Cho con chữ nảy mầm

Hàng trăm nữ giáo viên đang ngày ngày gieo chữ trên những rẻo cao miền núi phía bắc là hàng trăm hoàn cảnh, câu chuyện. Họ đã đến, đã ở lại dù khó khăn vẫn lớp lớp bủa vây, bởi tình người đã đâm chồi nảy lộc và con chữ đã giúp đổi đời không ít trẻ vùng cao.

Học sinh vùng cao luôn cần sự quan tâm của những người mẹ hiền thứ hai.
Học sinh vùng cao luôn cần sự quan tâm của những người mẹ hiền thứ hai.

"Khó mãi rồi cũng thành quen…"

Lời ấy là cô Quàng Thị Vui, giáo viên cắm bản Pa Ít, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà (tỉnh Ðiện Biên) đã nói "nhẹ như bấc" trong khi chúng tôi người nào người ấy đổ mồ hôi hột vì từ thị trấn Mường Chà về bản Pa Ít khó như đường… lên trời! Giọng nhẹ nhàng, Vui khéo động viên: "Ngày mới vào em cũng sợ như các chị đấy!".

Mùa hè năm 2018, lúc ấy cậu con trai bé bỏng của chị vừa tròn 7 tháng tuổi, Vui nhận quyết định điều động về bản Pa Ít đứng lớp theo quy định luân phiên của Ban Giám hiệu Trường THCS Huổi Mí. Theo đúng ngày giao việc trong quyết định, Vui gói ghém đồ đạc và ôm cả cậu con trai bé bỏng lên đường. Chồng Vui - chàng thanh niên dân tộc Thái từng chinh phục bao thác cao đèo thẳm, đã rất tự tin khi nói với vợ: "Em chỉ cần ôm con thật chặt, còn anh "cân" sự an toàn của hai mẹ con", nên Vui đã phần nào yên tâm mỗi khi thấy chồng ghì tay lái giữ thăng bằng. Ðánh vật gần tám tiếng đồng hồ mới đến bản Pa Ít, chồng Vui nhìn vợ và nhìn lớp học xiêu xiêu dưới cơn mưa chiều mà nước mắt lưng tròng. Dùng dằng gần một tuần trời, chồng Vui mới quyết định trở về với lời hẹn đinh ninh: "Hết đợt mưa này anh đón em và con về luôn. Khổ thế này đi không nổi thì sống làm sao được!".

Giữ lời hẹn, gần hai tháng sau chồng Vui trở lại đón vợ con về (bỏ việc - PV), khiến cô như đứng giữa ngã ba đường. Phần thương con, phần thương mình và phần thương học trò vùng sâu nghèo khó, chính Vui cứ lưỡng lự chuyện về hay ở. "Nhưng thật không ngờ khi em nói những điều khiến em băn khoăn, lưỡng lự thì chồng em đã hiểu và khuyên em ở lại" - Quàng Thị Vui cười khi kể điều ấy. Nhưng rồi nụ cười tắt ngay khi Vui nhớ lại những ngày xa con.

Cho con chữ nảy mầm -0
Giáo viên cắm bản thuộc Trường mầm non Huổi Mí.

Vừa kể vừa nấc, Vui nhắc lại cái ngày chồng địu con về: Dù đã chuẩn bị tâm lý, dù đã tự động viên vững vàng, vậy mà khi nhìn chồng địu con về em như không còn là em nữa. Em đứng trước thềm lớp học khóc òa, chân cứ muốn bước mà tâm nặng trĩu giống người bị buộc đá níu lại nơi này. Học sinh của em toàn các cháu lên ba, lên bốn, chúng nhìn em và khóc theo em mà chẳng hiểu chuyện gì… Rồi đến bây giờ, tròn hai năm cắm bản Pa Ít thì Vui đã hiểu, chính những cặp mắt trong veo của các em đã giữ Vui ở lại, tiếp thêm cho Vui nghị lực vượt qua những niềm thương.

Như chuyện Vui kể, Pa Ít là bản của đồng bào dân tộc Khơ Mú, cả bản có 55 gia đình với 301 nhân khẩu. Ðếm trên đầu ngón tay cả bản chỉ có vài nhà kha khá diện đủ ăn 10 tháng trong năm, còn lại đều đói triền miên năm này qua năm khác. Về nguyên nhân, phần nhiều do tập quán sản xuất lạc hậu, phần do nhận thức hạn chế và phần do hậu quả của bão ma túy, HIV/AIDS tràn vào từ những năm 2000 rồi kéo đến tận bây giờ. Nhóm nhà trẻ của Vui có 13 cháu thì có hơn nửa số cháu đến lớp mình trần, chân đi đất; còn mấy cháu còn lại đều cảnh có áo không quần. Nhìn cảnh học trò nheo nhóc, đói rách, Vui đã tự nhủ: "Gian khó của mình đâu thấm với thiệt thòi các trò nơi đây" bởi thế mà ngày qua ngày Vui đã lấy việc dạy trò làm nguồn vui lẽ sống. Suốt hai năm qua, Vui quen với việc sáng sớm dọn dẹp, đón học sinh vào lớp, dạy các em học rồi lại tranh thủ nấu cơm trưa cho các con.

