Chủ động trước mùa bão

Cùng với dự báo những đợt nắng nóng kỷ lục trong năm 2020, mùa bão năm nay có khả năng nhiều về số lượng, mạnh về cường độ và dồn dập vào cuối mùa. Thậm chí, siêu bão có thể trở lại.

Cắt tỉa cây xanh trên đường phố ứng phó với mùa mưa bão tại TP Hồ Chí Minh.
Cắt tỉa cây xanh trên đường phố ứng phó với mùa mưa bão tại TP Hồ Chí Minh.

Bão dồn dập vào cuối mùa

Theo ông Lê Thanh Hải, Thư ký Hội Khí tượng - Thủy văn: Một số cơ quan ở Mỹ, Nhật Bản, Phi-li-pin… dự báo mùa bão năm nay ở toàn bộ các khu vực ở bắc bán cầu đều nhiều hơn so với trung bình hằng năm. “Ngoài xuất hiện muộn, mùa bão năm nay đang trùng với thời kỳ ENSO trung tính nghiêng về pha lạnh và trước cuối năm có thể chuyển sang La Nina, nên bão có thể nhiều về số lượng, mạnh về cường độ và dồn dập vào cuối mùa, từ tháng 10 đến tháng 12”, ông Hải nhận định.

Ông Lê Thanh Hải cũng lưu ý, đối với bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, tức là vùng mắt bão hay vùng trung tâm áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền nước ta thường chiếm một nửa số lượng trên biển. Mùa bão năm nay, theo dự báo xa trong số khoảng năm - sáu cơn, thì bão mạnh là hai - ba cơn, rất mạnh một - hai cơn, hai - ba áp thấp nhiệt đới và cần phải đề phòng có thể có cả một cơn siêu bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển, quần đảo, đảo và đất liền. “Hai năm liên tiếp 2012 và 2013 trên Biển Đông đã xuất hiện siêu bão (cấp 15 trở lên), sau đấy ít gặp lại thì mùa bão năm nay cần đề phòng, cảnh giác cao với sự xuất hiện trở lại của siêu bão”, ông Hải cảnh báo.

Mặc dù vậy, ông Hải cho rằng, đây mới chỉ là những nhận định sơ bộ ban đầu, những dự báo xa đầu tiên, chúng ta cần phải cập nhật lại thường xuyên qua từng tháng, cần theo dõi liên tục từng ngày, từng giờ sự hình thành, phát triển, hoạt động của từng cơn bão hay áp thấp nhiệt đới và tác động hay ảnh hưởng của nó thì mới giảm được các thiệt hại.

Lên phương án ứng phó

Tại Việt Nam, năm 2019, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng, miền cả nước, với tổng thiệt hại về kinh tế hơn 7.000 tỷ đồng (đã giảm nhiều so thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2018, ước tính gần 20.000 tỷ đồng).

Năm nay, Tổng cục Khí tượng - thủy văn đưa ra cảnh báo, bão, mưa lớn có khả năng gây ra các thiên tai khác như lũ, lũ quét và sạt lở đất. Để góp phần giảm nhẹ tác hại của thiên tai, GS,TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Khí tượng - Thủy văn cho biết, từ cuối năm 2019 đến nay, Tổng cục đã tăng cường các dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn, các bản tin chuyên đề sát với tình hình thực tế, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu.

Với hai điểm đặc biệt lưu ý là số lượng xấp xỉ trung bình nhiều năm và các cơn bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam trong những tháng nửa cuối năm, TS Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhìn nhận, điều này tạo nên những bất lợi đối với công tác phòng, chống thiên tai, nhất là với các cơn bão dự báo đổ bộ vào Biển Đông, đặc biệt là phía nam, nơi chưa có nhiều kinh nghiệm chống mưa bão. “Những năm gần đây, việc thực hiện nhiều giải pháp cùng với chất lượng dự báo bão được nâng cao giúp giảm thiệt hại về người, tàu cá hoạt động trên biển. Tuy nhiên, thiệt hại trên đất liền vẫn còn rất lớn, trong đó chủ yếu là do lũ quét, sạt lở đất ở miền núi phía bắc; lũ, ngập lụt ở đồng bằng, ven biển, đặc biệt là duyên hải miền trung.

Do vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện các giải pháp ứng phó với các loại hình thiên tai này”, ông Hoài nhấn mạnh.

Ứng phó trước mưa bão, theo các chuyên gia, cần nâng cao năng lực, đặc biệt ứng dụng khoa học - công nghệ cho đội ngũ cán bộ phòng, chống thiên tai của các địa phương, không để tình trạng lúng túng khi bão đến. Bên cạnh đó, cần đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của các hệ thống đê điều tại các vùng ảnh hưởng. Tại các đô thị, để giảm thiệt hại từ nguy cơ do bão, cần xây dựng kế hoạch thực hiện cắt tỉa cây xanh trên các tuyến trọng điểm. Các đơn vị xây dựng kế hoạch ứng trực, sẵn sàng xử lý các sự cố đột xuất, giải tỏa cây gãy đổ, bảo đảm phân luồng giao thông sau mưa bão.

Chủ động, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, cấp quận, huyện tiến hành rà soát, bổ sung, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm sát với tình hình thực tế. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách các thôn bản, tổ dân phố thực hiện rà soát, lập danh sách các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, tuyên truyền, vận động các hộ di chuyển đến nơi an toàn khi có thiên tai xảy ra. Cùng với đó, các địa phương cần xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã trên toàn quốc theo Nghị quyết số 76/NQ-CP. Chủ động truyền thông trong cộng đồng nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai cho người dân, thực hiện trực ban 24/24 giờ kịp thời xử lý các tình huống theo phương châm “bốn tại chỗ” mà cha ông ta đã vận dụng.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, sẽ xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có năm - sáu cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam trong những tháng nửa cuối năm 2020.