Chiều chiều ra đứng bến xe...

... Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. Câu ca dao năm xưa có lẽ cần sửa lại một từ. Ít nhất là vào dịp Tết. Bởi vì bây giờ nỗi lòng của những kẻ tha phương không tắc lại ở “ngõ sau” nữa, mà ở bến tàu bến xe.

Về quê ăn Tết - một cuộc nhồi nhét kinh hoàng. Ảnh: Phú Minh
Về quê ăn Tết - một cuộc nhồi nhét kinh hoàng. Ảnh: Phú Minh

1 Quyên phải về ăn Tết. Với người ở quê, ăn Tết vẫn là một cái gì thiêng liêng lắm.

Quyên đang làm công nhân khu công nghiệp. Mỗi tháng, ăn uống dè sẻn, không tiêu pha gì, cô để ra được một triệu rưỡi hai triệu đồng. Tiền ấy để trả nợ. Cô bé đã vay mấy chục triệu hỗ trợ chính sách từ thời đi học đại học. Nhưng tốt nghiệp đại học rồi, người ta bảo rằng phải có 300 triệu mới mong có việc làm. Cái bằng đại học cất đi, Quyên xuống Hà Nội làm công nhân khu công nghiệp, tiết kiệm tiền để trả nợ.

Nhưng Quyên vẫn phải để ra mấy triệu để “ăn Tết”. Không phải sắm sửa tiêu pha cho một mình, mà góp vào với cái Tết của cả nhà. “Ăn gì mà hết mấy triệu?” - tôi hỏi. “Em cũng chẳng nhớ. Nhưng ra Tết, cả nhà còn đúng hai trăm nghìn để em bắt xe xuống Hà Nội đi làm”.

Cái chi tiết chỉ còn có hai trăm nghìn đồng bắt xe xuống Hà Nội, đặt trong bối cảnh của Quyên, đã đủ để thấy sự về quê ăn Tết nó to đến như thế nào.

2 Theo Tổng cục thống kê, tỷ lệ xuất cư (rời nơi cư trú nhưng không chuyển hộ khẩu) của Việt Nam năm 2014 là 19,4%. Đó đã là một tỷ lệ lớn. Nhưng ngay cả những người di cư, tức là chuyển nơi thường trú đi địa phương khác, thì cái nhu cầu “về quê” mỗi độ Xuân về, chắc chắn cũng rất lớn. Năm 2014, 6,8% tổng dân số di cư.

Phần lớn trong số họ là người “tha phương cầu thực” - đi tìm việc làm. 41,7% số người di cư có lý do là việc làm. Phần còn lại, là kết hôn, đi học, cũng sẽ là những người có nhu cầu “về quê ăn Tết”. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ (chưa đến 20%) là “theo gia đình” và tạm coi là sẽ không di chuyển.

Không cần nghiên cứu kỹ báo cáo cũng có thể đoán được dòng người chảy từ đâu về đâu. Nó chảy từ các vùng đồng bằng sông Cửu Long về Đông Nam Bộ (nơi có các trung tâm công nghiệp như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương hay Đồng Nai). Nó chảy từ Bắc Trung Bộ ra Hà Nội. Nó chảy từ nông thôn ra thành thị. Năm 2014, cứ 785 người từ thành thị về nông thôn, thì có 1.837 người từ nông thôn lên thành thị.

Cứ nhân những tỷ lệ phần trăm ấy với tổng dân số nước ta, sẽ nhìn thấy một dòng người khổng lồ hàng chục triệu con người đã ra đi. Và Tết đến, dòng người khổng lồ ấy, sẽ thực hiện một cuộc di cư ngược từ thành thị về nông thôn. Họ về quê ăn Tết.

Quá nửa trong số những người di cư có trình độ dưới THCS, thậm chí gần 10% chưa tốt nghiệp tiểu học. Họ không phải là khách hàng tiềm năng của các hãng hàng không.

