Chủ động thích nghi “trạng thái bình thường mới”

Liên tiếp trong nhiều ngày Việt Nam không có ca bệnh mới, tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài, do vậy không được lơ là, chủ quan. Để có thể chủ động thích nghi với “trạng thái bình thường mới”, mỗi ngành nghề cần có một bộ tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Người dân chọn mua lương thực, thực phẩm tại siêu thị Co.op Food, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Người dân chọn mua lương thực, thực phẩm tại siêu thị Co.op Food, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Cụ thể, chi tiết, linh hoạt

Theo Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, với 34 tiêu chí áp dụng cho các bệnh viện được phân công chuyên tiếp nhận, điều trị Covid-19 (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng thành phố, Nhi đồng 2, Nhi đồng 1, Nhân dân 115), 33 tiêu chí đối với các bệnh viện có khu cách ly điều trị, 26 tiêu chí với các bệnh viện chuyên khoa lẻ, bệnh viện tư nhân chưa đăng ký tham gia tiếp nhận người bệnh nghi nhiễm Covid-19, 24 tiêu chí đối với phòng khám đa khoa, trạm y tế và 19 tiêu chí đối với phòng khám chuyên khoa.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh cho biết, theo kế hoạch đến ngày 30-4, Ban ATTP thành phố sẽ hoàn tất các bộ tiêu chí đánh giá đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, bổ sung thêm tiêu chí an toàn phòng, chống dịch bệnh. Sau một vài tháng, nếu nhận thấy tình hình dịch bệnh tạm ổn định thì có thể nới lỏng các tiêu chí này để phù hợp với tình hình đáp ứng nhu cầu của người dân. “ATTP luôn là vấn đề nhạy cảm do liên quan đến nhiều đối tượng. Bởi vậy khi xây dựng bộ tiêu chí này, đơn vị hết sức cân nhắc, giữa nhiều yếu tố là phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và phù hợp với khả năng của xã hội có thể đáp ứng, cái lợi cho số đông, phải thích ứng linh động với từng giai đoạn của dịch. Bộ tiêu chí chỉ là giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ, cái chính ở đây vẫn là ý thức tự bảo vệ của mỗi người dân trong việc gìn giữ vệ sinh hằng ngày”, bà Phong Lan nói.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu đến trước ngày 30-4, các ngành như giáo dục, du lịch, giao thông vận tải, xây dựng… phải trình được bộ tiêu chí an toàn phòng dịch Covid-19. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh các ngành - đặc biệt ngành giáo dục, ngành công thương, cần sớm phối hợp Sở Y tế thành phố xây dựng tiêu chí trường học, siêu thị an toàn phòng dịch Covid-19. Từng cơ quan, đơn vị phải xây dựng tiêu chí ứng xử đối với từng cá nhân để bắt đầu áp dụng từ ngày 3-5, đưa thành phố chuyển sang trạng thái mới: từng bước vận hành tất cả các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội nhưng vẫn bảo đảm an toàn phòng dịch.

Từ tiêu chí đến ý thức

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn tới các cấp, ngành sẽ có hướng dẫn cụ thể các tiêu chí cho từng nhóm nguy cơ theo các cấp độ nguy cơ cao, nguy cơ, nguy cơ thấp tại các tỉnh, thành phố trong phòng, chống dịch Covid-19. Cùng đó, trước mắt các hoạt động đông người như du lịch, lễ hội vẫn tạm ngưng; việc đeo khẩu trang, rửa tay phòng dịch, duy trì khoảng cách 2 m khi đối thoại, tiếp xúc vẫn cần được áp dụng nghiêm, đồng thời khoanh vùng và cách ly, điều trị ngay những ca mắc mới. Theo ông Phu, đây là biện pháp để “chung sống với Covid-19 nhưng không để lây lan”.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần phải có kế hoạch “sống chung với dịch”, chứ không thể cấm mãi đợi an toàn 100% mới trở lại cuộc sống, kinh doanh bình thường. Tuy nhiên, khi xây dựng các bộ tiêu chí cần phù hợp số đông, theo đó các địa phương nhóm nguy cơ thấp cần được mở cửa tất cả các dịch vụ, kể cả dịch vụ không thiết yếu. Song chủ cơ sở các ngành, nghề sẽ phải áp dụng các biện pháp phòng dịch và chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh. Với nhóm nguy cơ cần xem xét có hay không cho phép việc mở các dịch vụ, tùy theo tình hình dịch.

Cho đến thời điểm này một bộ phận người dân có sự chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Trong khi, việc xây dựng các bộ tiêu chí chỉ đưa ra giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ, còn hiệu quả đến đâu lại tùy thuộc mỗi tổ chức, cá nhân có ý thức thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn theo bộ chỉ số, không làm đối phó hay không.

Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 22-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội thận trọng mà Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đề xuất thực hiện từ ngày 23-4. Theo đó, nhóm nguy cơ, ngoài Hà Nội, còn có ba tỉnh, thành phố nữa là TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và Hà Giang. Các tỉnh, thành phố còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm cần “xác định trạng thái bình thường mới”, như đeo khẩu trang bắt buộc trong các hoạt động cộng đồng, đi học, đi chợ, tham gia giao thông...; thường xuyên rửa tay sát khuẩn; duy trì khoảng cách tối thiểu giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên; tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế tập trung đông người.