Cầu may thời... kinh tế "buồn"

NDO - Du xuân, đi lễ là cốt để cho tâm an, lòng thanh thản. Nhưng đáng buồn, trong thời buổi kinh tế thị trường, khi làm ăn gặp nhiều khó khăn vì suy thoái, những lời cầu xin càng nặng "tham, sân, si", toan tính trần tục. Không ít người chỉ chăm chăm mục đích cầu lợi, được thần linh phù hộ cho cuộc sống giàu có, nhàn nhã, thậm chí mong "cầu được ước thấy" cả những điều không tưởng...

Những điều trông thấy và... sớ nợ khó đòi (!)

"Ði lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng". Trời đẹp, lại vào chủ nhật nên Phủ Tây Hồ ken đặc người. Hàng quán san sát trên đường vào Phủ, người ra, kẻ vào tấp nập. Bãi đỗ xe chật cứng, giá trông xe vẫn ở "trên trời": 10 nghìn đồng/xe máy trong khi vé phát hành của Cục Thuế Hà Nội chỉ 2.000 đồng. Khách thắc mắc, đều nhận được câu trả lời ráo hoảnh "cả năm mới có một ngày rằm tháng Giêng nên đắt là đương nhiên".

Xen lẫn giữa nghi ngút khói hương trong Phủ là tạp âm của tiếng ồn, cười nói, khấn vái cầu xin. Rồi cả tiếng chí chóe: "Mù hay sao mà giẫm lên chân người ta!". Chiếc bàn để đặt lễ trở nên quá nhỏ bé, các khay lễ chồng chất lên nhau. Ai nấy sùm sụp vái lạy. Không ít lời lầm rầm cầu khấn ngồn ngộn "tham, sân, si". Nào là xin các ngài phù hộ cho con buôn may bán đắt, mua một bán mười, nhanh thăng quan tiến chức, cho kẻ hãm hại con sẽ bị công an "sờ gáy", bán được chung cư để trả nợ ngân hàng... Len mãi chẳng nổi vào trong cung đặt tiền giọt dầu, người người đua nhau ném tiền từ xa, rồi nhét lấy nhét để lên hoành phi, lọ hoa, dưới chân tượng... Thỉnh thoảng lại ré lên tiếng bực dọc đầy bất lực: "Nó hất cả mâm lễ của mình rồi, mãi chẳng thấy đâu"...

Cảnh tượng xô bồ, hỗn loạn nhan nhản ở các đền chùa, di tích nổi tiếng linh thiêng. Các dịch vụ "ăn theo" cũng "trăm hoa đua nở": nhận sắp lễ, viết sớ, đổi tiền lẻ, mang vác thuê, khấn thuê, trông giữ ô-tô, xe máy... Thời buổi "người khôn, của khó", nhiều người còn "tiếp thị từ xa" riết ráo mời chào. Ngay từ ngã ba Ba La, hễ thấy xe nào vừa rẽ vào quốc lộ 21B, lập tức một tốp xe máy đuổi theo, ơi ới mời chào đi đò chùa Hương. Mấy tay "cò" ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) cũng nhiệt tình chẳng kém, săn đón khách từ đầu đường Suối Hoa, bám theo vào tận cổng đền. Trong đền, đội ngũ khấn thuê hoạt động hết công suất, đồ nghề gọn nhẹ mà kiếm bộn tiền. Ngoài các loại sớ phổ thông như cầu an, tài, lộc, năm nay trong bối cảnh bất động sản đóng băng, nợ nần đầm đìa..., còn phát sinh sớ nợ khó đòi, sớ bán nhà đất đáp ứng nhu cầu "thượng đế". Một chị vừa đọc cho thầy viết sớ, vừa liến thoắng: "Có căn liền kề rao bán mãi chẳng ai mua. Xin các ngài độ cho bán được, chứ "treo" như năm ngoái chỉ có nước vỡ nợ". Tất cả trông cậy hết vào lòng thương của Phật, thánh...

