Chống đỡ chứ không ngăn chặn được

Nhìn từ gốc rễ vấn đề để lý giải và đề xuất giải pháp ngăn chặn hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra trên diện rộng ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Thiện (ảnh nhỏ) - chuyên gia sinh thái ĐBSCL.

QL 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã bị cấm đi lại.
QL 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã bị cấm đi lại.

- Thời gian qua, dù chúng ta đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa hạn chế được tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở ÐBSCL. Vì sao, thưa ông?

- Những vụ sạt lở ở ÐBSCL trong những năm qua, cũng như vụ sạt lở tại An Giang gần đây nhất nằm trong quy luật chung của tình trạng sạt lở ở khu vực này, mà nguyên nhân gốc rễ nằm ở vấn đề thiếu hụt lượng phù sa (bùn và cát). Có thể nói, hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra trên diện rộng ở vùng đất này không còn là hiện tượng tự nhiên theo kiểu “bên lở, bên bồi” bình thường nữa. Tài liệu khoa học cho biết, khoảng 25 năm nay, sạt lở ngày càng gia tăng, bồi đắp ngày càng giảm, tức là cũng có nơi lở nơi bồi, nhưng sạt lở thắng thế hơn nhiều. Ðặc biệt giai đoạn 2000-2005 có thể xem là giai đoạn chuyển tiếp, từ năm 2005 về sau thì đường bờ biển ÐBSCL đã chuyển từ tình trạng bồi lấn sang tình trạng sạt lở, thụt lùi. Hiện nay khoảng 66%, tức hơn một nửa chiều dài bờ biển đang sạt lở, có nơi mỗi năm thụt lùi đến 50m, bờ sông thì sạt lở khắp nơi kể cả sông lớn, sông nhỏ.

Nguyên nhân chính của việc sạt lở ở ÐBSCL là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mê Công, tức là sự thiếu cát và phù sa, mà nguyên nhân đằng sau là do các đập thủy điện chặn cát và phù sa và do khai thác cát trên sông này ở tất cả các quốc gia từ Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia đến Việt Nam, trong đó nhiều nhất là ở Cam-pu-chia và Việt Nam. Khi bị thiếu phù sa nước sẽ nhẹ hơn, bị dư thừa năng lượng, chảy mạnh hơn, khoa học gọi là “nước đói”, tức là nước đói phù sa có khuynh hướng ăn vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực. Khi khai thác cát làm cho đáy sông sâu hơn thì bờ sông sẽ sụp đổ. Nếu chúng ta quan sát các vụ sạt lở bờ sông ở ÐBSCL sẽ thấy các vụ sạt lở có một đặc điểm chung. Ðó là, trước khi sạt lở khoảng 1-2 ngày, thường có một vết nứt cách bờ sông khoảng 5 m, chạy dài 80 - 100 m. Sau đó toàn bộ đoạn bờ sông bị nứt, trượt rồi đổ ụp xuống sông. Ðiều này chứng tỏ sạt lở là do đất bị mất chân bên dưới, đáy sông bị sâu hơn trước đây khiến cho khối đất ở trên theo một cung trượt xuống. Còn các nguyên nhân khác, như nền đất yếu ở khu vực này… đều là phụ.

- Theo những phân tích của ông thì có thể thấy, không dễ để có những giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng nguy hiểm này?

- Có rất ít giải pháp có thể tiến hành ở nội tại ÐBSCL để ngăn chặn khuynh hướng sạt lở. Mọi biện pháp ở khu vực này, dù là công trình hay phi công trình, cũng chỉ là chống đỡ chứ không thể làm ngừng sạt lở được, bởi vì không có biện pháp nào ở nội tại ÐBSCL có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ là thiếu phù sa và thiếu cát. Về lý thuyết kiến tạo đồng bằng, một đồng bằng châu thổ do phù sa tạo nên chỉ có thể tồn tại khi cán cân phù sa, tức là tài khoản phù sa đủ để duy trì bờ sông, bờ biển.

Những việc trước mắt cần làm để hạn chế thiệt hại tài sản, tính mạng người dân, tài sản của nhà nước là gồm ba nhóm giải pháp: Chỉ xây dựng công trình bảo vệ ở những nơi xung yếu như thành phố, những nơi tập trung dân cư cần phải tuyệt đối bảo vệ; đối với những vùng ven sông ở nông thôn, thưa dân cư thì cần chủ động di dời người dân khỏi những nơi có nguy cơ cao; và quản lý, quy hoạch khai thác cát theo tinh thần liên tỉnh, liên kết vùng, vì khai thác cát ở một nơi sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông ở phía dưới và toàn bộ bờ biển.

Về biện pháp công trình, có mấy điều cần cân nhắc: Công trình rất đắt đỏ, chi phí một ki-lô-mét bờ kè có thể lên đến 100 tỷ đồng, trong khi chúng ta khó mà có đủ kinh phí làm bờ kè chạy theo kịp tình hình sạt lở được; khi làm bờ kè chống sạt lở nơi này thì sẽ đồng nghĩa với gia tăng sạt lở nơi khác vì dòng sông sẽ phải tự tìm cân bằng; bờ kè hay bất cứ công trình nào cũng có tuổi thọ, chi phí duy tu bảo dưỡng sẽ gia tăng qua thời gian và khi công trình hết tuổi thọ sụp đổ thì tổn thất rất lớn, và công trình có thể tạo cảm giác an toàn giả, trong khi thực chất không an toàn.

Với các biện pháp mềm, biện pháp xanh cần cân nhắc: Biện pháp mềm phù hợp với tinh thần “thuận thiên” của Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và chi phí thấp, nên phù hợp với “Nguyên tắc không hối tiếc”. Tuy nhiên, biện pháp mềm cũng chỉ áp dụng được ở những dòng sông nhỏ, nơi đáy sông chưa bị quá sâu và vẫn còn bãi, không quá dốc. Việc can thiệp ở một nơi làm hẹp dòng chảy thì sẽ gây sạt lở nơi khác. Khi làm các biện pháp công trình hoặc biện pháp mềm, cần chú ý bảo vệ phần chân bên dưới.

- Khai thác cát hiện nay được coi là một nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, trong khi, nhu cầu sử dụng cát trong xây dựng vẫn đang ngày một tăng cao. Giải quyết mâu thuẫn này như thế nào, thưa ông?

- Ðúng là cát rất cần cho xây dựng cho hôm nay và cho cả mai sau. Nhưng nếu cứ khai thác như hiện nay thì chắc chắn đồng bằng sẽ còn mất đất, mất nhà cửa, tài sản. Hiện nay cát chúng ta sử dụng vẫn còn phung phí rất nhiều, thí dụ khi làm một con đường vài chục hay vài trăm ki-lô-mét, số cát lót nền rất nhiều, ta nên tìm cách xử lý nền bằng cách khác, hạn chế sử dụng cát.

Khai thác cát hiện nay có khai thác trái phép và khai thác có phép. Bên cạnh việc siết chặt quản lý đối với hoạt động khai thác cát trái phép, việc khai thác có phép cũng là vấn đề. Cần mở rộng diện áp dụng Quyết định 597 của Chính phủ về Liên kết vùng cho vấn đề quy hoạch khai thác cát, bởi vì sông Cửu Long là một hệ, khi chúng ta khai thác cát ở phía trên thì toàn bộ hệ dòng sông bên dưới và cả bờ biển bị đói cát và sạt lở.

- Trân trọng cảm ơn ông!