Cho ngày tựu trường nơi rốn lũ

Ngày khai giảng đã gần kề, nhiều địa phương đã ổn định trường lớp sẵn sàng cho năm học mới; thế nhưng ở những nơi rốn lũ vừa qua như Nghệ An, Hà Giang, Yên Bái,… vẫn còn ngổn ngang bao âu lo cho các thầy cô, phụ huynh và học sinh. Song, cũng chính những nơi này đang cho thấy một nỗ lực chuẩn bị, một khát khao học tập, một tinh thần vượt khó mạnh mẽ.

Đoàn viên, thanh niên huyện Quản Bạ (Hà Giang) dọn đất bùn tại Trường mầm non xã Lùng Tám.
Đoàn viên, thanh niên huyện Quản Bạ (Hà Giang) dọn đất bùn tại Trường mầm non xã Lùng Tám.

Còn lắm ngổn ngang

Những ngày cuối tháng 8, theo kế hoạch của ngành giáo dục là ngày tựu trường cho học sinh các cấp học từ mầm non đến THCS. Thế nhưng, nhiều điểm trường ở các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông của tỉnh Nghệ An vẫn ngập trong bùn, nước. Trường PT Dân tộc nội trú Con Cuông ở thị trấn Con Cuông nằm ở “rốn lũ”, vẫn còn ngập sâu hơn nửa mét nước. Giáo viên nhà trường cùng phụ huynh, các lực lượng hỗ trợ, bì bõm trong nước để lau chùi bàn ghế, vệ sinh các lớp học, đẩy dần bùn đất theo nước rút với tinh thần “nước rút ra đến đâu làm sạch ngay đến đó”.

Thầy Lô Văn Thiệp, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú Con Cuông, lo lắng: “Do không có phòng cao tầng, nước lại ngập sâu nên các phòng học, phòng chức năng, đồ dùng học tập, hồ sơ, máy tính của nhà trường cơ bản bị thiệt hại và khoảng 70-80% vật dụng dành cho các phòng nội trú đã bị hư hỏng hoàn toàn”.

Ngành giáo dục huyện miền núi Kỳ Sơn bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hồng Hoa, trên địa bàn huyện, có 10 điểm trường bị ngập và hư hại nghiêm trọng, nhất là phòng học, bàn ghế, đồ dùng dạy, học cùng phòng ở giáo viên, nhà bếp. Thiệt hại nhất là các trường: Tiểu học và mầm non thị trấn Mường Xén, mầm non Mường Típ, mầm non Mường Ải, Phổ thông dân tộc bán trú Mỹ Lý, mầm non Mỹ Lý 1,… với mức thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi trường. Ngoài ra ở các huyện bị mưa lũ nặng như: Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Anh Sơn, Quỳ Hợp… các trường học cũng đang phải đối mặt với bao khó khăn sau mưa lũ.

Cho ngày tựu trường nơi rốn lũ ảnh 1

Học sinh Trường tiểu học và THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) chuẩn bị đồ dùng năm học mới.


Đáng nói, mưa lũ còn làm hư hỏng nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cho đến đường thôn bản, khiến nhiều vùng bị cô lập, việc đi lại của học sinh và giáo viên cực kỳ khó khăn. Trước đây, nhiều nơi vào vùng trung tâm, vào các điểm trường chỉ mất một, hai giờ đồng hồ đi bằng ô-tô hay xe máy thì nay phải lội bộ hay cắt rừng mất cả ngày trời. Việc ăn ở của giáo viên cũng gặp khó khi hầu hết các khu nội trú ở các trường bị hư hỏng nặng hay bị lũ cuốn trôi.

Nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy chính quyền các địa phương, phụ huynh học sinh, các lực lượng hỗ trợ khác, thầy cô giáo tại các trường bị ngập, nước rút đến đâu, công tác vét, đẩy bùn đất, lau chùi bàn ghế, đồ dùng, thiết bị dạy học, tổng vệ sinh và xử lý môi trường được tiến hành ngay đến đó. Các trường đang gồng mình, chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả mưa lũ, kịp đón khai giảng năm học mới vào đúng ngày 5-9.

Chưa hết âu lo

Chúng tôi đến xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) - địa phương gánh chịu nhiều thiệt hại sau trận lũ quét vừa qua - đúng dịp chính quyền xã Cao Bồ đang tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018 và triển khai nhiệm vụ cho năm học mới.

Tại hội trường trung tâm xã Cao Bồ, trong buổi trao quà của đoàn từ thiện cho các em học sinh là con em các gia đình gặp nhiều thiệt hại về tài sản và con người, chúng tôi gặp chị Bàn Thị Hùi (vợ anh Trương Văn Luyên, người bị lũ cuốn trôi tại thôn Tham Còn) dắt hai đứa con đến nhận quà trợ cấp. Trên khuôn mặt người phụ nữ trẻ ấy vẫn còn hằn rõ nỗi đau mất mát.

