Cay đắng... mùa tiêu

Hiện nay, ở một số huyện của hai tỉnh Đác Lắc và Gia Lai, hàng trăm héc-ta hồ tiêu đã bị chết, hoặc có nguy cơ chết ngay trước thời điểm thu hoạch. Việt Nam từng giữ vị trí số một chi phối thị trường tiêu thế giới, nhưng giờ đây, cây chủ lực này đang thất thế trên chính quê nhà.

Chị Nguyễn Thị Thắm, lo lắng với khoản nợ ngân hàng, khi diện tích hồ tiêu của gia đình đã mất trắng.
Chị Nguyễn Thị Thắm, lo lắng với khoản nợ ngân hàng, khi diện tích hồ tiêu của gia đình đã mất trắng.

Điệp khúc buồn

Càng gần đến mùa thu hoạch, ở Đác Lắc, diện tích hồ tiêu bị chết liên tục tăng tại các huyện phía đông nam của tỉnh, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho các nông hộ. Những người dân lam lũ, cả năm hy vọng đến mùa thu hoạch thì nay rớt nước mắt giữa cánh đồng tiêu bị thối gốc, vàng lá, rồi cứ thế héo quắt.

Đứng giữa hàng trăm trụ tiêu chết khô, chị Nguyễn Thị Thắm, thôn 15 (xã Ea Đar, huyện Ea Kar) nói với vẻ khắc khổ: “Toàn bộ gần 400 trụ tiêu gia đình trồng giờ mất sạch. Tính bình quân, mỗi trụ đầu tư hết hơn 400 nghìn đồng, hy vọng đến kỳ thu hoạch ít ra cũng được 600 nghìn đồng. Nay mất trắng, giá tiêu lại đang giảm mạnh, chỉ 120 đến 130 nghìn đồng/kg (trước đây là 150 đến 180, có lúc lên hơn 200 nghìn đồng/kg). Vay nợ ngân hàng hàng trăm triệu đồng biết lấy đâu mà trả bây giờ...

Ông Mai Thanh Cảnh, Trưởng thôn 15 cho biết: “Cả thôn có 148 hộ, thì hơn nửa số hộ đổ vốn trồng tiêu với tổng diện tích gần 20ha. Song, gần như tất cả số tiêu đã chết. Một diện tích nhỏ còn lại đang bị úa vàng, nếu thời gian tới tiếp tục nắng nóng như thế này số tiêu còn lại sẽ chết hết. Chúng tôi buồn cho người dân lắm!”.

Tình trạng cây hồ tiêu chết như ở thôn 15 không phải là cá biệt. Theo anh Trần Trung Hiếu, cán bộ nông nghiệp xã Ea Đar cho biết, hết hai đợt nắng hạn và tiếp đến ngập lụt năm ngoái đã quét sạch hàng trăm héc-ta hồ tiêu và cà-phê trong xã, ước tổng thiệt hại gần chục tỷ đồng.

Hạn, lụt đã vậy, cây hồ tiêu vốn rất “khó tính” với thời tiết và “mỏng manh” dễ bị nhiễm nấm, nhiễm sâu bệnh, khiến người dân lại phải tốn kém đầu tư thêm hàng chục triệu đồng mua thuốc chữa mong cứu từng trụ tiêu, nhưng diện tích tiêu chết vẫn chưa dừng lại, nguy cơ nhiều gia đình dẫn đến vỡ nợ đang hiển hiện.

Cùng cảnh ngộ, hộ gia đình chị Nguyễn Thị Tâm, ở thôn 1, xã Ea Lai, huyện M’đắk cho biết: Gia đình đã tìm đủ mọi cách thế chấp ngân hàng để được vay hơn 500 triệu đồng, đầu tư trồng hơn 800 trụ hồ tiêu. Vậy mà, sau đợt mưa hơn hai tháng trước, tiêu bị thối rễ, mục gốc, nay đã chết gần hết. “Thấy đâu đâu bà con cũng hào hứng dựng trụ trồng tiêu, vợ chồng tôi cũng bàn nhau làm, ai ngờ…” - chị Tâm bùi ngùi.