Nếu lễ hội đền Trần (Nam Ðịnh) từng là nỗi khiếp đảm của những ai ngạt thở, ngất xỉu, mất trộm trước đây thì đêm 14, sáng rằm tháng Giêng năm nay, nhiều người cũng bị chen "bẹp" ruột - hậu quả của nạn tranh cướp ấn, càn quét lộc hỗn loạn. Bất chấp đêm giá lạnh, nhiều người đã ăn chực, nằm chờ thâu đêm mong nhận được lá ấn đầu tiên. Trèo tường, vượt rào vào đền, chen lấn, xô đẩy, đu lên mái nhà, trèo cả lên cửa sổ, giẫm lên vai nhau, nhiều người cố chen vào lấy "ấn lộc" đến nghẹt thở. Lực lượng an ninh hơn 2.000 người dù đã cố gắng nhưng cũng chỉ chấn chỉnh, giữ yên trật tự được vài tiếng đồng hồ, rồi cũng đành bất lực.

Toát mồ hôi khi thoát ra được từ đám đông, cầm trên tay lá "bùa hộ mệnh" thăng quan tiến chức, chị Nguyễn Bích Ngọc (Hà Trung, Thanh Hóa) hổn hển thở nhưng vẫn hồ hởi nói: "Tôi "công đức" 80.000 đồng, được phát bốn lá ấn. Năm nay, nhất định công việc hanh thông, ông xã nhanh thăng chức". Không ít cảnh "chướng tai gai mắt" làm nhếch nhác chốn tôn nghiêm vẫn tái diễn như cảnh người ngồi tràn cả ra đường, đứng trên lan can cầu vượt vái vọng lễ dâng sao giải hạn ở Tổ đình Phúc Khánh (Hà Nội); xẻo thịt thú rừng, những quán bán bánh chè lam, bánh củ mài réo loa ông ổng "muốn cho da trắng tóc dài - thì nên ăn bánh củ mài mật ong" nơi đất Phật; hay cảnh ăn xin đeo bám ở chùa Bái Ðính (Ninh Bình), cò ấn, phe ấn tung hoành tại đền Trần...

Còn đâu hồn cốt lễ hội!

Lễ hội có bớt bát nháo, lộn xộn phụ thuộc nhiều từ công tác tổ chức. Ban tổ chức một số lễ hội từng khẳng định quyết tâm chấn chỉnh trên đài, báo để lễ hội thật sự là "điểm đến" an toàn, văn minh, thanh lịch, dẫu ai cũng biết rằng, khi có tới hàng nghìn, hàng vạn du khách đổ về, việc giữ gìn an ninh trật tự là bài toán rất khó. Ban tổ chức hội Lim từng tổ chức họp báo, tuyên bố kiên quyết dẹp nạn quan họ ngả nón xin tiền, nhưng hình ảnh phản cảm vẫn diễn ra. Ăn xin, rồi "sư giả" vẫn "hốt bạc" ở nhiều nơi, trong khi không còn xuất hiện ở chùa Hương, Yên Tử...

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Ban quản lý di tích chùa Hương, hơn mười năm trước, dân "cái bang" khắp nơi đổ về chùa Hương, khi làm kiên quyết, đưa lên Trung tâm bảo trợ xã hội II đã "chờn" hẳn, không dám bén mảng. Hàng loạt biện pháp "rắn" áp dụng trong mùa lễ hội năm nay như xử phạt đò không có thùng đựng rác, các quán ăn không treo thịt trong tủ kính, bắt quả tang đối tượng móc trộm điện thoại di động tại đền Trình, xử lý đối tượng tuyên truyền Pháp luân công, chín đối tượng lừa đảo bán thuốc giá cao... đã góp phần tạo dấu ấn tốt đẹp hơn trong lòng du khách trảy hội chùa Hương. Dẫu còn nhiều "sạn" nhưng năm thứ hai lễ hội đền Trần được tổ chức theo kịch bản mới, phát ấn từ sáng hôm rằm và theo "đặt hàng" từ trước đã "hạ nhiệt" phần nào nạn chen lấn, tranh cướp ấn kinh hoàng trước kia. Công an TP Uông Bí (Quảng Ninh) lắp đặt một số ca-mê-ra tại các chùa chính khu vực Yên Tử giúp sức rất nhiều trong việc phát hiện những kẻ đạo chích trà trộn đông người móc túi. Có kế hoạch chặt chẽ, tỉ mỉ, phân công lực lượng hợp lý, dự liệu các phương án, tình huống đặt ra, đặc biệt trong những ngày cao điểm và sự ra tay quyết liệt của Ban tổ chức, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm ngay từ ban đầu, không để phát sinh phức tạp, chính là yếu tố quyết định thành công ở nhiều lễ hội.

