Chạy nước rút chặn dịch bệnh

Việt Nam hiện ở bước đầu thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 trên động vật. Nhóm các nhà khoa học đang dồn lực và đặt nhiều kỳ vọng chế tạo thành công, sớm đưa sản phẩm ra thị trường.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm nghiên cứu tại VABIOTECH. Ảnh:Nguyễn Khánh
Kiểm tra chất lượng sản phẩm nghiên cứu tại VABIOTECH. Ảnh:Nguyễn Khánh

Về đích trong năm 2021

Theo TS Ðỗ Tuấn Ðạt, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH - Bộ Y tế), dự án nghiên cứu phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 của đơn vị đang có triển vọng tích cực, khi vượt tiến độ hai tháng so với kế hoạch trong giai đoạn 1. Ðánh giá tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho thấy, kết quả đáp ứng miễn dịch khá cao trên chuột được tiêm thí nghiệm.

Hành trình sản xuất vắc-xin của Việt Nam khá công phu, bắt đầu bởi hai nghiên cứu viên được cử đi học về công nghệ sản xuất vắc-xin mới tại Trường đại học Bristol (Anh). ThS Mạc Văn Trọng, một trong hai người tham gia chương trình nghiên cứu tại Anh cho biết: “Chúng tôi đã kịp quay về Việt Nam ngay sát thời điểm đóng cửa hàng không quốc tế hồi cuối tháng 3. Sau 14 ngày cách ly tập trung, chúng tôi có gần một tháng cách ly kép - vừa cách ly, vừa ăn ngủ làm việc tại phòng thí nghiệm, cho đến khi có vắc-xin thử nghiệm trên động vật hồi cuối tháng 4 vừa qua”.

Công nghệ mà Việt Nam sử dụng trong sản xuất vắc-xin phòng chủng vi-rút corona lần này là công nghệ vector virus, thay vì công nghệ vắc-xin bất hoạt hay vắc-xin sống giảm độc lực như truyền thống. Ðây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắc-xin đại dịch. Mặt khác, theo ThS Trọng, đề tài này cũng được “hưởng lợi” từ kết quả đề tài nghiên cứu đặc điểm dịch tễ của vi-rút corona chủng mới mà viện đang thực hiện. Ðây cũng là một dự án cấp bách triển khai ngay từ khi dịch mới bùng phát. Các thông tin giải mã này đã giúp Việt Nam có thể làm chủ tình hình. Với nghiên cứu vắc-xin, nhờ giải mã được đặc điểm dịch tễ liên quan đến vi-rút, các nhà phát triển vắc-xin đã chọn được vùng gen đặc trưng để đặt lên giá thể vắc-xin, đó là vùng gen S (vùng gen gai) của vi-rút.

Thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục định lượng kháng thể, đánh giá về khả năng bảo vệ bền vững, tính ổn định của vắc-xin. Quá trình thử nghiệm tiếp theo này có thể cần 8-9 tháng và nhóm nghiên cứu cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa quy trình công nghệ sản xuất vắc-xin để có thể sản xuất quy mô lớn với số lượng hàng triệu liều. Trước khi được thử nghiệm lâm sàng (trên người tình nguyện), vắc-xin dự tuyển tiếp tục được thử nghiệm trên động vật. Với tiến độ như vừa qua, vắc-xin Covid-19 do đơn vị này nghiên cứu, phát triển dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2021.

Cần nhiều hơn một loại vắc-xin

Với gần 12 triệu ca nhiễm và hơn 547.000 người tử vong trên thế giới (tính tới ngày 8-7), Covid-19 đang ngày càng gia tăng áp lực cho các hãng dược. Cho đến nay, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 140 loại vắc-xin đang được các tổ chức và các nước trên thế giới phát triển để phòng dịch Covid-19. Ðáng kể có tám loại đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 (nhằm tiếp tục đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc-xin, lựa chọn liều, lịch dùng thích hợp), ba vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3 (quy mô lớn ở nhiều nơi khác nhau nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin). Một loại đã được cho phép sử dụng giới hạn, là vắc-xin của Trung Quốc do Công ty CanSino Biologics liên kết phát triển, được cho phép dùng trong quân đội nước này từ ngày 25-6.

Trước áp lực gia tăng của dịch bệnh, có thể thấy, mặc dù thông thường cần phải mất nhiều năm nghiên cứu và thực nghiệm mới có thể cấp phép cho một loại vắc-xin, nhưng các loại vắc-xin được nghiên cứu trong đại dịch Covid-19 đã được thúc đẩy với tốc độ nhanh một cách chưa từng thấy. Với tiến độ đó, các chuyên gia y tế dự đoán, quá trình phát triển hiện có thể kéo dài từ 12 đến 18 tháng và năm 2021 có thể sẽ có vắc-xin hiệu quả với Covid-19.

Còn tại Việt Nam đang ở bước đầu thử nghiệm trên động vật, so với các nước chúng ta đi chậm hơn. Song lý do về bước đi chậm này là để các nhà phát triển vắc-xin khác có thể thử nghiệm song song trên động vật và trên người. “Ði chậm để có thể chứng kiến các nhà phát triển khác thử nghiệm nhằm bảo đảm chắc chắn hơn, do đây là một vụ dịch mới, vi-rút mới, vắc-xin mới. Tuy nhiên, dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vắc-xin được người dân chờ đợi, mà mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vắc-xin trong nước, nhất là trong tình hình đại dịch. Bởi trong tương lai nếu xuất hiện chủng vi-rút corona mới khác nữa gây đại dịch ở người, với công nghệ có sẵn trong tay, chúng ta chỉ cần “lắp ráp” phần gen của vi-rút mới vào là sẽ cho ra đời vắc-xin mới rất nhanh, sẵn sàng và chủ động có vắc-xin phòng bệnh”, một chuyên gia cho biết.

Giới chuyên gia cho rằng, thế giới sẽ cần nhiều hơn một loại vắc-xin để chống lại vi-rút corona trên toàn cầu. Một quốc gia chỉ có thể an toàn khi những quốc gia khác cũng được miễn dịch, vì thế, việc bảo đảm cung cấp đủ vắc-xin phòng bệnh cho mỗi công dân trên Trái đất là cần thiết. Việt Nam đã xuất khẩu test thử Covid-19 chất lượng cao, và giới khoa học đang kỳ vọng chúng ta sớm cho ra đời vắc-xin “made in Vietnam”, để góp sức cùng thế giới sớm đẩy lùi dịch Covid-19.