Chặn hành vi trục lợi từ thiết bị y tế

Không ít trường hợp các doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bằng việc sản xuất, kinh doanh khẩu trang, thiết bị y tế giả, không rõ nguồn gốc liên tục bị cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua cho thấy, cần nỗ lực và quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn các đối tượng trục lợi từ tai ương của cộng đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất khẩu trang giả. Ảnh: KIM TUYẾN
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất khẩu trang giả. Ảnh: KIM TUYẾN

“Sốt” hàng là bị làm giả

Kể từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành, không ít hành vi sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc lại liên tục bị phát hiện, cho thấy một thực trạng đáng báo động. Anh Nguyễn Trung Kiên, chủ một cửa hàng thuốc tư nhân, thốt lên: “Bất cứ mặt hàng nào nhu cầu cao, sốt hàng là bị làm giả, làm nhái! Khi toàn xã hội căng mình phòng, chống đại dịch Covid-19, nhưng tưởng sẽ không có chuyện trục lợi, ấy thế mà vẫn diễn ra”.

Từ đầu tháng hai đến cuối tháng tư vừa qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã kiểm tra, giám sát hơn 7.965 vụ, xử phạt hơn 3,66 tỷ đồng, trong đó vi phạm chủ yếu liên quan đến mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay sát khuẩn. Lực lượng chức năng cũng thu giữ nhiều sản phẩm tem nhãn và nhiều loại hàng hóa bán thành phẩm như quần áo, găng tay, kính bảo hộ… Với diễn biến mới của dịch Covid-19 ở trong nước, khi những ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện ở thành phố Đà Nẵng vào cuối tháng 7, thì mặt hàng khẩu trang, thiết bị y tế lại “sốt”. Nhiều đối tượng đã cấu kết thành cả đường dây, phạm tội. Điển hình như tại TP Hồ Chí Minh, ngày 30-7, Đội QLTT số 15 kiểm tra Công ty Thương mại và dịch vụ Nhị Gia (đường Trần Đại Nghĩa, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh). Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sản xuất 47.500 chiếc khẩu trang hiệu GoMask có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc. Trong ngày, lực lượng QLTT cũng đã kiểm tra đột xuất và thu giữ hàng trăm nghìn khẩu trang 3M giả tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Nam Anh (trụ sở tại đường Lê Lăng, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú).

Tại Hà Nội, ngày 30-7, Đội QLTT số 4 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) tổ chức kiểm tra các thùng carton để tại ga Trần Quý Cáp (quận Đống Đa), phát hiện 1.920 chiếc khẩu trang 3M FamaPro có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Hôm sau, các đơn vị liên ngành đã phối hợp, kiểm tra đột xuất Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng BM (Công ty BM), có địa chỉ tại số 43, Biệt thự Lâm Viên 2, KĐT Đặng Xá, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thuê mặt bằng tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện công ty này đang sản xuất khẩu trang, có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, một số công nhân tại xưởng đang phân loại và trực tiếp đóng gói găng tay đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc và độ an toàn. Đoàn kiểm tra phát hiện 1.552 kg găng tay cao-su đã phân loại và chưa phân loại, tám bao tải găng tay thành phẩm, 31 bao tải khẩu trang thành phẩm và 24 bao tải khẩu trang chưa thành phẩm, 154 kg vỏ bao găng tay y tế, 2.409 chiếc hộp đựng găng tay y tế... Công ty BM không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Mở rộng kiểm tra, lực lượng QLTT đã kiểm tra tại số 43, Biệt thự Lâm Viên 2, KĐT Đặng Xá, huyện Gia Lâm, phát hiện số lượng lớn găng tay cao-su và có một số nhân viên đang phân loại găng tay (cũ cho vào tái chế, mới cho đi hấp lại để bán), nhưng chưa bán ra thị trường. Đoàn kiểm tra đã kiểm đếm được 9,5 tấn găng tay cao-su, số còn lại tiếp tục kiểm đếm sau, ước tính khoảng hơn 15 tấn. 

Xử phạt nghiêm để răn đe

Từ giữa tháng 5, làm việc với Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) đã chỉ đạo, UBND thành phố Hà Nội và Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cần tiếp tục quan tâm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa thực hiện phát triển kinh tế. Phó Thủ tướng đề nghị, Hà Nội tiếp tục coi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, không có vùng cấm. Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nếu trên địa bàn xảy ra tình trạng buôn lậu thường xuyên, liên tục. 

Ở góc độ luật pháp, luật sư Phạm Thị Thu, Công ty Luật số 1 Hà Nội, phân tích: Theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ, việc sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế không tuân theo các điều kiện về sản xuất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Đối với hành vi này, tùy theo tính chất mức độ, động cơ và giá trị trục lợi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, thì mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tiền từ ba đến 60 triệu đồng. Luật sư Phạm Thị Thu, nhấn mạnh: “Trong trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đề nghị khởi tố để điều tra xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự hiện hành về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” và người phạm tội phải đối diện với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù”.

Nhằm kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội liên quan đến dịch bệnh, mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-VKSTC về tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong xử lý tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, kẻ lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi trái pháp luật như: buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho việc phòng, chống dịch bệnh có thể sẽ bị xử lý hình sự.

Thực tế trong những tháng qua, một số đối tượng lừa đảo bán các thiết bị y tế rởm đã bị khởi tố. Mong rằng các quy định nghiêm khắc và sự quyết liệt trong thực thi của các cơ quan chức năng sẽ đủ sức răn đe nhiều đối tượng có ý định vi phạm pháp luật liên quan đến thiết bị y tế, từ đó góp phần nâng cao năng lực phòng, chống dịch của cộng đồng.