Những hành vi phản cảm trong lễ hội, bất cập trong khâu tổ chức, có tác nhân không nhỏ ngay từ ý thức phần đông du khách bởi nỗ lực của Ban tổ chức cũng chỉ là "muối bỏ bể" nếu không có sự hợp tác của du khách, phật tử. Các Ban tổ chức có "ba đầu, sáu tay" cũng không thể điều hành nổi cả biển người vô ý thức, mất trật tự. Ðơn cử, ngày cao điểm tại chùa Hương gần sáu vạn khách, trong khi cáp treo chỉ chở được khoảng 1.500 khách/giờ, nếu du khách không kiên nhẫn xếp hàng trật tự ắt xảy ra lộn xộn và vô hình chung tạo cơ hội cho kẻ gian hành sự. Tại các đền, chùa đông người tới hành hương đều có lực lượng công an hóa trang mật phục bắt trộm nhưng cũng không thể bắt xuể khi người quá đông, thủ đoạn bọn "hai ngón" càng tinh vi như sắm vai khách đi lễ, đi theo nhóm móc túi chuyền tay nhau. Và dù có nhiều pa-nô cảnh báo, kêu gọi như "Bỏ rác vào nơi quy định - việc làm nhỏ ý nghĩa lớn", hay lời kêu gọi "Ði chùa tích đức - không tiêu thụ và giết thịt động vật hoang dã" nếu du khách không thực hiện thì cũng chỉ là khẩu hiệu suông.

Ði lễ, trảy hội cốt để thưởng ngoạn cảnh đẹp, cho tâm thanh thản, thư thái, tìm bình an ở chốn linh thiêng, tránh xa bon chen vụn vặt đời thường. Vậy mà ngay trước cửa Phật, thánh lại chỉ gặp toàn chuyện bất an bực mình như bị chen bẹp ruột, bị "chặt chém", mất trộm cùng trăm thứ lộn xộn, xô bồ, phản văn hóa..., thử hỏi làm sao tâm thanh thản! Và, nếu cứ như vậy thì hồn cốt của lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa ngàn đời liệu có còn giữ được không? Câu hỏi nhức nhối ấy đang chờ chính quyền, Ban quản lý lễ hội cùng với cơ quan chức năng các cấp khẩn trương lên tiếng và có hành động hữu hiệu. 

* Ngoài các loại sớ phổ thông như cầu an, tài, lộc, năm nay trong bối cảnh bất động sản đóng băng, nợ nần đầm đìa..., còn phát sinh các loại sớ lạ, ấy là sớ nợ khó đòi, sớ bán nhà đất, nhằm đáp ứng nhu cầu "thượng đế"(!).

* Du Xuân, trảy hội từ ngàn xưa là tập quán, mỹ tục, nhưng một số lễ hội đã bị biến dạng, thương mại hóa. Ðã có nhiều kiến nghị để dẹp sự bát nháo của lễ hội như việc cải thiện năng lực tổ chức, điều hành của Ban quản lý, tuyên truyền, kêu gọi du khách nâng cao ý thức đến cơ quan chức năng ban hành văn bản quy định đối với du khách khi đi lễ, trảy hội, nghiêm cấm các dịch vụ mang tính chất kinh doanh kiếm lời, đề ra các hình thức xử phạt người vi phạm, v.v. nhưng đến nay hầu hết chuyển biến rất chậm.