Hãy ra ga Hà Nội, một chiều giáp Tết. Một toán phe vé đang đứng chờ, nam nữ đủ cả, với bộ mặt niềm nở của những người dân địa phương sẵn sàng giúp đỡ các vị khách lớ ngớ. Một người lao động đã trót mua vé, nhưng giờ phải đổi giờ về quê vì có việc gấp. Theo quy định của ga, vé ấy vẫn được trả lại, chỉ mất một chút phí. Nhưng những “người tốt bụng” quanh ga đã nhanh chóng tiếp cận, hỏi han, rồi đề nghị: Đưa vé đây anh chị chạy vào đổi lại cho, chỗ quen biết. Chàng trai nhìn vào đám đông ken đặc trong nhà ga, rồi ngây thơ đưa tấm vé. Một tên cầm vé chạy biến đi. Và cuộc giở mặt bắt đầu.

Mười lăm phút, rồi nửa tiếng, đã sắp quá thời gian được trả vé nhưng không thấy kẻ cầm vé quay lại. Chàng trai ra sức nài nỉ, hỏi han những kẻ ở lại “làm tin”. Đáp lại là một thái độ lạnh lùng. Rồi bắt đầu thương lượng. “Thôi bây giờ bán vé đấy cho anh đi, 500 nghìn nhé”. Cậu trai giãy nảy lên. Làm sao thế được, lúc nãy nói khác. Lại tỉnh bơ. Một lúc nữa, cuộc tra tấn thần kinh bắt đầu. “Có bán không, bốn trăm rưỡi”. Chàng trai hoảng sợ. Giá không những không tăng mà còn giảm xuống. Sự sốt ruột tăng lên. “Bán không, bốn trăm?” - chúng đông người, không tỏ ra sợ hãi và áp chế ngược bằng một kiểu “đấu giá” kỳ lạ.

Chàng trai ngơ ngác rời phố Lê Duẩn với ba trăm nghìn.

Hệ thống vận tải công cộng đã tốt lên. Nhưng nó chỉ được thiết kế để phục vụ 360 ngày thường trong năm, chứ chưa bao giờ đủ sức đáp ứng sự đột biến của cuộc “hồi hương” khổng lồ ngày Tết. Đó vẫn luôn là một cuộc nhồi nhét kinh hoàng nơi mà mọi giá trị đều có thể được thương thảo lại để phục vụ cho cái sự “về quê ăn Tết”. Từ thị trường (giá vé), sự tiện lợi, hay là lương tâm và đạo đức. Bản thân người viết cũng đã từng phải... ngồi trên người một ông lão 60 tuổi trong suốt ba tiếng đồng hồ liên tục, trên một chuyến xe từ Hà Nội về Yên Bái vài năm về trước. Không thể biết tại sao mình lại rơi vào cảnh ấy, vì người ta cứ nhét, cứ nhét người lên xe, chiếc xe 40 chỗ được nhét tới gần 100 con người như một sự thần kỳ, đẩy đám đông trên xe trộn lẫn vào nhau đến mức không ai còn cựa quậy được nữa. Và cũng không còn cách nào thoát ra được cái sự vô lý nhẫn tâm ấy, kể cả trèo qua cửa sổ xe.

3 Làm thế nào để chấm dứt những cuộc khổ hình ấy? Chẳng thể khuyên người ta đừng về quê ăn Tết nữa, hay là về quê mà đừng cầm theo đôi ba triệu đồng quà tấm bánh cho người ở nhà. Dòng người di cư vẫn cứ cuồn cuộn chảy.

Một vài người sáng suốt đã nghĩ đến bản chất của dòng người ấy, và trăn trở về “việc làm ở nông thôn”. Nhưng cũng còn một chặng đường xa. Có nhiều trở lực. Như là Quyên. Em rất muốn về hẳn quê, để nuôi gà. Nhà em có đất. Làm trại gà có thể sống được. Nhưng mẹ em không cho. Đã bán mặt cho đất để con được rời khỏi làng quê, giờ lại quay về, không nhìn được làng xóm.