Cho một bầu không khí sạch

Những ngày đầu tháng 11 này, thiết bị quan trắc cho thấy chất lượng không khí tại thủ đô Hà Nội đang được xếp vào nhóm ô nhiễm ở mức báo động. Đây còn là thực trạng chung ở nhiều thành phố lớn khác, như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, đòi hỏi sớm có những giải pháp để người dân được sống trong bầu không khí sạch.

Những chiếc khẩu trang đã trở thành vật dụng thiết yếu, khi môi trường mỗi lúc một ô nhiễm. Ảnh: Trần Văn
Những chiếc khẩu trang đã trở thành vật dụng thiết yếu, khi môi trường mỗi lúc một ô nhiễm. Ảnh: Trần Văn

Báo động đỏ

Không chỉ khi tham gia giao thông, nhiều người dân bây giờ còn đeo cả khẩu trang khi ngồi chơi ngoài công viên, ngồi chờ xe bus, thậm chí cả lúc trời mưa. “Khu phố tôi đang sống hằng ngày đủ các loại phương tiện chạy ngang qua, bụi và tiếng ồn quá nhiều, cảm thấy cuộc sống rất ngột ngạt”, anh Quốc Việt, ở đường Hoàng Tăng Bí, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ.

Với Hà Nội, theo các chuyên gia, hiện nay nguồn gây ô nhiễm chính là các nhà máy nhiệt điện than, khí thải từ phương tiện giao thông, từ đốt chất thải, các phụ phẩm nông nghiệp, từ đun nấu trong nhà, từ công nghiệp và xây dựng. Trong đó, các nhà máy nhiệt điện than và công nghiệp ở phía đông trong vòng bán kính khoảng 200 km đang ảnh hưởng mạnh đến chất lượng không khí của Thủ đô.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của GS Nghiêm Trung Dũng, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (ĐH Bách khoa Hà Nội), thì trong ô nhiễm không khí ở Thủ đô, thách thức chính vẫn là nguồn thải từ ô-tô, xe máy. Số liệu quản lý phương tiện cho thấy số lượng phương tiện tăng trung bình 20-30% mỗi năm, cũng đồng nghĩa với lượng khí phát thải tăng liên tục, trong đó nguy hiểm hơn cả là việc kiểm định khí thải với xe máy hiện nay vẫn đang thả nổi. “Khoảng 10 năm trước, được sự tài trợ của một đơn vị nước ngoài, Hà Nội có thí điểm chương trình khám sức khỏe cho xe máy. Kết quả cho thấy, 70-80% số xe được kiểm tra không bảo đảm yêu cầu về khí thải xe máy. Đến nay, vẫn còn tình trạng xe xả khói mù mịt chạy ở Hà Nội”, ông Dũng cho biết.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo báo cáo của UBND thành phố tại kỳ họp bất thường HĐND thành phố hồi tháng 6-2017, chất lượng không khí tại 12 vị trí quan trắc đều vượt quy chuẩn môi trường cho phép, đặc biệt là chỉ tiêu về bụi và tiếng ồn, chủ yếu từ các hoạt động giao thông. Theo đó, nồng độ bụi lơ lửng trung bình giờ theo quy chuẩn là 300 µg/m3, trong khi kết quả quan trắc là 243,75 - 948,79 µg/m3. Trong khi đó, ô nhiễm tiếng ồn đang gây bức xúc cho người dân thành phố.

Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm

Về tác hại của sức khỏe người dân ở những khu vực có nhiều bụi, thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tỷ lệ mắc viêm phế quản tại khu công nghiệp ở khu vực Thanh Xuân - Hà Nội (nhiều bụi bặm) cao gấp 2,9 lần so với vùng đối chứng ở khu vực Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội). Còn tại TP Hải Phòng, các triệu chứng và bệnh tật liên quan tới đường hô hấp ở nơi bị ô nhiễm không khí cao hơn từ 1,9-7,6 lần so với các khu vực thông thường.

TS Đỗ Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Sức khỏe cộng đồng, Cục Quản lý môi trường y tế, lo âu: “Chúng ta có khả năng lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, nước sạch nhưng không có khả năng lựa chọn không khí sạch. Dự báo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, tỷ lệ người dân mắc viêm phổi, nhập viện vì khó thở, tim mạch… có thể tăng gấp đôi vào năm 2020 nếu không có biện pháp giảm thiểu nguồn ô nhiễm”.

Về giải pháp, nhiều ý kiến đề xuất cần kiểm soát chặt chẽ nguồn ô nhiễm từ hoạt động sản xuất công nghiệp, kiểm soát phần khí thải giao thông. Hiện tại, Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy, trong đó có tới 2,5 triệu xe cũ không bảo đảm yêu cầu về khí thải. Nên chăng, thành phố cần sớm có phương án hỗ trợ kinh phí để thu hồi các xe máy cũ nát không bảo đảm yêu cầu về khí thải. “Hà Nội đang tiếp tục thực hiện chương trình trồng một triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2020 và đầu tư cơ giới hóa xe hút bụi. Thành phố cũng đang siết chặt hoạt động của xe chở bùn, chở đất, phế thải vào ban đêm. Các công trình phải có chỗ rửa cho xe trước khi ra khỏi công trình, bảo đảm vận chuyển không rơi bùn, đất, cát ra đường. Đối với các công trình liên quan phá dỡ phải phun nước. Như vậy mới hy vọng giảm được ô nhiễm” - một lãnh đạo TP Hà Nội cho hay.

Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) - ông Nguyễn Hoàng Đức nhấn mạnh: Về lâu dài, phải kết hợp đồng bộ các nhóm công cụ nhằm quản lý chất lượng không khí; trong đó tăng cường áp dụng công cụ kinh tế trong quản lý chất lượng không khí như cơ chế trao đổi hạn ngạch khí thải công nghiệp, dịch vụ, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải…

Hiện nay, nước ta chưa có luật không khí sạch, quy chuẩn về nồng độ chất phế thải thấp hơn so với quốc tế. Đó là thách thức lớn. TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường khuyến nghị: Cần phải xây dựng một văn bản luật chuyên biệt về bảo vệ môi trường không khí như nhiều nước trên thế giới. Luật này sẽ quy định rõ trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ, ngành và các bên liên quan trong việc thực thi các biện pháp bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường không khí.

Số liệu quan trắc từ các trạm quan trắc không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ ngày 25 đến 29-10-2017, cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI) tăng hơn so với các tuần trước đó, lớn nhất là 195 tại trạm Hàng Đậu vào ngày 25-10. Ngoài ra, theo số liệu ngày 26-10 tại Trạm quan trắc Minh Khai và quận Bắc Từ Liêm, nồng độ bụi PM đạt mức cao nhất là 201,67 (μg/m3), gấp hơn 1,3 lần so với quy chuẩn. Nồng độ bụi PM 2.5 đạt mức cao nhất là 97,29 (μg/m3) gấp hai lần so với quy chuẩn.