Chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang diễn biến phức tạp và đã lây lan sang Trung Quốc, tiềm ẩn những nguy cơ có thể xâm nhiễm vào nước ta qua đường biên giới và ảnh hưởng đến tình hình dịch tễ đàn lợn của Việt Nam. Bởi vậy, ngay từ bây giờ cần chủ động tăng cường ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tránh nguy cơ lây nhiễm và bùng phát bệnh dịch.

Công tác tiêm phòng dịch bệnh, tuyên truyền cho người dân phòng, chống dịch phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Công tác tiêm phòng dịch bệnh, tuyên truyền cho người dân phòng, chống dịch phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh African Swine Fever-ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra. Bản chất của vi-rút ASF không tự lây lan, phát tán nhanh nhưng lại có thể gây chết ở lợn với tỷ lệ rất cao so với những bệnh khác như lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển.

Thực tế tại các nước từng có dịch cho thấy, bệnh ASF lây lan chủ yếu do có yếu tố của con người tác động như vận chuyển lợn và các sản phẩm bệnh, nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác. Một báo cáo mới đây của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra con số, tính từ đầu tháng 8 đến ngày 23-11, Trung Quốc đã có 20 tỉnh bị ASF với 81 ổ dịch. Tổng cộng đã có hơn 570 nghìn con lợn các loại đã buộc phải tiêu hủy.

Ðiều mà các cơ quan chức năng của Việt Nam lo ngại nhất hiện nay chính là ổ dịch mới đây được phát hiện ở TP Phổ Nhỉ (Vân Nam, Trung Quốc) chỉ cách biên giới với Việt Nam khoảng 150 km. Do đó, nguy cơ ASF xâm nhiễm vào nước ta rất lớn, và gây áp lực lên công tác phòng, chống dịch của Việt Nam với quy mô đàn lợn hiện đạt 37 triệu con. Trong khi hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía bắc, vẫn đang diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, nguy cơ dịch còn đến từ các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã, đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (đã được phát hiện trên xúc xích đựng trong hành lý của hành khách người Trung Quốc tại sân bay của Hàn Quốc vào ngày 27-8; trong xúc xích của một du khách từ Trung Quốc tại sân bay Hokkaido, Nhật Bản vào ngày 22-10).

Ngay tại Hội nghị trực tuyến triển khai phòng, chống dịch bệnh động vật vụ thu đông và ngăn chặn dịch bệnh ASF xâm nhiễm vào Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng nhấn mạnh, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố cần quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là ngăn chặn không để ASF vào Việt Nam. "Phải thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo cảnh tỉnh để địa phương có trách nhiệm hơn trong ngăn chặn ASF. Ðặc biệt, các địa phương tăng cường giám sát chặt địa bàn, nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch trên gia súc, gia cầm, không để lây lan ra diện rộng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Khó khăn nhất hiện nay là vẫn chưa có vắc-xin, thuốc điều trị được bệnh ASF. Do vậy, nếu dịch xuất hiện thì nguy cơ lây lan rất nhanh, khó ngăn chặn! Theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Ðức Tiến, giải pháp phòng bệnh là chính, chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn bệnh xâm nhiễm vào trong nước. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn; thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học... Trong trường hợp phát hiện lợn mắc bệnh, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Ðồng thời, phải huy động tổng lực của các bộ, ngành cùng hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn sự xâm nhiễm ASF vào Việt Nam.

Chia sẻ về kinh nghiệm phòng, chống ASF, ông Ken Inui, chuyên gia bệnh lợn của FAO cho rằng, biện pháp quan trọng là bảo vệ các trang trại không cho vi-rút xâm nhập vào, an toàn sinh học và tiêu độc khử trùng vô cùng quan trọng. Bởi vì chưa có vắc-xin nên biện pháp quan trọng nhất là an toàn sinh học. Ðây là trách nhiệm của người chăn nuôi tự làm để bảo vệ chính đàn lợn của mình. Công tác tập huấn cho các lực lượng thú y, người chăn nuôi nhận diện ra bệnh rất quan trọng, nhất là cần được triển khai sớm. "Tôi đã đề xuất Bộ NN và PTNT là cần chỉ đạo sớm xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp; tuyên truyền để người dân hiểu. Tiếp theo là phòng bệnh, thực hành chăn nuôi tốt, nâng cao an toàn sinh học. Ðặc biệt, cấm và dừng ngay vận chuyển lợn trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam. Ðồng thời, việc giám sát phát hiện sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng, nếu không nguy cơ lây lan rất nhanh", ông Ken Inui nhấn mạnh.

Ðiều quan trọng lúc này, Chính phủ, Bộ NN và PTNT cần sớm ban hành kịch bản ứng phó dịch và phải nâng cao cảnh báo lên mức "nguy hiểm" để đối phó với bệnh dịch ASF.