẽ sớm được giải tỏa áp lực về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.
Giáo viên sẽ sớm được giải tỏa áp lực về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.

Quyết định đúng đắn

Mới đây nhất là quyết định bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên được Bộ GD&ÐT và Bộ Nội vụ chính thức công bố. Nhiều giáo viên đã bày tỏ sự vui mừng vì những chứng chỉ này hết sức hình thức, mà không có hiệu quả thật sự trong thực tế. Sự hình thức đó đã làm khổ rất nhiều nhà giáo, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vì để đi học và có được chứng chỉ theo quy định là rất khó khăn.

Nhận xét về quy định này, ông Ðặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ÐT) cho rằng: Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên và Bộ GD&ÐT cũng nhận thấy yêu cầu cần có những chứng chỉ này chỉ mang tính hình thức. Thực tế là có rất nhiều giáo viên cảm thấy vất vả và áp lực với việc hoàn thiện chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Ðôi khi các chứng chỉ này còn gây cho giáo viên nhiều phiền nhiễu, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chuyên môn trong các nhà trường, tạo ra một số kẽ hở như giáo viên không học và thi thật mà sở hữu chứng chỉ bằng cách "chạy chọt" tiêu cực.

Vẫn biết ngoại ngữ, tin học là những kỹ năng cần thiết, tuy nhiên, yêu cầu về chứng chỉ này chỉ làm phức tạp thêm các quy định, khiến lao động đối phó hơn là đáp ứng yêu cầu kỹ năng thực theo quy định. Ðược biết, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức. Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy tính và không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

Rà soát, thắt chặt thanh tra, kiểm tra năng lực

Luật Viên chức sửa đổi ban hành, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã tham mưu, xây dựng một chùm thông tư nhằm sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định mã số tiêu chuẩn chức danh, nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông (Thông tư 20, 21, 22, 23). Theo đó, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên trong các thông tư này sẽ được gỡ bỏ. Tại Công văn số 4853 ngày 16-9 và Công văn số 5646 ngày 27-10-2020, Bộ Nội vụ đã thống nhất với ý kiến của Bộ GD&ÐT, đồng ý với phương án không quy định giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên.

Nhận định về quyết định này của Bộ GD&ÐT và Bộ Nội vụ, Ðại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Quy định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ tin học đối với giáo viên và công chức, viên chức là điều hoàn toàn đúng. Việc này cũng như quyết định bỏ sổ gạo thời bao cấp. Thực tế là những chứng chỉ này hoàn toàn không cần thiết, chỉ mang tính hình thức. Người lao động khi đi xin việc đã có bằng cấp chuyên môn, bên sử dụng lao động tuyển dụng họ theo đúng yêu cầu về chức danh nghề nghiệp phù hợp theo đúng quy định. Còn với những đơn vị tuyển dụng có yêu cầu riêng về ngoại ngữ, tin học, họ sẽ có những hình thức xét tuyển mang tính đặc thù riêng theo yêu cầu công việc. Bỏ các quy định này là cần thiết, không thể đưa và quy định cứng về yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, văn bằng, chứng chỉ là cơ sở chứng minh năng lực, trình độ của một cá nhân. Việc cấp văn bằng, chứng chỉ phải qua quá trình đào tạo tại các cơ sở được phép của Bộ GD&ÐT. Vấn đề là cần thắt chặt thanh tra, kiểm tra năng lực, điều kiện tại các trường đại học, cơ sở giáo dục, đào tạo để bảo đảm việc học và thi, cấp bằng được thực chất. Khi đó, các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học có giá trị và phản ánh đúng thực tế trình độ người học. Ðồng thời, cần có sự rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để quy định trường hợp nào thì sử dụng văn bằng, chứng chỉ, trường hợp nào hủy bỏ.