Dẫn chúng tôi đi kiểm tra thực tế tại Trường PTDTBT Tiểu học - Trung học cơ sở Cao Bồ, chỉ vào những công trình đang còn dang dở, thầy Nguyễn Quốc Khánh, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Cao Bồ cho biết, sau cơn lũ quét lịch sử khối lượng bùn đất đã được thầy cô cùng cán bộ xã chung tay dọn dẹp, nhưng điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp so với trước. Hiện tại nhà trường phải dành ba phòng học để làm chỗ ngủ cho các em học sinh bán trú, còn nhà lưu trú cũ do không bảo đảm an toàn nên đang được sửa chữa thành bếp ăn. Riêng khu nhà vệ sinh của trường sau khi bị bùn đất lấp không thể sử dụng được nữa. Đây là một vấn đề lớn khi bước vào năm học mới sẽ có 250 em học sinh ăn ở sinh hoạt tại trường. Thầy Khánh thông tin thêm, “về chỗ ngủ cho các em nhà trường đã xin trợ cấp được 55 bộ giường tầng để thay cho phản gỗ, số học sinh bán trú còn lại sẽ được bố trí ăn ngủ tại một số nhà dân gần trường học”.

Tại xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ - địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất trong đợt mưa lũ vừa qua, công tác chuẩn bị cho các em nhỏ đến trường bảo đảm đúng thời gian cũng đang được các cấp, các ngành khẩn trương giải quyết đồng thời với công tác khắc phục hậu quả lũ lụt.

Nỗ lực chuẩn bị

Cơ sở vật chất của một số điểm trường bị mưa lũ làm hư hỏng, giao thông miền núi khó khăn, các em học sinh vùng cao không còn đồ dùng học tập, nhiều tuyến đường giao thông, thủy lợi, thủy điện, nhiều phòng học bị lũ và sạt ta-luy làm đổ sập,… là những khó khăn mà ngành giáo dục Yên Bái đang phải đối mặt.

Phong Dụ Hạ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên (Yên Bái), đợt mưa lũ cuối tháng 7 đã cuốn trôi cây cầu treo bắc qua Ngòi Hút, đây là cây cầu đi từ trung tâm xã đến năm thôn, bản. Với hơn 600 hộ đồng bào dân tộc Tày, Dao thường xuyên qua lại trên cây cầu này, trong đó hơn 400 em học sinh đang theo học tại các trường bên trung tâm xã. Nay cầu bị cuốn trôi, muốn về trung tâm xã có hai cách: lội qua ngầm tràn thường xuyên bị lũ, hoặc phải đi đường vòng khoảng 12 km mới có cầu treo qua suối an toàn.

Năm học mới này, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các trường học tổ chức họp với phụ huynh học sinh để bàn phương án lo năm học mới. Trước mắt, để các em học sinh tựu trường và khai giảng đúng kế hoạch, các nhà trường đã mượn nhà văn hóa thôn ở bên kia cầu và bố trí, phân công giáo viên sang để tổ chức dạy và học. Không để phụ huynh đưa đón con em sang khu trung tâm học bằng đường suối, trời nắng thì không sao nhưng khi trời mưa sẽ rất nguy hiểm vì mưa lũ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Phong Dụ Hạ cho biết: Khi mượn tạm các nhà văn hóa thôn, hoạt động dạy và học sẽ gặp nhiều khó khăn vì ở đây thiếu thốn cơ sở vật chất như điện, nước, nhà vệ sinh. Trước mắt nhà trường huy động phụ huynh đến dọn dẹp và làm nhà vệ sinh tạm để khắc phục tạm thời cho các cháu.

Ở các xã vùng núi cao, vùng sâu, công tác dạy học khó khăn ngay cả ở những thời điểm thời tiết bình thường, chưa nói gì đến chuyện mưa lũ cản trở đường các em đến trường. Bởi thế trong lúc này, khi mùa mưa bão vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi những nỗ lực hơn nữa của các cơ quan chức năng, các thầy cô giáo. Như tại huyện Văn Chấn (Yên Bái) có bốn xã bị thiệt hại nặng nề do lũ quét, nhiều điểm trường bị lũ xóa sổ, nên việc đưa trẻ về trường trung tâm xã học là giải pháp tốt nhất.

Trước thềm năm học mới, biết bao khó khăn không chỉ ở các địa phương bị ảnh hưởng do bão lũ như Nghệ An, Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu,… mà khó khăn còn đang hiện hữu ở rất nhiều địa phương khác, nơi thì đường sá đi lại khó khăn, lầy lội, nơi thì trường lớp xập xệ, không bảo đảm an toàn, và không ít nơi cây cầu bắc qua sông qua suối vẫn còn là mơ ước xa vời của các thầy cô, của mỗi học sinh. Tất cả đang thúc giục chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm, phải nỗ lực làm sao, quan tâm thế nào để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho thế hệ tương lai học tập và rèn luyện.