Tuyển sinh đại học “thời Covid-19”

Chủ động trên thế bị động

Các trường đại học đang gặp khó khăn trong cả việc đào tạo và kỳ tuyển sinh năm học 2020-2021 tới bởi tác động của dịch Covid-19. Vấn đề là, trong khi một số trường đã chủ động kịp thời thay đổi phương án tuyển sinh phù hợp với điều kiện năm nay. Nhưng, bởi nhiều lý do, không ít trường còn thụ động, thậm chí phụ thuộc vào kế hoạch tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia dự kiến lùi sang trung tuần tháng 8.

Chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến tại Trường đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến tại Trường đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh.

Nhạy bén ứng phó

Trong số không nhiều trường đại học sớm công bố phương án tuyển sinh riêng, Trường đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội đã ra thông báo, ngoài xét tuyển dựa trên kết quả ba năm học trung học phổ thông (THPT) và xét tuyển thẳng, năm nay nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Điểm mới kỳ thi này là được thực hiện song song, độc lập với các phương thức còn lại. Theo đó, thí sinh (TS) là học sinh THPT trên toàn quốc sẽ dự vòng sơ tuyển vào trường căn cứ kết quả học tập bậc THPT; tiếp đó TS sẽ làm các bài thi bảo đảm phù hợp trình độ THPT cũng như phân loại, kiểm tra năng lực TS (dự kiến từ ngày 20 đến 26-7). PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lý giải, việc tổ chức kỳ thi sát hạch riêng nhằm bảo đảm cho trường chủ động trong công tác đào tạo và giảm tính phụ thuộc quá nhiều vào kỳ thi THPT Quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây cũng là bước đệm để những năm sau, trường tăng cường sự tự chủ trong hoạt động tuyển sinh theo luật định.

Với Trường ĐH FPT, thời gian qua, trường này đã triển khai phương thức tuyển sinh áp dụng với các TS tốt nghiệp THPT trước năm 2020 và cả các TS sẽ tốt nghiệp THPT năm 2020, có thể nộp hồ sơ xét tuyển trước ngày 1-4-2020. Do thời gian thi THPT Quốc gia năm nay sẽ được điều chỉnh muộn hơn nên nhà trường cũng có những thay đổi cho phù hợp. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT cho biết, trường luôn sẵn sàng các tình huống thích ứng. Năm nay FPT có thể xét tuyển dựa vào thứ hạng học sinh theo kết quả học THPT trên cả nước. Bênh cạnh đó, trường chấp nhận xét tuyển và đón học sinh vào học dưới dạng “sinh viên dự bị” trước, khi bổ sung kết quả tốt nghiệp THPT thì chuyển thành sinh viên chính thức.

Ở phía nam, theo kế hoạch, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh dự kiến được tổ chức ngày 31-5 (đợt 1) và ngày 9-8 (đợt 2). Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh tiếp tục nghỉ học nên kế hoạch thi sẽ được điều chỉnh lại. Bởi kỳ thi này có tới hơn 50 trường đại học, cao đẳng khu vực phía nam tham gia lấy kết quả kỳ thi để xét tuyển sinh nên phương thức tuyển sinh của các trường này cũng sẽ phải thay đổi theo. Đơn cử, Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã sớm đưa ra bốn phương thức dự kiến xét tuyển độc lập, gồm: xét tuyển học bạ; xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia 2020; xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2020 của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; kỳ thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Loay hoay “tự cởi trói”

Đến thời điểm này, việc thay đổi lịch trình tuyển sinh để phù hợp với lịch thi THPT Quốc gia (dự kiến từ ngày 8 đến 11-8) là cách mà phần lớn các cơ sở giáo dục ĐH lựa chọn. PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết: Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lùi lịch thi THPT Quốc gia lần thứ hai, nhà trường đã lên các phương án để chủ động thích ứng. Đầu tiên là việc tư vấn tuyển sinh được chuyển sang hình thức online. Với công tác tuyển sinh, do kỳ thi THPT Quốc gia được lùi sang tháng 8, thời gian kết thúc năm học sang 15-7, nên trường cũng sẽ điều chỉnh phương thức, kế hoạch tuyển sinh phù hợp, lùi tịnh tiến, để TS không gặp trở ngại trong việc đăng ký xét tuyển vào trường.

Có thể nói, Covid-19 đang cho thấy các trường vẫn đang chủ động trên thế bị động. Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 đã có hiệu lực từ gần một năm nay, cho phép các trường đại học tổ chức nhiều phương thức tuyển sinh nhằm chọn ra số lượng TS phù hợp với tiêu chí của từng trường. Các trường được tự xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định các điều kiện tuyển sinh và tham gia các nhóm tuyển sinh hoặc tuyển sinh độc lập. Thực tế cho thấy, việc tuyển sinh thời gian qua của không ít trường còn phụ thuộc nhiều vào kỳ thi THPT Quốc gia.

PGS, TS Lê Văn Thanh, một chuyên gia tuyển sinh, phân tích: Nhiều năm trước, các trường quen với việc xét tuyển từ kết quả thi ba chung, những năm gần đây là thi THPT Quốc gia và mới đây khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi, tăng quyền tự chủ cho các trường thì có thêm các phương thức tuyển sinh bằng học bạ và tổ chức thi riêng. Song, phần lớn các trường vẫn luôn chọn phương án an toàn, mong tuyển đủ chỉ tiêu, chứ thật sự chưa bứt ra khỏi những ràng buộc cũ, cho dù luật đã cho phép “tự cởi trói”.

Hoạt động tuyển sinh những năm qua đã phần nào cho thấy bức tranh đa sắc về phương thức tuyển sinh. Song, hầu hết các trường đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để tuyển sinh như một phương án vừa an toàn vừa tiết kiệm chi phí. Mặc dù có những ưu điểm nhất định nhưng kỳ thi THPT Quốc gia trước hết hướng tới mục tiêu công nhận tốt nghiệp cho học sinh sau 12 năm “đèn sách”; vì thế để lấy kết quả này phục vụ tuyển sinh đại học - các chuyên gia tuyển sinh cho rằng như thế “có phần khiên cưỡng”. Chưa kể, công tác tổ chức kỳ thi này thời gian gần đây đã cho thấy không ít bất cập, cả những tiêu cực nghiêm trọng.

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, từng cảnh báo, nếu các trường đại học chỉ dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để tuyển sinh thì sẽ không thể đứng thứ hạng cao. Nhận định này cũng xuất phát từ thực tế, nhìn từ các nước phát triển, những trường đại học lớn không tuyển sinh dựa vào kết quả thi phổ thông. Cú huých bất ngờ bởi đại dịch Covid-19, nếu nhìn theo chiều hướng tích cực, lại có thể là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học buộc phải chuyển mình, khẳng định năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng tuyển sinh cũng như đào tạo trước xã hội.

Bộ GD & ĐT vừa có văn bản trình Chính phủ hai phương án về kỳ thi THPT Quốc gia. Theo lãnh đạo Bộ, căn cứ các nội dung đã tinh giản ở học kỳ 2 khối 12, trường hợp học sinh sớm đi học trở lại (trước ngày 15-6), bảo đảm kết thúc năm học trước ngày 15-7 thì vẫn có thể tổ chức thi THPT Quốc gia dự kiến từ ngày 8 đến 11-8. Trường hợp dịch Covid-19 kéo dài, phức tạp, Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép không tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, giao các địa phương thực hiện nhiệm vụ xét tốt nghiệp, bảo đảm Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.