Đáng chú ý, nhiều diện tích hồ tiêu bị chết trên địa bàn nằm ngoài quy hoạch, lại được trồng ở những vị trí điều kiện địa lý, địa chất không bảo đảm, khu vực trũng, thấp nên dễ hư hại khi bị ngập úng.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, không chỉ các địa phương nói trên mà thực trạng đầu tư trồng hồ tiêu không theo quy hoạch còn xảy ra ở nhiều địa bàn khác, dẫn tới tình trạng mất kiểm soát. Tại Đác Nông, diện tích hồ tiêu đã lên đến khoảng 28 nghìn ha, trong khi quy hoạch đến năm 2020 chỉ 14 nghìn ha. Tại Đác Lắc, quy hoạch diện tích hồ tiêu đến năm 2020 cũng chỉ 15 nghìn ha nhưng hiện nay đã tăng gần gấp đôi. Cộng với hơn 1,2 nghìn ha trồng mới năm 2016, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện lên tới hơn 16,3 nghìn ha, vượt xa so với quy hoạch…

Chớ “dồn trứng vào một rổ”

Thực tế cho thấy, thiệt hại do thiên tai như vừa xảy ra trên địa bàn Tây Nguyên là bất thường, hiếm gặp. Hiện tượng hồ tiêu chết vẫn thường xảy ra ở các năm trước do yếu tố chủ quan, từ công tác quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho đến thực tế chăm sóc còn nhiều bất cập. Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) Nguyễn Mai Oanh cảnh báo, việc lạm dụng phân bón vô cơ đã làm cho cây hồ tiêu “bốc” nhanh, dẫn đến cây yếu ớt, dễ nhiễm bệnh và không thể chống chịu được điều kiện thời tiết bất lợi. Do bón phân vô cơ quá nhiều cũng khiến đất đai bạc màu, chai cứng. Nhiều vùng trồng tiêu ở Gia Lai như Chư Sê, Chư Pứh… đất đai đã trở nên khô cằn. “Vì thế, tình trạng tiêu chết nhiều như hiện nay là hệ quả của việc phát triển cây tiêu bừa bãi” - bà Oanh khẳng định.

Đề cập những nguy cơ khi các nông hộ mải chạy đua trồng cây “độc canh”, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Pắk (Đác Lắc) Đoàn Doãn Toán khuyến cáo, bà con hết sức lưu ý khi dùng thuốc bảo vệ thực vật, cũng như không được lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng, cần tuân thủ sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành trong suốt quá trình canh tác, chăm sóc và thu hoạch.

Chia sẻ những lo lắng, các chuyên gia ngành nông nghiệp nêu băn khoăn, nếu người dân chỉ đơn thuần cho rằng cây tiêu, cây sầu riêng có giá trị cao rồi ồ ạt đầu tư theo kiểu “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào” thì liệu có thật sự hiệu quả (?). Quy luật chung, khi nguồn cung tăng thì giá sẽ giảm. Trên thực tế hiện nay, dù mất mùa nhưng giá tiêu vẫn cứ giảm. Như vậy, xét về dài hạn, bài toán chất lượng cần phải khẩn trương được giải.

Các cấp chính quyền cần tạo điều kiện, tổ chức, hướng dẫn cho các nhóm nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số có thêm lựa chọn “trồng đa canh”, “hưu canh” như tập tục bản địa của bà con bao lâu nay. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ, lập quy hoạch diện tích trồng thâm canh cây công nghiệp giá trị lâu năm, cùng với khai thác hiệu quả diện tích trồng cây hằng năm; nghiên cứu chuyển đổi diện tích cà-phê già cỗi, kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả khác hoặc tái xen canh hồ tiêu. Với những diện tích hồ tiêu bị chết, người dân cần nhanh chóng thu gom tiêu hủy, cải tạo đất, tránh lây lan mầm bệnh; kiên quyết loại bỏ những vườn tiêu trồng tự phát, không theo quy hoạch…

Không chỉ gánh chịu thiệt hại sản lượng do mất mùa, những hộ trồng tiêu năm nay còn phải chịu thêm cảnh “rớt giá”. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những lý do khiến chất lượng hồ tiêu nước ta bị thị trường phản ứng, là bởi tình trạng kinh doanh thiếu bài bản, tổ chức thu mua nhỏ lẻ, hồ tiêu bị tích trữ lẫn lộn sản phẩm từ nhiều vùng miền gây nhiễm chéo thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời cũng gây khó khăn trong quá trình truy xuất nguồn gốc.