Chuẩn bị tốt các phương án cho “hộ chiếu vắc-xin”

Nhiều kỳ vọng được đặt vào “hộ chiếu vắc-xin”, coi đây như là một giải pháp để thế giới sống chung với đại dịch Covid-19, cũng như giúp mở cửa lại ngành du lịch và giao thương quốc tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhìn nhận, vấn đề này vẫn cần phải có những bước đi thận trọng, trong đó phải đặt sự an toàn trước dịch bệnh lên trên hết.

Các tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 tại Học viện Quân y. Ảnh: THÁI SƠN
Các tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 tại Học viện Quân y. Ảnh: THÁI SƠN

Vẫn cần làm chặt khâu cách ly

Trong số những trường hợp người nhập cảnh về Việt Nam gần đây, đã có người có “hộ chiếu vắc-xin” (tức là đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19). Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, những trường hợp này vẫn phải tuân thủ cách ly 14 ngày và hai lần làm xét nghiệm như bình thường.

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), đến thời điểm này Việt Nam chưa có thay đổi trong các biện pháp phòng, chống dịch cũng như cách ly người nhập cảnh có “hộ chiếu vắc-xin”. Từ trước đến nay, với các bệnh truyền nhiễm, việc có vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống bệnh. Có nhiều nước cũng đã áp dụng việc chứng nhận tiêm vắc-xin khi đi lại, như với dịch tả, dịch hạch, bệnh sốt vàng (chỉ lưu hành ở châu Phi)… “Tương tự với vắc-xin phòng Covid-19, việc có “hộ chiếu vắc-xin” cũng có những điểm lợi. Đó là một người được tiêm vắc-xin, nếu thật sự có miễn dịch thì khi sang nước khác không bị lây bệnh và cũng không làm lây truyền bệnh. Như vậy, sẽ giải tỏa được khó khăn cho ngành du lịch, hàng không, giao thông, phát triển kinh tế…”, ông Phu nhấn mạnh.

Tuy vậy, PGS, TS Trần Đắc Phu vẫn lưu ý đến các rủi ro. Chẳng hạn, SARS-CoV-2 biến đổi liên tục nên vắc-xin có thể ít hiệu quả với các biến chủng mới. Đó là chưa kể, không loại trừ trường hợp có thể có đối tượng làm “hộ chiếu vắc-xin” giả để dễ dàng nhập cảnh nước khác. Do đó, mỗi quốc gia căn cứ vào đánh giá rủi ro, lợi ích, hợp tác giữa các bên… để có thể có hình thức áp dụng phù hợp, như có thể kết hợp “hộ chiếu vắc-xin” với xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính để giảm thời gian cách ly.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh đề xuất, việc gỡ bỏ cách ly đối với người có “hộ chiếu vắc-xin” chỉ nên xảy ra khi bảo đảm cộng đồng đã được an toàn. Mặt khác, Việt Nam vừa mới triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 với tỷ lệ nhỏ, phần lớn cộng đồng chưa có miễn dịch với SARS-CoV-2, nên nếu để nguồn bệnh lọt ra ngoài cộng đồng thì khả năng dịch bệnh lây lan nhanh và rất rộng. “Việc gỡ bỏ cách ly với người có “hộ chiếu vắc-xin” chỉ nên được tính tới khi cả hai nước giao thương đều có độ bao phủ tiêm vắc-xin cao. Khi đó, người về từ vùng có độ bao phủ tiêm chủng sẽ ít nguy cơ mắc bệnh hơn và điểm đến có tỷ lệ người được chích ngừa cao cũng được an toàn”, bác sĩ Khanh nói.

Tiếp cận theo hướng thận trọng

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, thông tin tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 của công dân Việt Nam được lưu giữ trong hồ sơ sức khỏe toàn dân, quản lý bằng QR code, được coi là “hộ chiếu vắc-xin” liên thông quốc tế. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 mới đây đã đề nghị Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT… hoàn thiện, sẵn sàng giải pháp và hệ thống kỹ thuật vào khoảng tháng 4 tới, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho triển khai “hộ chiếu vắc-xin” trong tương lai. Ban Chỉ đạo yêu cầu, căn cứ vào đánh giá mức độ an toàn của từng loại vắc-xin phòng Covid-19, ở từng nước để có chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ mục tiêu phòng, chống dịch và phát triển kinh tế trong nước.

Mở cửa, thông thương quốc tế là mong muốn của tất cả người dân, không riêng gì doanh nghiệp hay ngành du lịch. Song, như ý kiến của TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, thì “hộ chiếu vắc-xin” chỉ phát huy hiệu quả nếu bảo đảm được các yếu tố sau: Trước hết, dịch bệnh đã được kiểm soát ở mức độ gần như toàn cầu, giảm tối đa rủi ro. Tiếp đến, hệ thống xét nghiệm của Việt Nam với các nước, cụ thể là các thị trường chính phải đồng bộ để bảo đảm du khách, người nhập cảnh khi đã được xét nghiệm bên nước sở tại, vào Việt Nam có thể yên tâm. Nếu không đồng bộ thì vẫn có nguy cơ lọt nguồn lây nhiễm bệnh qua đường du lịch, nhập cảnh.

Theo một chuyên gia y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang xây dựng khuyến cáo và các nước sẽ thực hiện theo điều lệ y tế quốc tế. Khi số lượng người được tiêm vắc-xin nhiều hơn và có khuyến cáo chung, Việt Nam sẽ thực hiện theo khuyến cáo này. Tiếp cận theo hướng thận trọng, vị chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng cơ chế yêu cầu xét nghiệm bắt buộc với những người nhập cảnh, nghĩa là họ phải đáp ứng đủ hai điều kiện là có “hộ chiếu” (hoặc giấy chứng nhận) đã tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 và có kết quả xét nghiệm khẳng định âm tính trước và sau khi vào Việt Nam. Và những trường hợp này sẽ không phải cách ly y tế 14 ngày như hiện nay. “Kinh nghiệm ở một số quốc gia cho thấy “hộ chiếu vắc-xin” chỉ hiệu quả nếu nó đáp ứng được các tiêu chí như đạt mốc nhất định về miễn dịch, giải quyết được vấn đề hiệu quả khác nhau giữa các loại vắc-xin và hiệu quả của vắc-xin trước các biến thể vi-rút, được chuẩn hóa trên phạm vi toàn cầu, xác định được phạm vi áp dụng, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, đáp ứng được các tiêu chuẩn về đạo đức và pháp lý..., Như vậy, vẫn còn một chặng đường không ngắn để thế giới có thể tự do đi lại”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Trước mắt, “hộ chiếu vắc-xin” vẫn hữu ích trong một phạm vi nhỏ, giúp giải quyết các trường hợp cần kíp, vì một số nước đã nới lỏng yêu cầu với những người có “hộ chiếu” này.

Phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương ngày 17-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện tốt việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, hướng tới thực hiện tiêm chủng toàn dân; xem xét tiếp cận nguồn vắc-xin khác nhau, đánh giá kỹ mức độ an toàn vắc-xin, tiếp tục nghiên cứu phát triển vắc-xin trong nước để sớm đưa vào sử dụng, chậm nhất vào năm 2022; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” và giao thương có sự kiểm soát.