Ðất lạ hóa quê hương

Quàng Thị Vui chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn nữ giáo viên cắm bản đã khắc phục khó khăn để tận hiến. Trong hành trình thực tế, tôi cũng được gặp cô giáo Ðào Thị Thoa, quê ở Hưng Yên với rất nhiều cảm xúc trong lúc trò chuyện. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên, cô Thoa đã tình nguyện về nhận công tác ở huyện Mường Nhé (Ðiện Biên) và được phân công về công tác tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Huổi Lếch, thuộc xã Huổi Lếch. Nhớ lại ngày về công tác, cô Thoa chia sẻ: "Nhận công tác đợt ấy với tôi dịp ấy có 26 giáo viên đi bộ gần 100 km từ trung tâm huyện vào xã. Do đi bộ mất một tuần nên cả tháng sau cơ chân vẫn bị căng cứng. Tôi nghĩ mình không trụ được vì mọi thứ khó khăn, thiếu thốn. Nhiều người dân tộc thiểu số không biết tiếng Kinh và tôi cũng không hiểu tiếng bản địa, việc giao tiếp cực kỳ khó khăn. Ở khắp nơi, khi xuân ấm đã về ngập tràn, thì ở vùng núi này mọi thứ đến thật chậm. Nhưng sau thời gian hiểu các em học sinh, được các em học sinh quý mến, tôi đã dành tình cảm sâu đậm cho các em và thấy mình cần cho nơi này".

Huổi Lếch là xã khó khăn nhất của huyện Mường Nhé. Nơi đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do đường sá đi lại khó khăn, địa hình chia cắt, mùa lũ nước suối dâng cao nên việc huy động trẻ ra lớp sau mỗi đợt hè hay Tết luôn là bài toán khó. Ðể vận động học sinh ra lớp, nhiều năm qua, thầy, cô giáo ở các trường trên cùng địa bàn đã xây dựng kế hoạch phối hợp chính quyền địa phương, trưởng bản. Năm nào cũng vậy, họ phải ăn "Tết vội" nơi quê nhà để lên trường, trang trí lớp, thăm hỏi, động viên học trò ra lớp. Cùng nhiều đồng nghiệp bám trường, bám bản, cô Thoa đã dần găm vào đồng bào nơi đây tình yêu cái chữ, giúp nhiều em chán học đã say học trở lại, rồi lớn lên, các em trở ra trung tâm huyện, ra TP Ðiện Biên Phủ học nghề, tìm kiếm việc làm. Nhiều cô giáo ở Huổi Lếch có chung tâm sự, dạy học ở xa là chấp nhận thiệt thòi. Khi bố mẹ ốm đau không thăm nom được. Thậm chí có cô giáo không kịp gặp mặt bố mẹ lần cuối.

Cũng có thâm niên cắm bản 17 năm, cô giáo Nguyễn Thị Hà, quê ở Thái Bình không chỉ là người gieo chữ, mà còn là điểm tựa tinh thần của bà con dân bản Tù Cù Phìn, xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Năm 2004, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô Hà xin về Sìn Hồ dạy học và được phân công dạy ở Tù Cù Phìn. Cũng ở đây, cô đã "ưng bụng" thầy giáo trẻ quê ở TP Ðiện Biên Phủ, cũng đã gắn bó với mảnh đất hoang sơ này và hai người làm đám cưới, nguyện cùng các thầy, cô giáo khác thắp sáng con chữ ở Tù Cù Phìn. Ở bản, cô cùng cán bộ xã dạy người dân, học sinh cách trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn, tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn. Ở bản, hễ có việc xảy ra cãi vã, đánh nhau, cô Hà cùng cán bộ xã đứng ra phân tích, giảng giải, góp phần xây dựng bản bình yên. Nhiều học sinh muốn nghỉ học, cô Hà đến vận động thì bao giờ hiệu quả đạt được cũng rất tốt, bởi cô được người dân quý mến.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà chia sẻ, nhiều năm qua, Ban Giám hiệu Trường PTDTBT và THCS Làng Mô đã triển khai hiệu quả các giải pháp cụ thể chăm lo cho học sinh bán trú, đưa công tác bán trú của nhà trường trở thành điểm sáng của huyện Sìn Hồ. Việc giáo viên và học sinh cùng tăng gia, trồng rau, cải thiện bữa ăn trở thành hình ảnh rất đẹp. Ðiều đó tạo sự gắn kết, gần gũi, vui vẻ và cũng tạo hiệu quả trong công tác giảng dạy.

Tết vừa rồi chồng cô Hà đưa con về Ðiện Biên với gia đình, còn cô ở lại ăn Tết với bà con thôn bản. Cô giáo Hà thổ lộ, ngày Tết ở bản xa tuy thiếu thốn về vật chất, nhưng bà con và học sinh đều rất tình cảm, gần gũi, có quà bánh gì cũng đều nhớ đến cô giáo, nên cô cũng vơi bớt nỗi buồn. "Giờ vợ chồng tôi có một mái nhà nhỏ tại bản và sống quây quầy bên bà con. Lòng cũng vui khi thấy nhiều em chịu học và học khá. Từ lâu tôi đã coi mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình. Ðúng là tình yêu làm đất lạ hóa quê hương". Lời nói của cô Hà như rễ cây lim, cây táu ăn sâu vào lòng đất núi nơi này. Nghe thân thương như bóng hình hoa núi.

Tôi đã đặt chân đến nhiều xã, bản ở Lai Châu, Ðiện Biên hay tận miền đá Hà Giang. Thậm chí đã đến hầu hết các xã đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Nơi đâu cũng có những con người đánh đổi tuổi thanh xuân, để con chữ nảy mầm, bám rễ trên non cao, để từ đó thay đổi căn bản đời sống văn hóa tinh thần, kinh tế của bà con mà không bút mực nào có thể nói hết.

LÊ LAN - NGUYỄN TƯỜNG